Theo thông tin từ Daily Mail, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời Trottier (Canada), phối hợp với NASA, vừa công bố phát hiện hành tinh L 98–59 f - một "siêu Trái Đất" quay quanh sao lùn đỏ L 98–59. Kết quả được đưa ra nhờ dữ liệu từ kính viễn vọng không gian TESS của NASA, kết hợp với các quan sát từ mặt đất.
Điều đặc biệt khiến L 98–59 f trở nên nổi bật trong hệ sao của nó là vị trí nằm trong "vùng có thể ở được" - khu vực mà nước lỏng có khả năng tồn tại trên bề mặt hành tinh, điều kiện tiên quyết cho sự sống như trên Trái Đất, và cách hành tinh xanh của con người chỉ khoảng 35 năm ánh sáng. Đây là một trong năm hành tinh được phát hiện trong hệ sao L 98 - 59, nhưng cho đến nay chỉ L 98–59 f được xác định có khả năng hỗ trợ sự sống.
Ông Charles Cadieux, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định: "Việc tìm ra một hành tinh ôn hòa trong một hệ sao nhỏ gọn là một bước tiến quan trọng. Nó minh chứng cho sự đa dạng phong phú của các hệ hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu những hành tinh quay quanh các sao lùn đỏ - loại sao phổ biến nhất trong vũ trụ".

Hệ sao L 98–59 được phát hiện lần đầu vào năm 2019 với bốn hành tinh đã biết. Nhờ kết hợp thêm dữ liệu từ các đài quan sát dưới mặt đất và các phép đo chính xác hơn, các nhà khoa học giờ đây đã bổ sung hành tinh thứ năm - L 98–59 f vào danh sách.
Khác với phương pháp truyền thống là phát hiện các hành tinh qua hiện tượng "transit" (khi hành tinh đi qua phía trước ngôi sao chủ và làm giảm ánh sáng tạm thời), L 98–59 f được phát hiện nhờ theo dõi những dao động rất nhỏ trong chuyển động của ngôi sao. Phương pháp này đòi hỏi công nghệ đo đạc cực kỳ chính xác và độ tin cậy cao.
Các nhà nghiên cứu tính toán rằng lượng năng lượng mà L 98–59 f nhận được từ sao chủ tương đương với mức năng lượng Trái Đất nhận từ Mặt Trời, củng cố thêm giả thiết rằng hành tinh này có thể sở hữu nước dạng lỏng và là ứng viên sáng giá cho sự sống ngoài Trái Đất.
Không chỉ dừng lại ở L 98–59 f, nhóm nghiên cứu cũng công bố thêm các thông tin quan trọng về bốn hành tinh còn lại trong hệ. Trong đó, L 98–59 b - hành tinh gần sao chủ nhất, có kích thước bằng 84% Trái Đất và khối lượng bằng khoảng một nửa. Hai hành tinh tiếp theo trong hệ được cho là có địa chất tương đồng với vệ tinh Io của Sao Mộc - nơi nổi tiếng với hoạt động núi lửa mãnh liệt. Riêng hành tinh thứ tư có thể là một "thế giới nước", với cấu trúc chứa phần lớn là chất lỏng.
Giáo sư René Doyon, một trong các đồng tác giả của nghiên cứu, cho rằng hệ hành tinh L 98–59 cung cấp một cơ hội độc đáo để trả lời các câu hỏi nền tảng trong lĩnh vực nghiên cứu hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời.
"Với sự đa dạng về cấu trúc và đặc tính vật lý, L 98–59 là một phòng thí nghiệm thiên nhiên lý tưởng để nghiên cứu cách mà các hành tinh loại siêu Trái Đất hoặc tiểu Hải Vương hình thành. Đồng thời, nó cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn liệu các hành tinh đá quanh sao lùn đỏ có thể duy trì bầu khí quyển theo thời gian hay không", ông Doyon giải thích.
Nhóm nghiên cứu cho biết, sau bước phát hiện quan trọng này, họ sẽ tiếp tục sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb - công cụ hiện đại nhất hiện nay để phân tích kỹ hơn thành phần khí quyển và bề mặt của các hành tinh trong hệ sao L 98–59.
Việc phát hiện L 98–59 f - hành tinh có khả năng hỗ trợ sự sống ở khoảng cách tương đối gần Trái Đất - không chỉ là bước tiến khoa học mà còn mở ra nhiều hy vọng về khả năng tồn tại sự sống ngoài hành tinh trong vũ trụ rộng lớn.
L 98–59 f - hành tinh ngoài hệ Mặt Trời mới được phát hiện này có quỹ đạo gần như tròn hoàn hảo, quay quanh ngôi sao của nó trong 23 ngày Trái Đất. Hành tinh này nhận được lượng năng lượng từ sao gần tương đương với Trái Đất, đặt nó vào vùng có thể sống được của ngôi sao - một khoảng cách mà tại đó nước lỏng có thể tồn tại nếu có điều kiện khí quyển phù hợp, theo tuyên bố từ trường đại học.