Nếu không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hoàn lưu cơn bão số 3 thì thời điểm này, nông dân vùng cao Quan Hồ Thẩn (Si Ma Cai) đã bước vào thu hoạch lúa vụ mùa và làm đất để sản xuất vụ đông. Tuy nhiên, mưa lũ đã khiến cánh đồng Cán Hồ - vựa lúa của xã Quan Hồ Thẩn với hơn 30 ha, trải dài qua 2 thôn là Seo Cán Hồ và Tả Cán Hồ, bị ngập sâu trong nước.
Ngay khi nước rút, nông dân đã xuống đồng, thu hoạch lúa với hy vọng vớt vát được chút thành quả của một vụ sản xuất.
Gia đình ông Sùng Seo Nhà là một trong những hộ cấy lúa lớn nhất tại cánh đồng Cán Hồ. Ông Nhà chia sẻ: Khi nước rút, một phần diện tích lúa vẫn còn vớt vát được nên gia đình tôi cố gắng thu hoạch nhanh nhất có thể, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nếu thóc còn đảm bảo, chúng tôi sẽ sử dụng phục vụ sinh hoạt, nếu không sẽ tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Mưa lũ kéo dài cũng đã khiến những cánh đồng ven sông Hồng của xã Sơn Hải (Bảo Thắng) ngập sâu trong nước, hơn 60 ha đất sản xuất bị ngập nặng, cuốn đi bao mồ hôi, công sức của nông dân. Ngay khi nước lũ rút, bùn đất còn chưa kịp khô, nông dân xã Sơn Hải đã vội vã trở lại cánh đồng, cần mẫn khôi phục sản xuất.
Tại thôn Cánh Địa, 3 sào đất trồng dưa lê của gia đình chị Võ Thị Thu Hường đến thời điểm thu hoạch quả thì dòng nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi tất cả ra sông. Thành quả sau bao tháng ngày lao động nhọc nhằn bỗng chốc tan biến nhưng chị Hường không hề nản lòng: Mặc dù mất hết, nhưng vẫn còn đất, còn sức lao động, chỉ cần vậy thôi, chúng tôi sẽ lại gieo trồng vụ mới.
Ngay khi nước rút, chị Hường bắt tay cải tạo ruộng vườn. Tại mảnh vườn trên cao, chị Hường tập trung trồng giống rau ngắn ngày để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và bán ra thị trường. Tại vùng đất trũng hơn, vẫn còn bùn đất, chị Hường làm rãnh khơi thông, cày ải và khử khuẩn cẩn thận để làm sạch đất, diệt những mầm bệnh tiềm ẩn. Tranh thủ chờ đất khô, chị nghiên cứu, lựa chọn loại cây trồng vụ đông phù hợp để canh tác trên đất mới.
Cũng tại thôn Cánh Địa, gia đình ông Nguyễn Văn Bắc trồng rau cải ngắn ngày được gần một tháng, sắp đến vụ thu hoạch thì bị nước lũ nhấn chìm. Thay vì than thở trước thiệt hại, ông Bắc nhanh chóng huy động cả gia đình ra đồng, tạo rãnh khơi thông mảnh ruộng cho ráo nước, rắc vôi khử trùng, rồi cặm cụi làm luống và trồng vụ rau mới. Chỉ sau hơn hai tuần, 5 sào đất của gia đình ông Bắc đã từng ngập sâu gần 2 m nước nay đã được phủ xanh bằng những luống rau cải. “Thiên tai không ai muốn, nhưng khi đã xảy ra, ngồi than thở cũng không ích gì. Điều quan trọng là phải nhanh chóng đứng dậy, bắt tay vào việc đồng áng, sớm lấy lại những gì đã mất”, ông Bắc bảo.
Trận mưa lũ lịch sử vừa qua khiến gia đình chị Ngô Thị Thảo ở thôn Đồng Quang, xã Quang Kim (Bát Xát) bị thiệt hại nặng nề. Cánh đồng hơn 1 mẫu dọc theo suối Đồng Quang đã bị bùn đất vùi lấp, có chỗ dày đến gần 2 m. Sau khi lũ rút, hằng ngày, hai vợ chồng chị Thảo miệt mài từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều để dọn cây cối, đá sỏi ngổn ngang trên đồng. Lau vội mồ hôi, chị Thảo cho biết: Trước khi xảy ra mưa lũ, toàn bộ diện tích này đã phủ xanh bởi ngô, củ đậu và đỗ. Gia đình mừng rỡ vì sắp được thu hoạch nhưng tất cả đã bị vùi lấp dưới đất bùn.
Dù nước lũ rút nhưng gia đình chị Thảo phải đợi gần chục ngày để bùn khô thì mới xuống đồng được. Thế nhưng, chiếc máy làm đất cũng liên tục bị thụt do một số vị trí còn lầy. Tuy nhiên, kết hợp làm đất thủ công và sử dụng máy cày, gia đình chị Thảo cũng đã cơ bản hoàn thành việc cày xới, làm tơi đất và đánh luống được nửa mẫu ruộng. Làm đất được tới đâu, hạt ngô đã được đôi bàn tay thoăn thoắt của chị Thảo gieo xuống tới đó. Cách đó không xa, đất đã được lên luống, thẳng hàng thẳng lối, chuẩn bị xuống giống cà chua, bắp cải, đậu đỗ…
Trên những cánh đồng ngổn ngang sau mưa lũ, từ Bát Xát, Bảo Thắng đến Bảo Yên, thậm chí cả ở vùng cao Si Ma Cai, nông dân lại miệt mài xuống đồng. Và như thế, màu xanh sẽ phủ kín trên những cánh đồng sau trận mưa lũ lịch sử.