Chuyện gia đình lục đục, đôi lúc xảy ra mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi và có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” hoặc không có tiếng nói chung trong giải quyết các vấn đề, hoặc do tính cách của mỗi người và nhiều nguyên nhân khác. Gia đình chị La Thị Lốt ở thôn Bản Thẳm, xã Thẳm Dương (huyện Văn Bàn) không phải ngoại lệ. Do tính người chồng nóng nảy và còn mắc chứng động kinh, đôi lúc không kiểm soát được bản thân nên xảy ra cãi vã, xô xát với vợ khiến cuộc sống gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Nhiều lúc chị Lốt bực mình vì những cuộc cãi vã như vậy mà bỏ về nhà ngoại.
Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” xã Thẳm Dương được thành lập tháng 7/2023. Khi biết đây là mô hình giúp đỡ phụ nữ yếu thế, chị Lốt đã tìm đến và được các thành viên tư vấn, hỗ trợ. Qua những thông tin tuyên truyền, chị Lốt đã động viên chồng đi khám sức khỏe, tìm hướng điều trị. Trong lúc vợ chồng mâu thuẫn, chị tiết chế cảm xúc, không để sự việc đi quá xa. Thấy vậy, chồng chị cũng dần học cách kiểm soát bản thân để câu chuyện lắng xuống, đồng thời anh cũng ra trạm y tế xã để được tư vấn điều trị. Giờ đây, cuộc sống gia đình chị Lốt đã tốt hơn, vợ chồng sống hòa thuận và ít xảy ra những mâu thuẫn không đáng có.
Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” xã Thẳm Dương kể từ khi thành lập đến nay đã giúp đỡ 5 gia đình hòa giải thành công các mâu thuẫn. Chị La Thị Phượng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thẳm Dương cho biết: Mặc dù là mô hình mới nhưng đã phát huy hiệu quả. Với việc chia sẻ những câu chuyện thực tế đã giúp phụ nữ có cơ hội giao lưu, trao đổi thông tin hữu ích về cuộc sống để xây dựng gia đình hạnh phúc hơn.
Huyện Văn Bàn đã triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” tại các xã: Thẳm Dương, Nậm Chày, Dương Quỳ, Nậm Xây, Nậm Xé, Minh Lương, Sơn Thủy. Theo chị Lò Thị Huyền Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Văn Bàn, đây là những xã có người dân tộc thiểu số chiếm hơn 70% dân số, nhận thức chưa đồng đều dẫn đến bạo lực, mâu thuẫn trong gia đình cao hơn những xã khác.
Để mô hình phát huy hiệu quả, việc lựa chọn các thành viên tham gia được Hội Phụ nữ huyện Văn Bàn phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện kỹ lưỡng. Đây không chỉ là các cá nhân tiên phong trong công tác phòng, chống bạo lực tại chính gia đình mình, mà còn là những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng.
“Khi có thông tin hội viên bị bạo hành, các thành viên của địa chỉ tin cậy sẽ đến tìm hiểu căn nguyên sự việc để hỗ trợ, tư vấn, đồng thời báo cáo các ngành liên quan có biện pháp bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân”, chị Lò Thị Huyền Trang cho biết.
Tại Si Ma Cai, Hội Phụ nữ huyện phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thành lập 4 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” tại các xã Lùng Thẩn, Quan Hồ Thẩn, Sán Chải và Thào Chư Phìn vào đầu tháng 9/2023. Bình quân mỗi mô hình có 20 thành viên, điều đáng nói là 70% số thành viên là nam giới. Chị Dương Thị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Si Ma Cai phân tích: "Nhận thức về bình đẳng giới phải xuất phát từ hai phía chứ không riêng phụ nữ. Mặt khác, nam giới tham gia mô hình đa phần là người có uy tín tại thôn, bản và có khả năng tuyên truyền, thuyết phục cao".
Theo thống kê của Hội Phụ nữ tỉnh, đến nay trên địa bàn đã thành lập 28 mô hình “Địa chỉ tin cậy”, với hơn 500 thành viên, so với chỉ tiêu phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 đã đạt hơn 53% kế hoạch. Xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc phát huy vai trò của tổ chức hội với thúc đẩy bình đẳng giới, Hội Phụ nữ tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo hội phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố bám sát điều kiện thực tế địa phương để tham mưu xây dựng và triển khai mô hình.
Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức 7 lớp tập huấn quy trình xây dựng và vận hành “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. Các thành viên được trang bị kiến thức tuyên truyền cho cộng đồng, khu dân cư về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cũng như cách hỗ trợ người bị bạo lực đảm bảo nguyên tắc “kịp thời, an toàn, bảo mật thông tin”. Lãnh đạo, cán bộ phụ nữ các cấp được tập huấn về quy trình thành lập và vận hành “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”. Các mô hình trên địa bàn hiện được ban quản lý mô hình lựa chọn trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn... để đặt địa điểm cho nạn nhân khi bị xảy ra bạo lực đến tạm lánh. Tại các địa điểm tạm lánh, hội phụ nữ các cấp hỗ trợ mua trang - thiết bị như giường, chiếu, chăn, màn, đệm, bếp gas, nồi, ấm siêu tốc, bàn ghế, tủ thuốc, một số vật dụng y tế sơ cứu ban đầu và các nhu yếu phẩm cần thiết. Khi tiếp nhận nạn nhân, các thành viên mô hình sẽ giúp đỡ nạn nhân ổn định tinh thần, khám sức khỏe và bảo vệ nạn nhân.
Theo đánh giá của Hội Phụ nữ tỉnh, bước đầu các mô hình duy trì hoạt động thường xuyên, nền nếp và phát huy hiệu quả. Nhiều cặp vợ chồng đã được hàn gắn, thuận hòa, từ đó phụ nữ ngày càng tin tưởng, phấn khởi và tích cực tham gia các phong trào và hoạt động của hội.
Thời gian tới, hội phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục căn cứ tình hình thực tế để mở rộng mô hình, nâng cao hiệu quả hoạt động, không chỉ nâng cao kiến thức, hỗ trợ kịp thời nạn nhân của bạo lực gia đình, mà còn tiếp tục nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, giúp đỡ phụ nữ yếu thế và xóa bỏ bạo lực khỏi đời sống xã hội…