Thời gian qua, Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Qua những buổi nói chuyện chuyên đề, cán bộ dân số cung cấp kiến thức về lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân, phòng tránh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các biện pháp phòng tránh thai và hậu quả của mang thai ngoài ý muốn… giúp các bạn trẻ có lối sống tình dục lành mạnh, an toàn, bảo vệ sức khỏe sinh sản.
Tiền hôn nhân là giai đoạn từ lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản đến khi kết hôn, bao gồm cả trẻ vị thành niên khi bắt đầu có khả năng sinh sản cho đến những người lớn tuổi (30 - 40 tuổi) chưa từng kết hôn.
Bác sỹ Nguyễn Đức Huân, Phó Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: Với những cặp đôi đang muốn kết hôn và sinh con, khám tiền hôn nhân là sự chuẩn bị tốt nhất cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc và sinh ra những đứa con khỏe mạnh, bởi qua thăm khám giúp phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến tình dục, mang thai, sinh đẻ.
Tìm đến những địa chỉ uy tín khám sức khỏe tiền hôn nhân là các bạn trẻ đang thể hiện trách nhiệm với chính bản thân, gia đình của mình, cũng như góp phần vào sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên hiện nay, việc khám tiền hôn nhân vẫn là khái niệm xa lạ với nhiều người, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ không đi khám trước hôn nhân còn rất cao.
Từ tháng 6/2021, tại Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã triển khai gói khám sức khỏe tiền hôn nhân với mong muốn giảm tỷ lệ vô sinh và giảm tỷ lệ di tật thai nhi di truyền. Năm 2023, khoa đã khám cho 105 cặp đôi trước hôn nhân và phát hiện 4 trường hợp bất thường về cơ quan sinh dục nữ, 3 trường hợp suy giảm chất lượng tinh trùng, 3 trường hợp bị bệnh lý nam khoa và 2 trường hợp bị bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bác sỹ đã tư vấn, tuyên truyền cho các cặp đôi những biện pháp phù hợp để điều trị và bảo vệ sức khỏe.
Xác định tầm quan trọng của hoạt động truyền thông, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã triển khai sâu rộng công tác truyền thông đến các địa phương, đặc biệt quan tâm đến vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2023, chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình tại các xã đặc biệt khó khăn được triển khai và đạt nhiều kết quả. 100% xã trên địa bàn tỉnh tổ chức chiến dịch tuyên truyền, tư vấn cho người dân về sàng lọc trước sinh, sơ sinh; tư vấn sức khỏe vị thành niên, thanh niên, đồng thời tư vấn trước kết hôn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, với hơn 27 nghìn người tham gia, đạt 102% kế hoạch giao.
Hoạt động truyền thông được thực hiện dưới nhiều hình thức, như phát thanh, nói chuyện chuyên đề và truyền thông trực tiếp tại thôn, bản, treo băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính và nơi cung cấp dịch vụ, tư vấn hộ gia đình; tuyên truyền qua mạng xã hội, thông qua đó lan tỏa thông tin về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, kết thúc chiến dịch, đã có hơn 5 nghìn người sử dụng biện pháp tránh thai lâm sàng, tăng 1,3% so với năm 2022. Bên cạnh đó, phát hiện hơn 9 nghìn người mắc bệnh phụ khoa thông thường và được điều trị.
Thành công của hoạt động truyền thông cần phải kể tới sự vào cuộc tích cực, chủ lực của đội ngũ cán bộ dân số các đơn vị từ tuyến tỉnh cho đến cộng tác viên dân số tại thôn, bản và khu dân cư. Tuy nhiên, thời gian tới, công tác truyền thông nâng cao chất lượng dân số cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, xác định trọng tâm, phù hợp với từng vùng và nhóm đối tượng, để người dân ủng hộ và tự giác thực hiện các chính sách của Nhà nước về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.