Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản khoảng 878 tỷ đồng và 236 ha rừng. Trong 2.294/3.440 vụ đã điều tra làm rõ nguyên nhân, có 1.345 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 58,6%); do bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 340 vụ (chiếm 14,8%); các nguyên nhân khác chiếm dưới 10%.
Chỉ tính riêng trong tháng 2/2024, toàn quốc xảy ra 447 vụ cháy, làm chết 15 người, bị thương 10 người, thiệt hại về tài sản khoảng 27,38 tỷ đồng và 14,95 ha rừng; xảy ra 2 vụ nổ, làm 2 người bị thương;trong đó, cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tỷ lệ cao nhất với 169 vụ (70,4%).
Tại Lào Cai, từ đầu năm đến nay xảy ra 5 vụ cháy (2 vụ cháy rừng, 1 vụ cháy cơ sở kinh doanh, 2 vụ cháy nhà dân), trong đó, 3 vụ cháy có nguyên nhân do chập điện, thiệt hại 118 triệu (2 vụ cháy rừng đang điều tra).
Theo điều tra của lực lượng chức năng, tình trạng quá tải, chập điện, thiết bị điện không an toàn… là nguyên nhân gây ra nhiều sự cố cháy, nổ với hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người dân. Để chủ động ngăn ngừa các sự cố cháy, nổ do việc sử dụng điện, các loại thiết bị điện gây ra, lực lượng công an khuyến cáo người dân cần chú ý thực hiện một số biện pháp sau:
Hệ thống điện, dây dẫn điện phải có tiết diện và cách điện phù hợp, đáp ứng được công suất của các thiết bị sử dụng điện; có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng phòng, khu vực và các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn; cầu dao, aptomat nên lắp đặt tại vị trí dễ thấy, thuận tiện cho việc ngắt điện; đường dây dẫn điện phải được đi trong ống gel bảo vệ.
Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đối với hệ thống điện, khi phát hiện các điểm mất an toàn, các điểm bất thường (dây dẫn điện bị nứt, đổi màu, đứt gẫy; các thiết bị đóng cắt, bảo vệ hoạt động kém, thường xuyên xảy ra phóng điện tại các tiếp điểm; các ổ cắm, mối nối, các điểm tiếp xúc, công tắc điện bị oxy hóa gây ra hiện tượng phóng điện, dò điện…) phải kịp thời sửa chữa hoặc thay thế để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn về điện, phòng chống cháy nổ.
Hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện có công suất cao trong cùng một thời điểm; đặc biệt, không cắm đồng thời nhiều thiết bị điện có mức tiêu thụ điện lớn trên cùng một ổ cắm; hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm.
Khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện cần tính toán, lựa chọn dây dẫn, thiết bị đóng cắt bảo vệ phù hợp, tránh gây tình trạng quá tải.
Khi sử dụng thiết bị đốt nóng như bếp điện, bàn là, lò sưởi, ấm điện… phải đặt trên vật liệu không cháy, đảm bảo khoảng cách với các vật liệu dễ cháy và phải có người trông coi, giám sát.
Không để trang thiết bị điện phát nhiệt gần các đồ vật dễ cháy, nổ.
Không sạc pin các thiết bị qua đêm; không nên vừa sạc, vừa sử dụng điện thoại, ipad, …
Bố trí tách biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh với các khu vực khác của nhà ở, sinh hoạt.
Kiểm tra và tắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết khi không sử dụng.
Lựa chọn thiết bị có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, công suất thiết bị phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện.
Sử dụng điện hàn, cắt phải thực hiện đầy đủ các quy định; không câu mắc, tự ý đấu nối điện tùy tiện.
Mỗi hộ gia đình phải trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy phù hợp; trang bị kiến thức, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn,... để kịp thời xử lý tình huống cháy, nổ xảy ra.
Khi phát hiện vụ việc xảy ra cháy, nổ báo ngay cho công an hoặc chính quyền địa phương, công an xã, thị trấn nơi gần nhất để kịp thời xử lý hoặc báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH qua số máy 114.