LCĐT - Những điều Ly kể khiến tôi khá bất ngờ, bởi từ trước tới nay, trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ gia đình cô luôn yên ấm, hạnh phúc. Một hình mẫu gia đình hoàn mỹ: Vợ chồng họ là trai tài, gái sắc, đều có công việc ổn định, thu nhập cao; hai đứa con ngoan, đủ nếp, đủ tẻ. Cư trú tại khu phố, không bao giờ hàng xóm nghe thấy vợ chồng họ to tiếng. Ra ngoài, hai người nói chuyện với nhau luôn “một điều anh, hai điều em” khiến vợ chồng nào cũng ghen tị.
![]() |
Hạnh phúc gia đình. Tranh minh họa |
Bẵng đi một thời gian, tôi giật mình khi nghe tin vợ chồng Ly “đường ai nấy đi”. Hai đứa con, một đứa theo bố, một theo mẹ. Họ thỏa thuận để lại ngôi nhà cũ cho Ly và con út ở. Chồng cô tìm thuê một căn hộ cách đó vài cây số. Hằng tuần, họ vẫn gặp nhau để cho hai con được gặp cả bố lẫn mẹ. Mặc dù đã chia tay, nhưng dường như giữa họ không có mâu thuẫn gì lớn. Minh chứng là mỗi lần gặp nhau, họ vẫn tổ chức nấu ăn chung để bọn trẻ cảm nhận được không khí gia đình như trước kia. Hàng xóm thấy vậy cứ đoán già, đoán non, người thì bảo chắc họ có khúc mắc gì lớn nên mới phải chia tay, chứ tình cảm vẫn còn; có người lại nói: “Vợ chồng trí thức thời hiện đại có khác, ly hôn rất văn minh, không ồn ào, không thù ghét”. Tôi chỉ nghĩ: Nguyên do khiến tổ ấm của Ly tan vỡ chỉ người trong cuộc mới rõ. Có những cặp vợ chồng suốt ngày to tiếng, xích mích với nhau nhưng lại chẳng bao giờ có ý định ly hôn, còn nhiều gia đình bình thường yên ả nhưng lại có những “con sóng ngầm”, những “con sóng” ấy có thể nhấn chìm cuộc hôn nhân lúc nào không hay.
Tiếc là, chuyện gia đình Ly lại thuộc trường hợp thứ hai. Hôm vừa rồi, tôi có việc sang nhà Ly. Sau vài câu chuyện xã giao, chúng tôi chuyển sang chuyện gia đình, con cái. Thấy tôi cởi mở, Ly chẳng ngần ngại chia sẻ những góc khuất về cuộc hôn nhân của mình, điều mà từ trước đến nay cô vẫn luôn giữ kín trong lòng. Ly bảo: “Nhìn bề ngoài, chồng em là người tốt, khá chỉn chu cả trong công việc và gia đình. Hằng ngày, anh ấy đến công ty làm việc, hết giờ là về nhà, không tụ tập bạn bè uống bia, rượu hoặc chơi cờ bạc…”. Thế nhưng, theo Ly, việc về đúng giờ của chồng lại chẳng có ý nghĩa gì với cô, vì anh chỉ nằm trên ghế xem ti vi và đọc sách, không phụ giúp vợ một việc nhà nào. Nếu Ly có nói thì anh chỉ bảo: “Đấy là việc của phụ nữ, đáng kể gì. Mà anh “ngoan” thế còn gì, luôn về đúng giờ, không la cà, em còn đòi hỏi gì ở anh nữa?”. Vốn là người ít nói, nhu mì, lại không muốn gia đình ầm ĩ, nên Ly luôn im lặng mỗi khi chồng nói vậy. Ngẫm ra thì so với nhiều người đàn ông khác, anh vẫn nhiều ưu điểm hơn, không vũ phu, dằn hắt, mắng chửi vợ con, không sa đà vào mấy tật xấu mà đàn ông hay mắc phải.
Đó không phải là vấn đề chính khiến hôn nhân của họ tan vỡ. Mặc dù, cuộc sống của gia đình Ly cứ yên tĩnh trôi qua như thế, nhưng cô chẳng lúc nào cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Chính sự vô tâm, keo kiệt và sòng phẳng của chồng cô đã làm cho không khí của gia đình dần ảm đạm, thiếu vắng tiếng cười. Từ khi kết hôn, không bao giờ anh đồng ý tổ chức một chuyến du lịch gia đình và cũng chưa bao giờ tự đưa con đến khu vui chơi giải trí. Mặc dù thu nhập cao, nhưng anh chi ly từng đồng, mỗi tháng rạch ròi chuyện chi tiêu trong nhà. Anh tự phân công hai vợ chồng mỗi người chịu trách nhiệm các khoản chi phí nuôi một con, từ việc đóng học phí, mua quần áo, sách vở, mua sữa… Hằng tháng, anh đưa cho Ly 4 triệu đồng và bảo: “Tiền ăn của anh và đứa lớn, em thêm vào chi tiêu cho hợp lý”. Số tiền dành dụm được, anh tự mua xe ô tô mang tên mình để đi. Nếu Ly muốn mua sắm đồ dùng, phương tiện cho bản thân, cô phải tiết kiệm tiền để mua. Vật dụng trong nhà, anh cũng phân công mỗi người mua một vài thứ. Theo quan điểm của chồng Ly, vợ chồng phải sòng phẳng về kinh tế thì sống mới thoải mái, không ai cảm thấy mắc nợ ai, phụ thuộc ai. Ngay ngôi nhà họ ở cũng là tiền hai người đóng góp để xây. Phần của Ly thiếu, cô phải đi vay bù vào cho đủ.
Chuyện chi tiêu trong nhà đã thế, đến việc đối nội, đối ngoại, chồng Ly cũng phân biệt rõ ràng: Vợ chịu trách nhiệm việc bên ngoại, còn chồng lo việc bên nội. Sự sòng phẳng đến lạnh lùng của chồng đã dần giết chết sự gắn kết, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Ly cảm giác vợ chồng họ giống như hai kẻ xa lạ chỉ gắn bó với nhau bởi tờ giấy kết hôn, đúng nghĩa “góp gạo thổi cơm chung”. Ngay hai đứa con cũng phân định rõ “bố của chị, mẹ của em” và luôn ý thức bảo vệ đồ dùng của mình, không cho chị hoặc em sử dụng chung.
Lối sống này vốn làm Ly ngột ngạt, khó chịu nhưng vẫn đành xuôi theo chồng. Có lẽ sự việc làm cô phải bứt ra khỏi vỏ bọc gia đình hạnh phúc chính là một lần mẹ cô phải cấp cứu ở bệnh viện. Trong khi cả nhà hớt hải, lo lắng thì chồng cô vẫn thờ ơ. Đến khi mẹ cô được chỉ định phải phẫu thuật và cần số tiền lớn, mà Ly lại không dành dụm đủ, cô hỏi chồng thì anh đưa cho 20 triệu đồng rồi bình thản nói: “Anh cho em vay, lúc nào anh cần thì phải đưa nhé!”.
Cầm tiền trên tay, lòng Ly nghẹn đắng và chua chát. Sau khi lo cho mẹ điều trị, cô đã quyết định viết đơn ly hôn. Chồng cô rất ngỡ ngàng và không đồng ý, nói cô không biết điều, sướng quá hóa... điên. Rồi còn nghi ngờ cô có người khác nên mới về ruồng rẫy chồng con. Nhưng cô vẫn kiên quyết ly hôn với lý do không hợp với cách sống của chồng. Cuối cùng thì chồng cô đành phải chấp nhận. Để ở lại ngôi nhà này, Ly phải dồn tiền đưa cho chồng cô đi tìm nơi ở mới (số tiền tương đương một nửa giá trị ngôi nhà ở thời điểm hiện tại). Cả hai thỏa thuận hằng tuần cho con cái gặp nhau.
Chuyện của Ly khiến tôi cứ ngẫm ngợi mãi. Hôn nhân hạnh phúc không chỉ biểu hiện ở vẻ bề ngoài, mà là sự ấm áp ở bên trong mỗi ngôi nhà. Các thành viên trong gia đình phải thật sự vui vẻ, hạnh phúc và được sẻ chia, yêu thương trong ngôi nhà của mình.