Nữ “nỏ thủ” nối nghiệp cha
Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt dịu dàng, nữ tính nhưng cô gái trẻ Lâm Thùy Trang (phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai) lại có niềm yêu thích đặc biệt là chinh phục môn bắn nỏ.
Khi được hỏi về cơ duyên gắn bó với cung tên, Trang cười tươi: Ở gia đình em, ai cũng lớn lên cùng mũi tên và nỏ!
Nghe lời chia sẻ, tôi có phần ngạc nhiên, thầm nghĩ ở chốn phố xá đông người, không phải vùng núi non để quen với tay cung săn bắn, nhưng sau một hồi trò chuyện, tôi mới vỡ lẽ Trang là con gái út của ông Lâm Văn Lập - một trong những tay bắn nỏ cừ khôi của tỉnh Lào Cai. Đam mê với môn này từ trẻ, trong nhà ông Lập lúc nào cũng có đôi, ba chiếc nỏ. Đặc biệt, ông còn tự đi tìm nguyên liệu làm nỏ, làm tên để luyện tập và thi đấu. Các cô con gái của ông Lập lớn lên trong không gian đầy đam mê ấy nên cũng dần “ngấm” sự yêu thích môn bắn nỏ.
Trang đã mang về cho đội tuyển bắn nỏ thành phố Lào Cai nhiều huy chương các loại. Tại Đại hội Thể dục - Thể thao tỉnh Lào Cai năm 2022, thi đấu môn bắn nỏ đồng đội nữ với 2 nội dung quỳ bắn và đứng bắn, Trang cùng đồng đội đã mang về cho đoàn 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Đồng.
Theo kinh nghiệm của Trang, mũi tên bay sẽ thay đổi tùy theo độ ẩm của không khí. Ví như vào buổi sáng, độ ẩm không khí cao, mũi tên rơi thấp do sức cản của không khí, còn khi trời nắng, mũi tên sẽ rơi cao hơn… Do đó, người chơi phải nắm chắc để có sự điều chỉnh phù hợp.
Nghe Trang say sưa kể về kinh nghiệm bắn nỏ, về những đường tên bay, tôi hiểu niềm đam mê môn thể thao dân tộc đã “ăn” vào máu. Không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, đó còn là món ăn tinh thần, đem lại niềm vui cho cô gái trẻ.
Cô giáo yêu thích cung tên
Những ai yêu thích môn bắn nỏ hẳn không lạ với cái tên Bàn Thị Tâm. Trong các giải thể thao dân tộc toàn quốc và của tỉnh có môn bắn nỏ thì chị đều góp tên trong đội hình thi đấu chính thức của tỉnh hoặc của huyện Bảo Thắng.
Chị Tâm là người dân tộc Dao tuyển ở xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng), hiện là giáo viên môn Địa lý tại Trường THCS thị trấn Tằng Loỏng. Nghe giới thiệu, tôi ngạc nhiên vì công việc chuyên môn của chị không liên quan đến thể thao, bởi thường thì cô giáo dạy thể chất sẽ có thế mạnh hoặc niềm đam mê với môn này. Thế nhưng qua trò chuyện, tôi hiểu đó là tình yêu được hun đúc từ gia đình. Bố chị Tâm là ông Bàn Văn Hạnh, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bắn nỏ xã Trì Quang.
Sinh sống ở núi rừng nên từ nhỏ, chị Tâm và các chị em trong gia đình đã được theo cha sử dụng nỏ, tuy nhiên cũng chỉ là sử dụng như một thói quen. Sau này, trong những hoạt động giao lưu thể thao đầu xuân ở xã, huyện, chị đều tham gia và đạt thành tích cao. Là con “nhà nòi” nên những đức tính trong luyện tập, thi đấu, chị được bố rèn luyện kỹ lưỡng. Dần dần bơi ra “biển lớn”, tại các kỳ hội thao của huyện, tỉnh rồi khu vực, quốc gia, chị mạnh dạn đăng ký thi đấu. Ban đầu là thi đấu nội dung đồng đội, sau này khi vững kỹ thuật hơn, chị mạnh dạn thi đấu nội dung cá nhân và thường đoạt giải.
Gần đây nhất, tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2022, chị Tâm đã xuất sắc mang về cho đoàn Lào Cai 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc ở nội dung quỳ bắn nhanh cá nhân.
Nhìn cách chị Tâm kiểm tra nỏ, mũi tên và tra mũi tên vào nỏ, ngắm bắn với những động tác nhanh, quyết đoán, ai cũng trầm trồ, ngưỡng mộ.
Với niềm đam mê, sau mỗi giờ lên lớp, chị lại dành thời gian luyện tập bắn nỏ, đồng thời chia sẻ với những người có cùng niềm yêu thích. Họ coi môn thể thao truyền thống của dân tộc là môn rèn luyện sức khỏe, là “món ăn” tinh thần nên luôn trân trọng, giữ gìn.
Ngoài chị Bàn Thị Tâm và em Lâm Thùy Trang, Lào Cai còn có nhiều tay bắn nỏ nữ khác. Tham gia môn này, mỗi nữ vận động viên đều hiểu rằng bắn nỏ đòi hỏi người chơi có sự hiểu biết nhất định, phải khổ luyện và có “mẹo” để mỗi khi giương nỏ lên là một lần trúng đích, từ đó nỗ lực, kiên trì hơn mỗi ngày.