LCĐT - Sau gần một tháng lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đã có rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp khá toàn diện, tâm huyết, xác đáng để hoàn chỉnh Dự thảo.
Cần xác định rõ diện tích đất lâm nghiệp trước khi bàn giao về địa phương quản lý
Nguyễn Huy Việt
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Bàn
Điều 85 nêu "Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...”. Đối chiếu với Luật Đất đai hiện hành có thể thấy quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có phạm vi mở rộng hơn, cụ thể hơn. Tuy nhiên, để thống nhất nhận thức và tránh phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện, cần làm rõ về mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi.
Thực tế, thu hồi đất là vấn đề liên quan đến quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều khiếu kiện. Do vậy, nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất. Đồng thời, giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đặc điểm, tình hình cụ thể của mỗi địa phương.
Vì thế, tôi đề nghị bổ sung một số nội dung vào Khoản 6, Điều 85, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như sau: “Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở, hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý cho thu hồi đất khi chưa thực hiện được công tác bố trí tái định cư”.
Đối với các quy định về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, tôi cho rằng, Lào Cai là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đất lâm nghiệp chiếm diện tích rất lớn… Vì vậy, một số nội dung liên quan đến đất lâm nghiệp phải quy định cụ thể và không chồng chéo với các luật khác. Đặc biệt là cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, quản lý đất lâm trường, chính sách đất cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều diện tích đất lâm nghiệp người dân đã lấn chiếm của các lâm trường và sử dụng ổn định. Hiện nay, những diện tích đất này đã được thu hồi của các lâm trường giao về địa phương quản lý, nhưng để quản lý tốt thì cần xác định rõ diện tích đất lâm nghiệp trước khi bàn giao về địa phương quản lý.
Cùng với đó, tôi đề nghị tại Điều 65 “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện” cần bổ sung thêm quy hoạch về quy định hạn mức giao đất sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm khuyến khích các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, sản xuất, cho phép người dân nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng để hạn chế tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép do thiếu đất sản xuất.
Cần rút ngắn thời hạn công bố công khai quy hoạch sử dụng đất
Tô Văn Thanh
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bát Xát
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rất rõ về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai; việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dự thảo cũng đã quy định quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tổng hợp, cân đối, phân bổ nhu cầu sử dụng đất của các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất...
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi có mốt số ý kiến đóng góp như sau: Cần sửa đổi quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện trên bản đồ có tỷ lệ 1/500 đến từng thửa đất. Về thời điểm, thời hạn công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đề nghị rút ngắn thời hạn công bố công khai từ 30 ngày như trong Dự thảo xuống còn 15 ngày để kịp thời triển khai các bước tiếp theo, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt, phải thực hiện việc công bố công khai. Bên cạn đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần hoàn thiện các quy định về sự tham gia, giám sát của người dân, các tổ chức, cá nhân trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt, công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch; trách nhiệm công khai thông tin; quy định về rà soát, điều chỉnh hoặc thu hồi đất đối với các dự án không khả thi, kém hiệu quả hoặc chậm thực hiện.
Hòa giải trước khi chuyển hồ sơ tới tòa án
Ma Xuân Thắng
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên
Tại Khoản 1, Điều 62 về thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của dự thảo quy định: “Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất các cấp là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia, tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất an ninh là từ 30 năm đến 50 năm; tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là từ 20 năm đến 30 năm”.
Thời gian như thế là quá dài, một số dự án, quy hoạch treo gây ảnh hưởng đến việc xây dựng và sinh hoạt của các hộ dân nằm trong dự án quy hoạch. Đề nghị xem xét có thể rút ngắn thời gian quy hoạch xuống đối với các cấp cho phù hợp khi dự án quy hoạch không còn xây dựng các công trình để phục vụ đời sống của người dân.
Khoản 1, Điều 71 về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dự thảo quy định: “Rà soát quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo định kỳ 5 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn”. Việc quy định định kỳ 5 năm là chưa phù hợp, đề nghị xem xét giảm xuống chỉ từ 2 đến 3 năm vì tình hình kinh tế - xã hội phát triển vận động thay đổi từng năm, vì vậy việc rà soát quy hoạch sử dụng đất cũng cần phải thực hiện thường xuyên hơn.
Tại Điều 225 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, dự thảo quy định: “Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu”. Như dự thảo, khi có xảy ra tranh chấp đất đai, chính quyền cơ sở chỉ có trách nhiệm cung cấp giấy tờ cho tòa án mà không tham gia giải quyết, hòa giải, sẽ gây khó khăn cho người dân, cần phải sửa điều này.