Theo thống kê của Bộ Công an, các đối tượng tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao để phạm tội chiếm hơn 90% tổng số vụ án, đe dọa an toàn xã hội.
Hiện nay, theo các văn bản luật hiện hành, các loại công cụ này vẫn chưa được quy định cụ thể vào danh mục vũ khí. Vì vậy, các cơ quan chức năng đang đề xuất quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí, linh kiện lắp ráp súng quân dụng là vũ khí quân dụng, bổ sung các loại súng tự chế... vào nhóm vũ khí quân dụng để tăng cường xử lý và trấn áp hiệu quả các đối tượng phạm tội.
Theo luật hiện hành, nếu một khẩu súng quân dụng được tháo rời ra thì không được coi là vũ khí quân dụng. Điều này đã khiến các đối tượng triệt để lợi dụng để tháo lắp, vận chuyển linh kiện vũ khí qua đường chuyển phát nhanh, làm gia tăng tội phạm sử dụng súng và vũ khí quân dụng. Lần đầu tiên dự thảo luật đưa ra khái niệm linh kiện súng quân dụng cũng là vũ khí.
Theo Bộ Công an, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. 5 năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 27.000 vụ, bắt giữ gần 47.000 đối tượng, chiếm trên 94% tổng số vụ và 95% tổng số đối tượng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép, gây án.
Một điểm đáng chú ý khác là các loại súng tự chế như súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.
Theo Bộ Công an, tình trạng sử dụng trái phép các loại súng này cao gấp 6 lần so với súng quân dụng, độ sát thương và nguy hiểm đều rất cao.
Tuy nhiên theo luật hiện hành, các loại vũ khí này không nằm trong danh mục các loại vũ khí và vũ khí quân dụng nên việc xử lý các đối tượng còn hạn chế.
"Loại tội phạm này sử dụng vũ khí này gây hậu quả và phải xử lý bằng pháp luật. Nếu chúng ta chỉ coi là đồ chơi không thì không được. Gắn với vụ án cụ thể, chúng ta phải tính hậu quả xảy ra", Đại tá Lê Khắc Sơn, Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, cho biết.
"Cần thiết đưa các vũ khí này vào vũ khí quân dụng. Khi đối tượng sử dụng xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác là vũ khí quân dụng, cần xử lý theo điều 354 Bộ luật Hình sự. Còn nếu súng đỏ chỉ sử dụng đi săn thì vẫn sẽ xử lý theo quy định súng săn", Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, nhận định.
Trong dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Bộ Công an cũng đề xuất quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí khi đối tượng sử dụng vào mục đích trái pháp luật.
Các thay đổi này đã được đề xuất trong dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận và xem xét trong kỳ họp lần này.