Nhật Bản đẩy mạnh tuyển dụng nhân viên chăm sóc sức khỏe từ Đông Nam Á

Với việc dân số Nhật Bản ngày càng già hóa, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi đang gia tăng đáng kể.

Hiện tại có khoảng 2,15 triệu nhân viên chăm sóc điều dưỡng, nhưng ước tính Nhật Bản sẽ thiếu hụt khoảng 250.000 nhân viên vào năm tài chính 2026. Ảnh: ST
Hiện tại có khoảng 2,15 triệu nhân viên chăm sóc điều dưỡng, nhưng ước tính Nhật Bản sẽ thiếu hụt khoảng 250.000 nhân viên vào năm tài chính 2026. Ảnh: ST

Từ năm tài khóa 2025, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sẽ đẩy mạnh chiến lược tuyển dụng nhân viên chăm sóc từ các nước Đông Nam Á để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng trong ngành này.

Với việc dân số Nhật Bản ngày càng già hóa, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi đang gia tăng đáng kể.

Theo ước tính, đến năm 2025, cứ 5 người Nhật Bản thì sẽ có 1 người trên 75 tuổi. Hiện tại, Nhật Bản có khoảng 2,15 triệu nhân viên chăm sóc, nhưng dự báo sẽ thiếu hụt 250.000 người vào năm tài khóa 2026 và khoảng 570.000 người vào năm 2040.

Để giải quyết vấn đề, Bộ Y tế Nhật Bản sẽ chi trả một phần chi phí mà các nhà vận hành cơ sở chăm sóc tại Nhật phải bỏ ra khi tuyển dụng nhân viên từ nước ngoài. Đồng thời, chương trình đào tạo chuyên ngành chăm sóc sẽ được triển khai tại Indonesia.

Ngoài ra, chính phủ Nhật sẽ trợ cấp chi phí đi lại cho các công ty quản lý viện dưỡng lão đặc biệt (tokuyo) và trường dạy nghề đào tạo nhân viên chăm sóc.

Các hội thảo giới thiệu cơ hội làm việc tại Nhật Bản sẽ được tổ chức tại các trường tiếng Nhật và cơ quan phái cử ở các quốc gia như Việt Nam và Myanmar.

Người trẻ tại địa phương sẽ được giải thích chi tiết về lợi ích khi làm việc tại Nhật Bản cũng như các điều kiện tuyển dụng.

Chính phủ cũng hỗ trợ tài chính cho các hoạt động phỏng vấn và tuyển dụng, với mức trợ cấp lên tới 1 triệu yên (khoảng 6.500 USD) cho mỗi công ty. Dự kiến, khoảng 100 doanh nghiệp sẽ tham gia chương trình này trong năm tài khóa 2025.

Indonesia, một quốc gia tích cực gửi lao động ra nước ngoài, sẽ là trọng tâm của chương trình hợp tác này.

Từ năm 2025, Nhật Bản sẽ triển khai chương trình đào tạo kéo dài ba năm mang tên Kaigo, tập trung đào tạo kỹ thuật chăm sóc và kiến thức về hệ thống bảo hiểm chăm sóc của Nhật Bản.

Ba chuyên gia từ Bộ Y tế và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ được cử đến Indonesia để hỗ trợ chương trình.

Kaigo sẽ hướng đến đào tạo giảng viên và học sinh tại các trường công lập đào tạo nghề chăm sóc.

Trong bối cảnh Đức và nhiều quốc gia khác cũng đang tích cực tuyển dụng lao động từ Indonesia, Nhật Bản cần tăng cường các biện pháp thu hút nhân tài.

Tính đến cuối năm 2023, chỉ khoảng 28.400 lao động nước ngoài có thị thực lao động kỹ năng làm việc trong lĩnh vực chăm sóc tại Nhật Bản, tương đương hơn 50% mục tiêu của chính phủ.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Quỹ công việc chăm sóc Tokyo vào năm 2023, chỉ 10% cơ sở chăm sóc tại Nhật Bản tuyển dụng lao động nước ngoài, trong khi 60% báo cáo thiếu nhân sự.

Giáo sư Noriko Tsukada, chuyên gia lão khoa xã hội tại Đại học Nihon, nhấn mạnh rằng cần nâng cao mức lương và điều kiện làm việc để ngành chăm sóc trở nên hấp dẫn hơn với lao động nước ngoài. Bà nói: “Chính phủ cần hỗ trợ chi phí đào tạo và tạo môi trường làm việc thân thiện hơn”.

Với các chính sách mới, Nhật Bản kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành chăm sóc, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cho xã hội già hóa nhanh chóng.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Tổ chức tư vấn Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (BPC) của Mỹ ngày 24/3 cảnh báo chính phủ nước này sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ đối với một phần trong khoản nợ 36.600 tỷ USD vào giai đoạn từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10/2025 nếu Quốc hội không hành động để nâng trần vay nợ của Washington.

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Đối mặt với tăng trưởng yếu và áp lực địa chính trị, kinh tế châu Âu đang ở thời điểm quyết định. Giải pháp tăng cường cạnh tranh có thể giúp khu vực vượt qua khủng hoảng hay không?

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Cùng nhau thu hẹp khoảng cách cảnh báo sớm

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Cùng nhau thu hẹp khoảng cách cảnh báo sớm

Thế giới có thể thu hẹp khoảng cách tài chính cho hệ thống cảnh báo sớm và bảo đảm rằng mọi quốc gia đều có đủ nguồn lực cần thiết để tăng cường khả năng chống chịu, đồng thời bảo vệ cộng đồng trước những tác động ngày càng mạnh mẽ của thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu.

Nữ Tổng thống Namibia đầu tiên tuyên thệ nhậm chức

Nữ Tổng thống Namibia đầu tiên tuyên thệ nhậm chức

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Phi, trong một sự kiện lịch sử trùng với kỷ niệm 35 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Namibia (21/3/1990 - 21/3/2025), bà Netumbo Nandi-Ndaitwah đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của quốc gia khu vực Nam Phi này.

fb yt zl tw