Người dày công vun đắp cầu nối hữu nghị, đoàn kết Việt-Lào

Mối quan hệ trong sáng, thủy chung hiếm có là hành trang quý giá của hai dân tộc Việt Nam và Lào trên con đường phát triển. Điều đó không ngừng được xây đắp bởi lớp lớp thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước, trong đó có đồng chí Đại tướng Khamtay Siphandone, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, nhà cách mạng lão thành của Đảng NDCM Lào.

anh-trang-1-4712-7521.jpg
Đồng chí Khamtay Siphandone phát biểu tại lễ mít-tinh chào mừng đồng chí thăm hữu nghị chính thức Việt Nam năm 2002. (Ảnh TTXVN)

Sinh ngày 8/2/1924 trong một gia đình có truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến địa phương tại khu vực thuộc tỉnh Champasak của Lào ngày nay, đồng chí Khamtay Siphandone sớm nuôi dưỡng trong mình lòng yêu nước nồng nàn. Năm 1947 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, cũng là điểm khởi đầu của những năm tháng hoạt động cách mạng gian khổ mà vinh quang của đồng chí, với quyết định gia nhập lực lượng của Mặt trận Lào Issara.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, đồng chí Khamtay Siphandone được giao nhiều trọng trách, như: Đại biểu Chính phủ Lào Issara khu vực Nam Lào, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu vực miền Trung, Ủy viên Trung ương Mặt trận Lào Issara và Mặt trận Lào yêu nước, Ủy viên Trung ương Đảng NDCM Lào. Đồng chí được nhận quân hàm Đại tướng, trở thành người lãnh đạo cao nhất của Quân giải phóng nhân dân Lào và tiếp đến là Quân đội nhân dân Lào.

Trên các cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, người chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân Lào, đồng chí Khamtay Siphandone đã kề vai sát cánh với Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong và các vị lãnh đạo khác của Mặt trận Lào yêu nước lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn đất nước, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975.

Đồng chí Khamtay Siphandone được bầu làm Thủ tướng vào ngày 15/8/1991 và Chủ tịch Đảng NDCM Lào vào ngày 24/11/1992.

Với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của mình, đồng chí Khamtay Siphandone ghi dấu ấn là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của cách mạng Lào, đã cùng kề vai sát cánh với Chủ tịch Kaysone Phomvihane và các nhà lãnh đạo khác lãnh đạo phong trào cách mạng tại Lào từng bước trưởng thành, phát triển và gặt hái những thắng lợi liên tiếp, giành được kết quả toàn thắng và đưa đất nước Lào từng bước tiến lên mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Khamtay Siphandone (8/2/1924-8/2/2024), đồng chí Khamphan Pheuyavong, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng NDCM Lào nhấn mạnh, Chủ tịch Khamtay Siphandone không chỉ là lớp lãnh đạo đầu tiên của cách mạng Lào, những người đã gây dựng, lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Lào cho đến khi giành được thắng lợi; mà còn là một trong những nhà lãnh đạo tài ba trong việc nghiên cứu đường lối, ban hành chính sách, đặc biệt là các đường lối đổi mới của Đảng NDCM Lào.

Với tư cách người đứng đầu Chính phủ, tiếp đó là lãnh đạo cao nhất của Đảng và là Chủ tịch nước Lào, đồng chí Khamtay Siphandone đã chỉ đạo việc nghiên cứu lý luận của Đảng, tầm nhìn, chiến lược, đường lối, chính sách phát triển đất nước trong dài hạn và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từng giai đoạn cho phù hợp với điều kiện cơ chế mới, cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng NDCM Lào, đồng chí Khamtay Siphandone chỉ đạo tổng kết 10 năm đổi mới và thông qua 5 bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới tại Lào, đồng thời ban hành Nghị quyết Trung ương Đảng về công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Không chỉ là nhà cách mạng mẫu mực và nhà lãnh đạo xuất sắc của nhân dân Lào, đồng chí Khamtay Siphandone còn là một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong, đồng chí Khamtay Siphandone cùng các nhà lãnh đạo hai nước đã đặt nền móng vững chắc, vun đắp mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.

Năm 1947, tại tỉnh Quảng Ngãi, với tư cách đại biểu Chính phủ Lào kháng chiến, đồng chí Khamtay Siphandone gặp đồng chí Phạm Văn Đồng, khi đó là Đại biểu thường trực Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền nam Việt Nam. Hai bên thống nhất về chính sách, hình thức và cách thức để phối hợp giúp đỡ lẫn nhau cùng chiến đấu chống lại thực dân Pháp vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của hai nước. Cuộc gặp giữa hai đồng chí ghi dấu mốc quan trọng trong tiến trình hình thành Liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào.

Chia sẻ với TTXVN về những đóng góp quan trọng của đồng chí Khamtay Siphandone cho mối quan hệ Việt Nam-Lào, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng NDCM Lào Khamphan Pheuyavong cho biết: Giai đoạn kháng chiến, cứu quốc, đồng chí Khamtay Siphandone cùng chia ngọt sẻ bùi, kề vai sát cánh với chuyên gia quân sự và bộ đội tình nguyện Việt Nam trong nhiều trận đánh ở nhiều chiến trường khác nhau, góp phần cho chiến thắng vẻ vang của hai dân tộc trong cuộc chiến chống kẻ thù chung. Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, đồng chí luôn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau.

Chủ tịch Khamtay Siphandone là một trong những lãnh đạo Lào luôn có quan hệ gần gũi, gắn bó với các nhà lãnh đạo Việt Nam ở mọi thời kỳ, luôn quan tâm vun đắp, thúc đẩy và góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước, giúp cho mối quan hệ này ngày càng đơm hoa kết trái và trường tồn.

Chủ tịch Khamtay Siphandone đã đi xa, nhưng cuộc đời cống hiến hết mình vì đất nước, nhân dân và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới của đồng chí sẽ luôn là nguồn cảm hứng bất tận, là động lực lớn lao để thế hệ trẻ Lào và Việt Nam tiếp tục góp sức xây dựng, phát triển đất nước cũng như trân trọng, gìn giữ và vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ngày 3/4/1975: Giải phóng Đà Lạt, kết thúc Chiến dịch Tây Nguyên

Ngày 3/4/1975: Giải phóng Đà Lạt, kết thúc Chiến dịch Tây Nguyên

3 giờ sáng 3/4/1975, lực lượng của ta đã tiến đến khu vực ngã ba Phi Nôm và chia làm hai mũi: Tiểu đoàn 840 tiến theo đường 21 về thị trấn D’Ran, nhưng địch ở đây đã bỏ chạy, đơn vị nhanh chóng tiếp quản chi khu, quận lỵ và thành lập Ủy ban Quân quản huyện Đơn Dương. Tiểu đoàn 186 theo đường 20 lên Đà Lạt.

Công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 3/4, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 13/3/2025, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2025.

Xử lý nghiêm các trường hợp “lợi dụng chính sách” để trục lợi

Xử lý nghiêm các trường hợp “lợi dụng chính sách” để trục lợi

Đó là phát biểu chỉ đạo nhấn mạnh của đồng chí Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh tại Hội nghị sơ kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp quý I; phương hướng, nhiệm vụ quý II, năm 2025 diễn ra sáng 3/4.

Điện chia buồn nguyên Chủ tịch Đảng, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtai Siphandone từ trần

Điện chia buồn nguyên Chủ tịch Đảng, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtai Siphandone từ trần

Được tin đồng chí Đại tướng Khamtai Siphandone, nguyên Chủ tịch Đảng, nguyên Chủ tịch nước Lào từ trần ngày 2/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Điện chia buồn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Armenia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Armenia

Theo đặc phái viên TTXVN, vào 21h ngày 1/4 giờ địa phương (0h ngày 2/4 giờ Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến thủ đô Yerevan, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Armenia theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan.

Làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Bỉ

Làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Bỉ

Chiều 1/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Nhà vua Bỉ Philippe đang có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu, cùng đoàn đại biểu cấp cao của Bỉ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973.

fb yt zl tw