Bản Sín Chải cách trung tâm xã Tả Giàng Phình (xã cũ) không xa, có tuyến đường kết nối xã Ngũ Chỉ Sơn với xã Bản Xèo (huyện Bát Xát). Trước đây, khi đường đi lại còn khó khăn, Sín Chải ít người biết tới vì quá xa xôi, heo hút. Tuy nhiên, giờ đây, vùng đất này lại trở thành “điểm sáng” trong phát triển kinh tế.
Đến Sín Chải hôm nay, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi dọc hai bên tuyến đường đi qua thôn là những vườn hoa cúc nở vàng rực rỡ, những vườn hoa ly khoe sắc, tỏa hương thơm ngát. Mặc dù cái nắng lửa của những ngày Hè đổ xuống thung lũng Ngũ Chỉ Sơn nhưng do nơi đây nằm ở độ cao trên 1.600 m so với mực nước biển, xung quanh là núi rừng bao bọc nên bầu không khí vẫn mát mẻ, dễ chịu.
Trong khu vườn bạt ngàn hoa cúc đang khoe sắc vàng, ông Nguyễn Văn Kết cùng những cô, những chị người Mông, người Dao đang bận rộn chăm sóc hoa, chuẩn bị xuất chuyến hoa mới về thành phố Lào Cai và Hà Nội. Lau những giọt mồ hôi trên gương mặt sạm đen vì nắng gió, ông Kết kể: Năm 2019, tôi cùng con trai là Nguyễn Văn Tình lên Sín Chải thuê đất của người dân địa phương trồng hoa cúc. Mỗi năm, gia đình tôi trồng 2 vụ hoa cúc, mỗi vụ khoảng 8 vạn gốc hoa. Nếu nhân với giá hoa cúc hiện nay là 2.500 đồng/bông thì trừ chi phí, mỗi sào hoa thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Mỗi năm, tùy theo giá cao, thấp nhưng từ trồng hoa cúc, gia đình thu nhập trung bình khoảng 500 - 600 triệu đồng.
Ở thôn Cửa Cải, cách vườn hoa của gia đình ông Kết không xa, cũng trên những thửa ruộng bậc thang, một thanh niên dáng cao, nước da ngăm đen đang khẩn trương kéo đường ống nước lên khu vườn trồng hoa ly. Đó là anh Nguyễn Văn Huấn, chủ một trong vườn hoa ly lớn nhất vùng. Tay bấm bảng điều khiển từ xa để bật công tắc nước, anh Huấn cầm vòi phun dòng nước mát lạnh tưới cho những luống hoa ly đang trổ nụ đều tăm tắp. Giữa đợt nắng hạn cao điểm, vườn hoa ly đang “khát nước” như bừng tỉnh và xanh tươi hơn. Trong khu vườn, có những cây ly phát triển sớm, cao hơn vai người đã bung ra những bông hoa vàng, tỏa hương thơm nức làm dịu đi cái nắng gay gắt.
Anh Nguyễn Văn Huấn tâm sự: Đây là hoa ly gia đình nhập củ giống từ Hà Lan về trồng. Loại ly này không chỉ cho bông to, hoa đẹp, chơi bền mà còn thơm nhất trong các dòng hoa ly nên được khách hàng ưa chuộng. Ngoài 2 ha hoa ly với 32 vạn cây này, tôi còn trồng chung với một chủ vườn khác 3,5 ha hoa nữa. Hôm nay, bà con bận đi cấy lúa, còn bình thường tôi vẫn thuê 2 - 3 lao động địa phương trồng và chăm sóc hoa trong vườn. Hoa ly trồng tầm 65 ngày cho thì thu hoạch, giá trung bình tại vườn 15 nghìn đồng/cành hoa. Nhờ các khu ruộng đều gần đường giao thông nên việc thu hoạch hoa và vận chuyển về các chợ đầu mối dưới xuôi rất thuận lợi.
Xã Ngũ Chỉ Sơn được thành lập từ tháng 1/2020 trên cơ sở sáp nhập xã Bản Khoang và xã Tả Giàng Phình, với 1.340 hộ, chủ yếu là đồng bào Dao, Mông. Dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn, bao năm qua bà con chỉ biết trồng cây ngô, cây lúa, lao động vất vả quanh năm nhưng không thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Giờ đây, đời sống người dân ở các thôn, bản như Sín Chải, Cửa Cải, Suối Thầu 1, Suối Thầu 2, Lao Chải, Bản Pho đã đổi thay rõ nét. Để tạo nên sự đổi thay đó không thể thiếu vai trò của những người ở vùng xuôi lên đây lập nghiệp, thử nghiệm những mô hình kinh tế mới. Trở lại câu chuyện với ông Nguyễn Văn Kết, người vốn sinh ra và lớn lên ở vùng đất Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, gia đình có truyền thống trồng hoa. Có lần lên Sa Pa chơi, thấy vùng đất này khí hậu mát mẻ nên gia đình ông quyết định đầu tư mô hình trồng hoa.
Theo nhận định của ông Kết, khí hậu dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn mát mẻ hơn nhiều khu vực khác, nhưng có những thời điểm tương đối khắc nghiệt, ảnh hưởng tới sản xuất. Còn vào mùa đông ở Tả Giàng Phình lại chìm trong sương mù, giá lạnh thấu xương, cây cỏ đều héo úa, không thể trồng được hoa cúc. Vì thế, từ tháng 10 trở đi, gia đình ông Kết rời Sín Chải về huyện Mê Linh trồng hoa dưới đó, đến mùa xuân ấm áp mới quay lại nơi này.
Cùng tâm sự với ông Kết, anh Nguyễn Văn Huấn bày tỏ: Các cụ bảo “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Việc trồng và chăm sóc hoa, nhất là hoa ly luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận như chăm con mọn. Hằng ngày, tôi dành hết thời gian chăm sóc, theo dõi sự phát triển của hoa ly để kịp thời phát hiện sâu bệnh cũng như ảnh hưởng của thời tiết đến vườn hoa. Chỉ cần phát hiện muộn, không xử lý kịp thời thì cả vườn hoa sẽ hỏng hết, “đổ đi” cả trăm triệu đồng. Khó khăn hơn nữa là ban đầu từ tỉnh Vĩnh Phúc lên bản Mông xa xôi này, tôi chưa quen biết ai, lại không biết tiếng đồng bào nên giao tiếp hạn chế, hằng ngày chỉ lấy công việc để quên đi nỗi buồn. Sau 3 năm gắn bó với Cửa Cải, Sín Chải, tôi hiểu hơn về cuộc sống, phong tục, tập quán của bà con, ngày càng thêm yêu các bản làng dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn.
Đem câu chuyện về những người nông dân miền xuôi lên vùng đất Tả Giàng Phình lập nghiệp bằng nghề trồng hoa với anh Đinh Huy Cường, Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Chỉ Sơn, anh Cường tươi cười: Chẳng cần nói đâu xa, chỉ cách đây khoảng 3 năm, vùng đất dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn này vẫn còn hoang sơ, bộn bề gian khó. Từ khi có một số người dân vùng xuôi mạnh dạn lên đây lập nghiệp, thuê đất của bà con trồng thử nghiệm thành công một số giống hoa, rau mới đã làm cho vùng đất này dần thay đổi. Điều quan trọng là qua đó hàng chục lao động địa phương có việc làm tại các vườn hoa với thu nhập mỗi tháng 4 - 5 triệu đồng, bà con cũng dần thay đổi tư duy sản xuất, học hỏi được kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc rau, hoa để phát triển sau này.
Năm 2023, xã Ngũ Chỉ Sơn phấn đấu trồng mới 45 ha hoa cắt cành, với sản lượng 7,2 triệu bông và 6.000 chậu địa lan. Hiện nay, cấp ủy đảng, chính quyền xã tạo điều kiện cho hơn 20 cơ sở trong và ngoài tỉnh lên đây trồng rau, trồng hoa. Vùng đất Tả Giàng Phình hôm nay không còn là “thung lũng hoang vắng” nữa mà đang dần chuyển mình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, vùng du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, giúp bà con nơi đây thoát khỏi đói nghèo.