Phòng giao dịch Agribank tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Nỗ lực giảm lãi, cung ứng vốn cho nền kinh tế
Ngay từ đầu năm 2024, Agribank tiếp tục điều chỉnh chính sách lãi suất đối với cho vay trung hạn, dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống với mức lãi suất cố định chỉ từ 7,0%/năm, thời gian áp dụng được nới rộng từ 12 tháng lên 24 tháng. Đồng thời, điều chỉnh giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Với mức lãi suất cho vay hiện nay, Agribank tiếp tục thông điệp mạnh mẽ chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Trước đó, năm 2023, trên cơ sở tiết giảm chi phí huy động đầu vào, Agribank đã thực hiện 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, theo đó lãi suất cho vay đã giảm mạnh từ 1,3% đến 4%/năm so với đầu năm.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Agribank chi nhánh Điện Biên cho biết: Hiện hoạt động cho vay của Agribank chi nhánh Điện Biên chủ yếu là phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chiếm 65%/tổng dư nợ.
“Cho vay trong nông nghiệp, nông thôn thường khá rủi ro, đặc biệt giai đoạn COVID-19, tuy nhiên, Agribank luôn đồng hành cùng bà con nông dân với hàng loạt chính sách tín dụng ưu đãi như miễn, giảm lãi suất; cơ cấu thời hạn trả nợ, đặc biệt miễn phí khá nhiều dịch ngân hàng”, ông Nguyễn Trung Kiên cho biết.
Hiện sản phẩm nông nghiệp, mô hình trang trại của tỉnh Điện Biên phát triển khá tốt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các cấp chính quyền địa phương rất tạo điều kiện cho Agribank trong quá trình phát triển tín dụng như hình thành các Tổ đội nhóm cho vay tại địa phương, giảm tải phần nào áp lực cho cán bộ tín dụng. Tuần này, Agribank Điện Biên sẽ tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng năm 2024, đặc biệt đầu mùa xuân này, nhiều bà con nông dân thường có kế hoạch đầu tư, vay vốn khá lớn.
Theo Giám đốc Agribank chi nhánh Điện Biên, mức lãi suất cho vay tại ngân hàng thấp nhất từ 4,5 - 5%, giảm 2 - 3%, thậm chí 4% so với thời điểm năm 2022 và đầu năm 2023. Chủ trương của ngân hàng là không hạ chuẩn vay, nhưng ngân hàng sẽ dựa vào vào phương án hiệu quả kinh doanh để tạo điều kiện cho người dân vay vốn, đảm bảo trả nợ đúng hạn, tận dụng tốt nhất nguồn vốn của mình.
Cùng với giảm lãi suất cho vay, Agribank đã triển khai 3 chương trình giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu của gần 2 triệu khách hàng với số tiền giảm lãi ước tính lên tới hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2023 và sẽ tiếp nối thực hiện trong năm 2024.
Theo Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, năm 2023, ngân hàng đã tiến hành 46 đợt giảm lãi suất với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và lĩnh vực ưu tiên; 8 lần giảm lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp. Tính chung năm qua, Vietcombank giảm lãi gần 5.900 tỷ đồng cho gần 290.000 khách hàng với quy mô dư nợ vay hơn 1,1 triệu tỷ đồng.
Năm 2023, BIDV nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) trên 6.200 tỷ đồng, thuộc nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; đảm bảo quyền lợi cổ đông và thu nhập cho người lao động. Tính chung ngân hàng BIDV đã miễn giảm lãi suất, phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân với số tiền lên tới 5.900 tỷ đồng.
Tương tự như Agribank, Vietcombank và BIDV, năm 2023, VietinBank đã triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ lãi suất với dư nợ tín dụng được hỗ trợ lãi suất lên tới 12 nghìn tỷ đồng, số tiền hỗ trợ gần 250 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; tập trung đẩy mạnh cho vay lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ với dư nợ chiếm khoảng 40% tổng dư nợ của ngân hàng.
Theo lãnh đạo MB, năm 2023, tăng trưởng tín dụng 28,8% trong đó dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm 65%. MB đã điều chỉnh giảm lãi suất 7 lần trong năm 2023 với mức giảm từ 2 - 4% để hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay, đồng hành tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
MB kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,7%, trích lập dự phòng đầy đủ. Các chỉ số an toàn tuân thủ đảm bảo theo quy định.
Năm 2023, MB đóng góp NSNN trên 7,7 nghìn tỷ đồng. MB tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội – xóa đói giảm nghèo theo chủ trương, chỉ đạo, định hướng của Chính phủ với hơn 100 chương trình đã triển khai, quy mô gần 200 tỷ đồng.
Không đặt vấn đề tăng lãi suất điều hành; sẽ kéo dài chính sách giãn, hoãn nợ
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, mặt bằng lãi suất hiện đã về mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Năm 2024, NNNN sẽ không đặt vấn đề tăng lãi suất điều hành.
Đến cuối năm 2023, lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ở mức 0,2 - 0,5%/năm. Lãi suất huy động mới bình quân của toàn hệ thống là 3,5%/năm. Lãi suất bình quân cho vay mới là 6,7%/năm. "Đến cuối tháng 12/2023, tín dụng tăng 13,5% so với năm 2022; thấp hơn con số đặt ra là 14 - 15 % nhưng mức thấp hơn không nhiều", ông Đào Minh Tú thông tin.
Bên cạnh ưu tiên chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục gia hạn tiếp gói tín dụng nông, lâm thủy sản 15.000 tỷ đồng. Hiện, gói này đã giải ngân được hơn 13.000 tỷ đồng.
Nhận định kinh tế năm 2024 còn khó khăn, NHNN dự kiến kéo dài chính sách giãn, hoãn nợ cho người dân và doanh nghiệp theo Thông tư 02 trong năm 2024. "Nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn nợ…rất có ý nghĩa cho cả NHTM lẫn doanh nghiệp, khách hàng vay vốn. Nếu đến ngày 30/6/2024, nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn cần chính sách giãn hoãn nợ, chúng tôi sẽ kéo dài thời hạn thực hiện Thông tư 02", ông Đào Minh Tú cho biết.
“Chúng tôi dự kiến năm 2024, tăng trưởng tín dụng ở mức 15%. Như vậy, nếu tính trên cơ sở lượng tiền, dư nợ hiện nay là khoảng 13,56 triệu tỷ đồng thì có nghĩa là gần 2 triệu tỷ đồng sẽ được tăng thêm vào năm 2024 này”, Phó Thống đốc nói và lưu ý thêm, mức dự kiến tăng 15% là trong điều kiện tính toán hiện nay.
Nếu như đến giữa năm, cuối năm, điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm được dòng vốn đúng vào những đối tượng cần thiết cũng như an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, có thể sẽ giao thêm cho các NHTM để tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, năm 2024 có nhiều dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế trên cơ sở kết quả của năm nay, đồng thời mong rằng sẽ không có nhiều tác động khó khăn của quốc tế với Việt Nam như năm 2023, thì chắc chắn nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ tăng lên, theo đó phải có nguồn lực đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, phát triển đó.
Cùng với đó, cơ chế điều hành cũng như việc triển khai thực hiện cho vay của các ngân hàng thương mại, năm nay NHNN đã có sự chủ động, có những cơ chế mới cho việc điều hành tín dụng, đã giao ngay từ trước ngày 1/1 vừa qua về hạn mức tín dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD) hết 15%, để các ngân hàng phấn đấu làm sao đạt được chỉ tiêu đó.
“Nếu như ngân hàng, TCTD nào đạt được chỉ tiêu đó mà vẫn có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm chất lượng cũng như an toàn hệ thống, bảo đảm điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép, chúng tôi sẽ tiếp tục giao thêm. Qua đó muốn nói rằng, cả về cơ chế, định hướng của Chính phủ, những điều kiện về lãi suất, nhu cầu vay, điều kiện vay của doanh nghiệp cũng như cơ chế vận hành chung của các tổ chức tín dụng, mong rằng năm 2024 sẽ khởi sắc hơn nhiều so với năm 2023”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.