
Theo tờ New York Times, các quan chức kinh tế cấp cao của Mỹ và Trung Quốc này hôm nay, 10/5, gặp nhau tại Geneva trong khuôn khổ các cuộc đàm phán mang tính sống còn, có thể định đoạt số phận của nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo bởi cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khơi mào.
Cuộc đàm phán lần này dự kiến kéo dài đến ngày 11/5, và là lần gặp đầu tiên kể từ khi ông Trump nâng thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc lên 145%, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125% đối với hàng Mỹ. Đòn ăn miếng trả miếng này đã gần như làm tê liệt hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy mức độ quan trọng của cuộc đàm phán là rất cao, nhưng kỳ vọng về một đột phá dẫn đến việc giảm đáng kể thuế quan lại rất thấp. Phải mất nhiều tuần, hai bên mới đồng ý ngồi lại với nhau, và giới phân tích dự đoán nội dung đàm phán cuối tuần này chủ yếu xoay quanh việc xác định lập trường và cách thức tiếp tục thương lượng.
Dẫu vậy, việc Washington và Bắc Kinh chịu đối thoại đã thắp lên hy vọng rằng căng thẳng song phương có thể được hạ nhiệt và thuế quan có thể được điều chỉnh xuống. Tác động của các mức thuế hiện tại đã lan rộng khắp nền kinh tế toàn cầu, buộc các chuỗi cung ứng phải tái cơ cấu và khiến doanh nghiệp đẩy chi phí gia tăng sang người tiêu dùng.
Giới kinh tế và nhà đầu tư chắc chắn đang theo dõi sát sao các cuộc đàm phán, trong những lo ngại rằng một cuộc chiến kinh tế toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại và giá cả leo thang. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những bên phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng đang cảnh giác cao độ trong lúc tìm cách đối phó với các loại thuế mới và sự bất ổn đi kèm.
“Cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích kinh tế - tài chính to lớn trong việc giảm leo thang xung đột thương mại, nhưng một cuộc đình chiến lâu dài thì vẫn rất xa vời”, ông Eswar Prasad, cựu giám đốc bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định.
“Tuy nhiên”, ông Prasad nói thêm, “việc hai bên khởi động các cuộc đàm phán cấp cao đã là một bước tiến đáng kể, mở ra hy vọng rằng họ sẽ kiềm chế các phát ngôn và lùi bước trước các động thái đối đầu gay gắt hơn trong quan hệ kinh tế.”
Đội ngũ đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump do Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent dẫn đầu. Ông Bessent từng tuyên bố rằng mức thuế hiện nay là không thể duy trì lâu dài. Đồng hành với ông là Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer - kiến trúc sư của chiến lược thương mại thời kỳ đầu của ông Trump, trong đó có thỏa thuận “Giai đoạn Một” với Trung Quốc. Cố vấn thương mại “diều hâu” Peter Navarro không có tên trong danh sách đoàn.
Trong khi đó, dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hà Lập Phong. Chính phủ Trung Quốc chưa xác nhận ai sẽ đi cùng ông Hà, hoặc liệu Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng - người phụ trách ủy ban kiểm soát ma túy - có tham dự hay không. Nếu ông Vương xuất hiện, đó sẽ là tín hiệu cho thấy hai bên có thể bàn tới lo ngại của ông Trump về vấn đề fentanyl.
Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu gây thiệt hại cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hôm 9/5, Trung Quốc báo cáo xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 4 giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ cho biết họ buộc phải tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí thuế, đi ngược lại cam kết của ông Trump về việc “kết thúc” lạm phát.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ phát tín hiệu rằng ông sẵn sàng hạ thuế, gợi ý mức 80% là “phù hợp”. Sau đó, ông nói thêm rằng mình sẽ không thất vọng nếu không đạt được thỏa thuận ngay lập tức, vì “không làm ăn gì cũng có thể là một thỏa thuận tốt cho nước Mỹ”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc đề xuất mức thuế 80% là điều ông từng nói, và “xem thử chuyện đó sẽ diễn tiến thế nào”.
Chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc trợ cấp không công bằng cho các ngành công nghiệp chiến lược và bán phá giá hàng hóa ra thế giới. Mỹ cũng đang gây sức ép buộc Trung Quốc mạnh tay hơn trong việc kiểm soát xuất khẩu tiền chất fentanyl.
Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận đàm phán dưới áp lực thuế quan. Giới chức nước này nói rằng họ chỉ đồng ý đàm phán theo yêu cầu từ phía Mỹ.
“Cuộc chiến thuế quan này là do phía Mỹ phát động”, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Lưu Bằng Vũ, tuyên bố tuần này. “Nếu Mỹ thực sự muốn tìm giải pháp thông qua thương lượng, thì cần dừng ngay các lời đe dọa và gây sức ép, đồng thời đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”.
Dù mức 80% thấp hơn đáng kể so với hiện tại (145%), nó vẫn có thể khiến thương mại song phương gần như đóng băng.
Một số chuyên gia cho rằng hai nước có thể thực hiện một số bước đi cụ thể nhằm tạo nền tảng cho đàm phán tiếp theo.
Ông Ngô Tân Ba, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phục Đán (Thượng Hải), đề xuất đưa thuế về mức khoảng 20% - tức về lại tình trạng đầu tháng 4, trước khi ông Trump áp mức 34% lên hàng Trung Quốc và bị trả đũa.
“Nếu ta có thể lùi về giai đoạn đó, thì đó sẽ là tiến triển lớn hướng tới đàm phán mang tính xây dựng”, ông Ngô nói.
Ông cho biết Trung Quốc sẵn sàng bàn riêng về vấn đề fentanyl, đồng thời tiết lộ Bắc Kinh từng đề xuất đối thoại với chính quyền Trump từ tháng 2 – ngay sau khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế vì cáo buộc về dòng fentanyl bất hợp pháp tràn vào Mỹ.
Cuộc đàm phán Mỹ - Trung ngày 10 và 11/5 diễn ra gần trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Thụy Sĩ, tổ chức đã nhiều lần chỉ trích cuộc chiến thuế quan của ông Trump. WTO cảnh báo, việc chia cắt kinh tế toàn cầu thành các “khối đối đầu” có thể khiến GDP toàn cầu giảm gần 7% về dài hạn - đặc biệt gây thiệt hại cho các quốc gia nghèo. Người phát ngôn của tổ chức này cho biết họ hoan nghênh các cuộc đàm phán như một bước đi nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Viễn cảnh Mỹ và Trung Quốc ngừng giao thương hoàn toàn có thể gây đau đớn và bất ổn kinh tế sâu rộng. Người tiêu dùng Mỹ, vốn quen với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, có thể sớm đối mặt với các kệ hàng trống trơn và giá cả đắt đỏ.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ hôm 9/5 cho biết lưu lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trong năm nay có thể lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2023, khi các chuỗi cung ứng gặp khủng hoảng. Họ cho rằng nguyên nhân là các mức thuế của chính quyền.
“Chúng ta đang bắt đầu chứng kiến tác động thực sự của thuế quan do ông Trump áp đặt đối với chuỗi cung ứng”, Jonathan Gold - Phó Chủ tịch phụ trách chính sách chuỗi cung ứng của liên đoàn - nhận định. “Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ gánh chịu hậu quả dưới hình thức giá cao hơn và nguồn cung ít hơn.”
Chính quyền Tổng thống Trump hiện đang chạy đua để ký thỏa thuận thương mại với 17 đối tác lớn khác, sau khi nhà lãnh đạo Mỹ tạm hoãn triển khai loạt thuế đối ứng mà ông công bố hồi tháng 4. Ông ca ngợi một thỏa thuận vừa đạt được với Anh như minh chứng rằng chiến lược thuế quan của ông đang phát huy tác dụng.
Giới kinh tế cho rằng các tín hiệu gần đây từ Nhà Trắng cho thấy họ sẵn sàng giảm thuế là điều tích cực.
“Việc vội vã công bố các ‘thỏa thuận’ cho thấy chính quyền đang ngày càng lo ngại về tác động của thuế quan lên tăng trưởng và lạm phát”, Paul Ashworth - nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ của Capital Economics - viết trong thư gửi khách hàng. “Việc số lượng tàu hàng từ Trung Quốc lao dốc đã khiến người ta lo ngại tình trạng thiếu hụt hàng hóa cận kề tại Mỹ, gia tăng áp lực buộc chính quyền phải hạ nhiệt cuộc chiến thuế”.
Capital Economics ước tính rằng nếu Mỹ giảm thuế với hàng Trung Quốc xuống 54%, thì thuế suất hiệu dụng bình quân với toàn bộ hàng nhập khẩu sẽ từ 23% giảm còn 15%. Điều này sẽ đưa các dự báo tăng trưởng và lạm phát quay về đúng mức mà họ tính toán đầu năm, dựa trên cam kết tranh cử của ông Trump.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu ông Trump có chấp nhận mức thuế 54% hay không. Hôm 9/5, ông ngụ ý rằng sẵn sàng hạ xuống 80% và trao toàn quyền đàm phán cho Bộ trưởng Tài chính Bessent.
Sau đó trong ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết con số 80% không phải là đề xuất chính thức, mà chỉ là “một con số Tổng thống nêu ra”. Bà Leavitt nói thêm rằng ông Trump sẽ không giảm thuế trừ khi Bắc Kinh cũng có động thái tương ứng.