Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự Khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, tháng 2/2023.
Đóng góp mới, thiết thực
Năm 2023, Việt Nam đã rất chủ động, tích cực phát huy vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023-2025. Trong đó, sáu sáng kiến nổi bật của chúng ta tại cả ba Khóa họp thường kỳ của HĐNQ đều có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với các ưu tiên trọng tâm của nước ta trong tham gia HĐNQ, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam là thành viên trách nhiệm, tích cực của cộng đồng quốc tế.
Điểm nhấn quan trọng trong năm 2023 của HĐNQ phải kể đến sáng kiến Nghị quyết, do Việt Nam đề xuất và chủ trì soạn thảo, về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna được HĐNQ thông qua bằng đồng thuận, với 121 nước đồng bảo trợ.
Ngay tại Phiên cấp cao Khóa họp 52 HĐNQ ngày 27/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra sáng kiến về việc kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna bằng một văn kiện của HĐNQ. Tích cực triển khai sáng kiến này trong tham gia Khóa họp, Đoàn Việt Nam đã chủ trì soạn thảo Nghị quyết, tổ chức nhiều cuộc tham vấn, tiếp thu ý kiến của các bên, tạo đồng thuận chung... Việc thông qua Nghị quyết này là dấu ấn quan trọng, tạo cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm của HĐNQ xuyên suốt trong năm 2023 ở các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, với điểm nhấn cuối năm là sự kiện cấp cao kỷ niệm hai văn kiện nền tảng về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền nêu trên từ ngày 10-12/12, với nhiều cam kết của các nước và các bên liên quan về tăng cường thực hiện hai văn kiện này.
Bên cạnh đó, tại Khóa họp 54 HĐNQ, khóa họp cuối cùng của năm 2023, Việt Nam triển khai hai sáng kiến thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, bao gồm Phát biểu chung và Tọa đàm quốc tế về “Thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng”. Tọa đàm do hai Phái đoàn Việt Nam và Brazil đồng tổ chức cùng với Gavi - Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng, có sự tham dự và phát biểu của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Đây là đóng góp mới, có ý nghĩa rất thiết thực và quan trọng, làm nổi bật sự tham gia tích cực của Việt Nam đối với công tác của HĐNQ năm qua.
Ngoài ra, chúng ta cùng với một số nước đã đưa ra ba sáng kiến nổi bật khác, gồm Nghị quyết hằng năm và Phiên thảo luận chuyên đề về biến đổi khí hậu và quyền con người, với điểm mới năm nay tập trung vào chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sinh kế và ảnh hưởng của những tác động này đối với quyền con người”; Tọa đàm quốc tế về thực hiện quyền phát triển nhằm hiện thực hóa các quyền con người và Chương trình nghị sự 2030.
“Chóng mặt” giữa bộn bề nhưng đầy khí thế
Việt Nam luôn tham gia một cách chủ động, tích cực vào các công tác của HĐNQ từ trước đến nay, kể cả khi chưa phải là thành viên HĐNQ.
Năm 2023 là năm đầu tiên chúng ta đảm nhiệm cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, cũng là nhiệm kỳ thứ hai của ta tại HĐNQ (sau nhiệm kỳ thứ nhất 2014-2016). Cùng với đó là vinh dự và trọng trách của tuyến đầu triển khai đối ngoại đa phương theo Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 tại Geneva, trung tâm lớn của thế giới về ngoại giao đa phương và quản trị toàn cầu, cùng lúc Phái đoàn phải bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia hàng loạt các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương khác.
Với bối cảnh và nhiệm vụ như vậy, quả là guồng quay “chóng mặt” đối với Phái đoàn cùng với các đại diện các đơn vị chức năng liên quan trong nước.
Công việc của HĐNQ trải dài trong cả năm, chỉ tính riêng mỗi Khóa họp thường kỳ kéo dài năm tuần phải làm việc tập trung cao độ, với nhiều phiên họp, tham vấn kéo dài cả trưa và sau 6h tối để giải quyết khối lượng công việc đồ sộ gồm nghiên cứu nội dung, tham gia tham vấn, thảo luận khoảng hơn 80 báo cáo chuyên đề, gần 40 nghị quyết và nhiều quyết định, cùng với triển khai các sáng kiến do chúng ta chủ trì và tham dự các hoạt động khác của HĐNQ...
Cùng với đảm nhiệm cương vị thành viên HĐNQ, vai trò, tiếng nói của Việt Nam cũng được coi trọng hơn. Một mặt, ta chú trọng thúc đẩy, bảo vệ các lợi ích của Việt Nam; mặt khác tham gia đóng góp vào các công việc chung của HĐNQ một cách tích cực, có trách nhiệm, vì lợi ích chung của các nước trong thúc đẩy và bảo đảm quyền con người.
Đối với tôi, đảm đương vai trò Đại sứ, Trưởng Phái đoàn ta tại Geneva, cùng với việc bảo đảm sự tham gia tích cực của Việt Nam tại hàng loạt tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương quan trọng khác trên nhiều lĩnh vực khác nhau, điều thực sự vinh dự và tự hào mà tôi tâm đắc và không thể quên đó là những nỗ lực và kết quả dấu ấn của Việt Nam, đóng góp tích cực với tinh thần xây dựng, tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, khắc phục các điểm khác biệt giữa các nhóm nước, tạo đồng thuận tối đa trong triển khai công tác năm qua tại HĐNQ, không chỉ trong công tác chung của HĐNQ mà còn triển khai sáu sáng kiến do Việt Nam đưa ra trên cương vị thành viên HĐNQ.
Điều này có ý nghĩa quan trọng hơn vì năm 2023 cũng đầy ắp các hoạt động đối ngoại của ta tại Geneva, là địa bàn đối ngoại đa phương quan trọng của thế giới và của chúng ta, gắn với tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Tôi luôn tâm niệm rằng, những nỗ lực, sáng kiến chỉ có thể thực hiện hiệu quả trên cơ sở quán triệt thực hiện chủ trương đúng đắn và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, và phối hợp nhịp nhàng, kịp thời giữa Phái đoàn chúng tôi tại Geneva và các cơ quan trong nước.
Tôn trọng, hiểu biết; Đối thoại, hợp tác
Tại Geneva, HĐNQ là cơ quan chính của LHQ đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi, thúc đẩy, bảo vệ quyền con người tại các nước trên thế giới.
Tình hình thế giới hậu đại dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều biến động, cạnh tranh nước lớn phức tạp, vấn đề thúc đẩy và bảo đảm quyền con người tiếp tục thu hút sự quan tâm, ưu tiên của các nước, tổ chức quốc tế, trong khi các nước, các nhóm nước còn nhiều khác biệt về quan điểm, cách tiếp cận, chính trị hóa vấn đề nhân quyền, khó tạo đồng thuận, công tác của HĐNQ gia tăng cả về khối lượng, thời gian họp cũng như các vấn đề thảo luận.
Bối cảnh đó đặt ra nhiều khó khăn, thách thức lớn cho công tác đối ngoại nói chung và trong tham gia HĐNQ nói riêng. Nhiều vấn đề liên quan đến bối cảnh chính trị, kinh tế, hòa bình và an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay được phản ánh một cách nhanh chóng và đa dạng trong chương trình nghị sự của HĐNQ. Điều này càng làm gia tăng thêm sức ép, cũng như trọng trách của 47 nước thành viên HĐNQ, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đề cao đối thoại và hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe và tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cùng các nước, các tổ chức quốc tế, các đối tác kiên trì tham vấn, thảo luận, thúc đẩy hợp tác, ghi nhận những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức của các nước để cùng tìm ra những giải pháp chung cho các vấn đề đặt ra. Thực tiễn cho thấy khi các nước thiếu sự trao đổi, hợp tác, lắng nghe và hiểu biết lẫn nhau thì sẽ gây căng thẳng, mâu thuẫn, các vấn đề sẽ khó giải quyết, hoạt động sẽ khó có hiệu quả.
Bên cạnh đó, khi thúc đẩy để nhiều nước đồng lòng theo đuổi hợp tác thì có thể tiến tới đồng thuận trong công tác của HĐNQ, góp phần tích cực giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân quyền phát sinh thuộc quan tâm, ưu tiên chung của cộng đồng quốc tế, như vấn đề biến đổi khí hậu và quyền con người, vấn đề môi trường, các quyền y tế, sức khỏe, việc làm... kể cả những vấn đề nhân quyền tại một số nước cụ thể khi có sự đồng thuận của nước liên quan. Đây là kinh nghiệm và cũng chính là tôn chỉ, phương châm của Việt Nam khi đảm nhiệm cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, đó là cùng các nước thúc đẩy “Tôn trọng, hiểu biết. Đối thoại, hợp tác. Đảm bảo tất cả các quyền, cho tất cả mọi người”.