Bước vào trận đánh
Trong căn nhà nhỏ ở thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên), người lính già đang xem lại tư liệu về những trận đánh năm xưa, đó là việc ông Nguyễn Văn Long vẫn thường làm mấy mươi năm qua. Trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng ông lại dùng tay vẽ ra khoảng không trước mặt những con đường ngoằn ngoèo và đánh dấu vào nơi ông đã từng chiến đấu.
Ông Long mở đầu bằng câu chuyện về người đồng đội trước giờ hy sinh đã xem chỉ tay cho ông:
- Cậu phải chịu đau nhiều đấy, nhưng rồi sẽ được trở về.
- Còn cậu thì sao? Ông Long hỏi lại. Người đồng đội kia lắc đầu không nói.
Đúng như lời tiên đoán ấy, ông Long trở về mang trên mình đầy những vết thương và mảnh đạn còn găm trong người. “Dẫu sao mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng đội vĩnh viễn nằm lại chiến trường” - ông nói.

Các thành viên Hội đồng ngũ Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 nhập ngũ năm 1972
trong ngày gặp mặt (ông Nguyễn Văn Long là người thứ 2 từ trái sang).
Ông Long xoa nhẹ lên vết sẹo dài trên cánh tay, ấy là dấu tích còn lại của trận đánh hào Trung Nghĩa (Kon Tum), giữa năm 1974 - trận đánh đầu tiên ông tham gia khi nhập vào đơn vị chiến đấu (Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10). “Tôi bị trúng đạn nằm dưới hào, nhưng đồng đội không thể chuyển ra tuyến sau, vì suốt trận đánh, địch liên tục thả pháo sáng, đạn bắn không ngớt. 3 ngày sau địch rút, tôi mới được chuyển về khu điều trị, vết thương đã sắp hoại tử.” - ông Long kể.
Cuối năm 1974, đơn vị của ông được lệnh hành quân về hướng Buôn Ma Thuột. Tết năm ấy, đoàn xe đang hành quân ở khu vực biên giới Việt - Lào, đêm Giao thừa, cả đoàn chỉ kịp dừng lại nghỉ ngơi ít phút để kịp nhận ra thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới rồi lại tiếp tục lên đường. “Mỗi người lính chúng tôi đều linh cảm mình sắp bước vào trận đánh lớn”. Sau này khi xem lại những thước phim tư liệu về chiến thắng Buôn Ma Thuột - chiến thắng làm rung chuyển cả bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa, thay đổi cục diện trên chiến trường, ông Long mới hiểu hết ý nghĩa của cuộc hành quân bí mật, thần tốc mà mình tham gia. “Sau lễ xuất quân ở rừng cao su, cách Buôn Ma Thuột 30 km, đơn vị chúng tôi được lệnh đánh vào khu vực Buôn Hồ. Với lực lượng áp đảo và đánh bất ngờ, chúng tôi nhanh chóng làm chủ khu vực này. Sau đó, đơn vị tiến về thị xã Buôn Ma Thuột và được chứng kiến những lá cờ giải phóng tung bay khắp nơi”.
Từ ngày trở lại chiến đấu sau khi được điều trị vết thương trong trận đánh hào Trung Nghĩa, ông Long đã tham gia hơn 20 trận đánh lớn, nhỏ ở chiến trường Tây Nguyên. Bốn lần bị thương được chuyển về tuyến sau điều trị và cứ sau mỗi lần như thế, ông lại tìm cách trở lại đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu. Có những lần, vết thương còn băng bó, ông vẫn xung phong được ra trận, vì như ông nói “không muốn bỏ lỡ những thời khắc lịch sử của dân tộc”.
Vượt đèo Phượng Hoàng
Những ngày cuối tháng 3/1975, chiến trường Tây Nguyên trở nên sôi động. Quân ta từ trên cao nguyên vừa được giải phóng ào ạt tràn xuống phối hợp với các lực lượng tại chỗ giải phóng các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung.
Để giữ thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh - hai vị trí chiến lược quan trọng, Tổng thống Ngụy Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh phải cố giữ bằng được đèo Phượng Hoàng trên Đường 21. Đèo Phượng Hoàng là một đỉnh của dãy Trường Sơn, ngăn cách giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Đèo dài 15 km, chạy quanh co, khúc khuỷu theo các triền núi, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm.
Với ông Nguyễn Văn Long, trận đánh ở đèo Phượng Hoàng cũng là một trong những cuộc giao tranh ác liệt nhất mà ông từng tham gia. Là đơn vị mở những cuộc tiến công đầu tiên, ông Long có những giây phút cận kề cái chết khi đơn vị lọt vào ổ phục kích của địch. “Cả đơn vị vừa đến khu vực bãi cỏ tranh, thì bất ngờ đạn bắn ra xối xả, hỏa lực của địch mạnh khủng khiếp, chúng tôi nằm rạp xuống đất mà có thể cảm nhận hàng nghìn viên đạn xoẹt qua chỉ cách đầu vài cm” - ông kể.
Sáng 29/3/1975, tiếng pháo của ta rền vang, làm rung chuyển vùng rừng núi đèo Phượng Hoàng. Trước sức tấn công mạnh mẽ, địch vội vã tháo chạy, các đơn vị của ngụy lần lượt bị loại khỏi vòng chiến đấu. Vượt đỉnh đèo Phượng Hoàng, xa xa là cả một vùng đồng bằng rộng lớn, ông Long cũng như nhiều đồng đội đã không nén được xúc động.
Một đêm ở Dinh Tổng thống
Cuối tháng 4/1975, quân Giải phóng được lệnh chuẩn bị phương án vượt sông Sài Gòn, tiến vào nội đô. Các đơn vị đều hướng về những mục tiêu quan trọng như: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu và Dinh Tổng thống. Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 là một trong những lực lượng có mặt tại đường phố Sài Gòn trong thời khắc lịch sử này.

Sáng 30/4, Trung đội do ông Long chỉ huy tiến vào trung tâm thành phố, đường phố Sài Gòn với nhà cao tầng, dãy phố ngang dọc không khỏi choáng ngợp với những người lính dạn dày chiến đấu trong rừng núi. Tiếng máy bay gầm rú, đạn, pháo của quân ta bắn liên hồi xen với tiếng nổ nhức óc của dây điện cao thế đứt vương vãi xuống đường. Sào huyệt cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang cố giãy giụa. Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân ta, các ổ kháng cự yếu ớt của ngụy nhanh chóng bị chọc thủng. Cách Dinh Tổng thống chừng nửa km, đơn vị của ông Long bất ngờ chạm chán với một đơn vị của Quân đoàn 2 (đơn vị trực tiếp đảm nhiệm đánh vào Dinh Tổng thống). Hai bên suýt nữa đã chĩa súng vào nhau, nếu như không kịp nhận ra những khẩu AK quen thuộc. “Chúng tôi cùng vào Dinh Tổng thống, lá cờ chiến thắng của quân ta do anh Bùi Quang Thận đã cắm trên nóc Dinh Tổng thống. Toàn bộ nội các chính quyền Việt Nam Cộng hòa bị khống chế. Phòng làm việc của Tổng thống Dương Văn Minh vẫn còn nguyên bộ quần áo, trên bàn là chiếc bút to, nắp bằng vàng chuyên dùng để ký... Khi chúng tôi quay ra, nhiều cánh quân của ta từ các hướng cũng đã có mặt”.
Đêm 30/4/1975, đơn vị của ông Long được lệnh giữ vị trí tại khu vực Dinh Tổng thống. “Không ai trong chúng tôi ngủ được bởi niềm vui chiến thắng tràn ngập. Giây phút ấy, chúng tôi đã nhớ tới bao đồng đội đã hy sinh trên những cánh rừng, khe suối và dọc đường đi tới chiến thắng, họ đã góp phần làm nên thắng lợi, nhưng lại không được tận mắt chứng kiến” - ông Long nói, rồi gạt dòng nước mắt cảm xúc đang lăn trên gò má.