Đồng bào dân tộc tham gia bảo vệ an ninh biên giới.
Xây dựng mô hình “Tổ tự quản đường biên, mốc giới” giúp đồng bào dân tộc hiểu được các quy định, hiệp định về đường biên giới quốc gia
Là một trong những tỉnh triển khai khá sớm việc xây dựng mô hình “Tổ tự quản đường biên, mốc giới” theo Chỉ thị 34/CT-BTL ngày 24/6/2003 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về mô hình phong trào tự quản đường biên, cột mốc, mô hình quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới được hình thành và triển khai tại các thôn, bản.
Những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chú trọng triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động. Hàng năm, Đảng ủy, chỉ huy các đồn biên phòng đã chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã xây dựng kế hoạch tổ chức giới thiệu đường biên, mốc giới cho người dân các thôn, bản, tổ dân phố khu vực giáp biên, qua đó giúp bà con nhận biết và đăng ký cam kết tham gia quản lý, bảo vệ theo địa giới hành chính thôn, bản, tổ dân phố với chính quyền địa phương và đồn biên phòng.
Các đồn biên phòng và cấp ủy, chính quyền các xã trong khu vực biên giới đã xây dựng, ký kết quy chế phối hợp thực hiện phong trào, trong đó xác định đồn biên phòng là lực lượng chủ trì, nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, UBND xã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành các hoạt động tự quản của nhân dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
Để nhân dân nhận thức được các quy định, hiệp định hai nước đã ký kết, đặc biệt nhận biết được vị trí đường biên trên thực địa, các chiến sĩ biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng tuần tra, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân ngay trên thực địa. Với cách làm cụ thể, trong quá trình tổ chức tuần tra song phương khi gặp vấn đề nảy sinh như việc người dân do thói quen hoặc không nhận biết được đường biên giới nên quá canh, chăn thả gia súc sang đất bạn. Lực lượng tuần tra đã kịp thời chỉ cho người dân thấy rõ sai phạm để khắc phục, đồng thời tuyên truyền về những quy định về đường biên giới, cột mốc để người dân tuân thủ chấp hành.
Với cách làm chủ động, sáng tạo, nhiều thôn, bản đã làm tốt công tác xây dựng mô hình “Tổ tự quản đường biên, mốc giới” với sự tham gia của đồng bào dân tộc, giữ bình yên cho an ninh biên giới. Xã biên giới Bản Lầu, huyện Mường Khương là điểm sáng về xây dựng mô hình dòng họ tự quản, bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ đường biên mốc giới ở địa phương. Đây là một trong những địa bàn được triển khai xây dựng mô hình tự quản đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Nơi đây có 12 dân tộc sinh sống Mông, Dao, Nùng, Giáy, Tu Dí... Mô hình đã cho thấy những thế mạnh trong tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, chống xâm canh, di dân tự do… Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho địa phương nhân rộng mô hình, phát triển thành phong trào trên toàn tỉnh và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.
Xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát có 7 km đường biên giới với 3 thôn giáp với biên giới là Minh Trang, Bản Trang và Tân Trang. Do vậy, việc xây dựng, củng cố các tổ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự luôn được xã quan tâm. Trước kia, bà con chưa hiểu biết nhiều về đường biên giới đất liền và tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc nên còn vi phạm quy chế biên giới. Sau khi được Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động tham gia “Tổ tự quản đường biên, cột mốc”, đồng bào dân tộc đã nâng cao hiểu biết và có ý thức hơn về vấn đề này. Đến nay, hầu hết người dân trong xã đã nhận biết được các dấu hiệu về đường biên giới, cột mốc và tích cực tham gia bảo vệ, giữ gìn.
Những mô hình “Tổ tự quản đường biên, mốc giới” dọc biên giới tỉnh Lào Cai đã phát huy hiệu quả, góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tiếp tục quan tâm xây dựng mô hình tự quản tại các thôn, bản dọc tuyến biên giới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2022 - 2025, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch 174/KH-UBND truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, chú trọng hoạt động thông tin đối ngoại thuộc lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, thể hiện tính nhất quán, xuyên suốt, ưu việt trên tất cả các lĩnh vực nhằm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; các hoạt động và hiệu quả chính sách ngoại giao nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc tuyến biên giới.
Bảo vệ an ninh biên giới, giữ bình yên bản làng.
Cùng với tập trung xây dựng các mô hình tự quản đường biên giới, tỉnh chú trọng công tác tham mưu, cùng các cấp, các ngành bồi dưỡng cho đội ngũ già làng trưởng bản, người có uy tín về công tác đối ngoại nhân dân trong giải quyết một số vấn đề nảy sinh trên biên giới không để phức tạp căng thẳng xảy ra. Quan tâm tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, giúp những già làng, trưởng bản, người có uy tín nắm bắt đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, qua đó, chung tay vận động tuyên truyền đồng bào sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” và Chỉ thị số 34/CT-BTL của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về “Tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”. Xây dựng các chương trình, kế hoạch tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng biên giới gắn với phát triển đời sống người dân bảo đảm phù hợp với thực tế tại địa bàn từng huyện, từng xã và phù hợp với tập quán của từng dân tộc. Thông qua đó, tiếp tục góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới vững mạnh; đồng thời, tranh thủ vai trò của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân địa phương cùng tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.