LCĐT - Kỷ niệm 151 năm ngày sinh lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới - V.I. Lênin (22/4/1870 - 22/4/2021), chúng ta lại nhớ đến bản “Sơ khảo lần thứ nhất luận cương những vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin mang ý nghĩa to lớn không chỉ với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mà đối với cả tiến trình cách mạng Việt Nam.
Luận cương đã chỉ ra rằng các dân tộc bị áp bức, những người lao động bị bóc lột không được hưởng quyền bình đẳng với những dân tộc đi áp bức, bóc lột. Đó là sự lừa dối kiểu dân chủ tư sản mà thực chất tuyệt đại đa số người dân lao động trên thế giới bị lực lượng thiểu số ở các nước tư bản tiên tiến rất mực giàu có nô dịch về mặt thuộc địa và tài chính - sự nô dịch này là đặc điểm của thời đại tư bản tài chính và chủ nghĩa đế quốc…
![]() |
V.I. Lênin tại Quảng trường Đỏ ở Matxcơva ngày 25/5/1919. Ảnh: Tư liệu |
Với tinh thần cộng sản, chúng ta khẳng định: Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lênin là tác phẩm mang tính văn kiện trình bày một cách hệ thống những vấn đề chiến lược của cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa và lệ thuộc. Đó là vấn đề dân tộc đi đôi với vấn đề thuộc địa. Thực hiện quyền dựng nước độc lập, tự do cho tất cả các dân tộc thuộc các màu da. Nhiệm vụ trọng đại của những người cách mạng ở các nước đế quốc là phải ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa và lệ thuộc. Đối với những người cách mạng ở xứ thuộc địa và lệ thuộc phải đoàn kết chặt chẽ với Nhân dân các nước do thế lực phản động của nước họ đang áp bức bóc lột dân tộc mình; nhiệm vụ giải phóng dân tộc gắn với nhiệm vụ chống các lực lượng phản động trong xứ mình, phải đoàn kết chặt chẽ giữa phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức và các dân tộc đã làm cách mạng thành công.
Bản luận cương không những chỉ ra con đường đấu tranh cách mạng của người lao khổ ở nước Nga và trên thế giới mà còn là tác phẩm lý luận cách mạng soi sáng cho con đường cách mạng của các dân tộc bị áp bức, trong đó có Việt Nam và người đầu tiên được tiếp cận là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Khi đang hoạt động tại nước Pháp xa xôi, băn khoăn tìm hướng đi cho con đường cứu dân, cứu nước thì một sự kiện mang tính bước ngoặt trong tư tưởng đã đến với Nguyễn Ái Quốc qua đọc “Sơ khảo lần thứ nhất luận cương những vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin đăng trên báo Nhân Đạo số ra các ngày 16 và 17 tháng 7 năm 1920. Luận cương của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc về con đường giành độc lập, tự do thật sự cho dân tộc, cho đồng bào mình. Đọc luận cương, Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng con đường cứu nước, cứu dân chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống độc lập tự chủ, tự lực, tự cường dân tộc với tinh thần triệt để cách mạng của giai cấp công nhân, phải biết kết hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh tiến bộ của thời đại, đó sẽ là những nhân tố thành công của cách mạng. Vì thế, từ khi được tiếp cận với Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục nghiên cứu sâu hơn những học thuyết của Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Từ việc tiếp cận luận cương của Lênin và nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin đã dẫn Nguyễn Ái Quôc từ người yêu nước trở thành người cộng sản, từ người đi tìm đường cứu nước thành người dẫn đường cho cách mạng Việt Nam, mở ra và dẫn dắt cách mạng Việt Nam vào giai đoạn phát triển mới: Giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong bóng tối của chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Ái Quốc đã gặp được ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là cơ sở lý luận quan trọng nhất để Nguyễn Ái Quốc đến với con đường cách mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau này, khi nói về cảm tưởng của mình khi đọc luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui sướng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập I, trang 127).