Cụ thể, sau khi kiểm tra có dấu hiệu vi phạm đối với Chi bộ Tài nguyên và Môi trường thị xã (huyện) Sa Pa, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các đảng viên liên quan đến sai phạm trong thống kê, kiểm đếm, bồi thường đất, tài sản, hoa màu tại Dự án khu hành chính mới, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy: Chi bộ Tài nguyên và Môi trường thị xã chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với đảng viên; chưa làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức đoàn thể thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, thiếu kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn dẫn tới công chức Phí Việt Tiến và đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, viên chức Nguyễn Thị Thu Hằng mắc sai phạm số tiền hơn 2,7 tỷ đồng khi tham gia kiểm đếm, bồi thường tài sản đối với các hộ dân bị thu hồi đất.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy vi phạm của Chi bộ Tài nguyên và Môi trường huyện Sa Pa nhiệm kỳ 2015 - 2020 (thời điểm 2018 - 2020) đã đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật nhưng do chi bộ ghép (gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Văn phòng Đăng ký đất đai), các đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại 3 cơ quan khác nhau nên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét không xử lý kỷ luật đối với tập thể Chi bộ.
Đối với các cá nhân liên quan, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Thị ủy Sa Pa chỉ đạo xem xét thi hành kỷ luật hành chính đối với ông Phí Việt Tiến, nguyên cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất, hiện là công chức Phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Sa Pa; bà Nguyễn Thị Thu Hằng, viên chức Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Sa Pa.
Cũng tại Thông báo Kết luận kỳ họp thứ 27, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy có đề nghị một số tập thể, cá nhân khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau khi được giám sát. Cụ thể: Đối với Chi bộ Ban quản lý dự án (QLDA) huyện Bảo Yên và cá nhân Giám đốc Đoàn Văn Phong, Bí thư Chi bộ cần khắc phục việc xây dựng Quy chế làm việc chưa đúng với quy định, hướng dẫn; cụ thể hoá chương trình công tác từng năm chưa đầy đủ; việc chuẩn bị nội dung nhiều kỳ sinh hoạt còn sơ sài; trong sinh hoạt còn tập trung phổ biến các văn bản; việc đánh giá các mặt công tác nhìn chưa sâu, ít nêu được kết quả và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể…
Đối với đồng chí Lê Xuân Quỳnh, Huyện uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị khắc phục hạn chế khi để xảy ra một số xã chậm công bố bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các chỉ tiêu trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm đạt thấp; đất công ích một số xã, thị trấn quản lý chưa có hồ sơ quản lý đầy đủ.
Đối với Chi bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường và đồng chí Nguyễn Huy Việt, Huyện uỷ viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Bàn, đề nghị khắc phục hạn chế, khuyết điểm như việc xây dựng Quy chế làm việc của Chi bộ chưa quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ quyền hạn của Chi ủy và các chi ủy viên; chưa thực hiện công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức diện phải kê khai; còn một số xã chậm công bố bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc phối hợp tham mưu thực hiện các chỉ tiêu trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm đạt thấp; đất công ích các xã, thị trấn chưa có hồ sơ quản lý đầy đủ.
Ngoài ra, tại Thông báo Kết luận kỳ họp thứ 27, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sau khi kiểm tra tài chính đảng đã chỉ ra một số điểm hạn chế cần khắc phục tại cơ quan Thị ủy Sa Pa.