Các đồng chí: Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương đồng chủ trì hội nghị.
Sau 16 năm thi hành Luật Hóa chất và gần 20 năm triển khai thi hành Luật Điện lực đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định của 2 luật này đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 9 chương với 89 điều. Luật này quy định các hoạt động liên quan đến phát triển công nghiệp hóa chất, quản lý hoạt động hóa chất; thông tin hóa chất cũng như các quy định liên quan đến hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện… Đồng thời, bổ sung 68 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí…
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cao với việc thay đổi một số quy định để đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra những góp ý cụ thể cho các dự thảo luật.
Đối với dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), các đại biểu đề nghị: Tại mục 4 Điều 4 cần thống nhất việc giải thích khái niệm giữa khoản 4, 5 và khoản 29, 30; trong khoản 4 Điều 7 chỉ mới cấm đối với hành vi người sản xuất hóa chất độc hại nhưng không nói đến người sử dụng, vì vậy đã bỏ lọt nhiều đối tượng, cần phải bổ sung và làm rõ đối tượng bị cấm sử dụng hóa chất độc hại; tại điểm a khoản 5 Điều 60 cần làm rõ hơn về đối tượng và nâng cao yêu cầu về chuyên môn trong hoạt động sử dụng, xử lý hóa chất…
Đối với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu đề nghị: Bổ sung, giải thích cụm từ “điện năng” trong Điều 4; tại điểm c khoản 1 Điều 23 sửa từ “di dân” thành thu hồi đất, bồi thường, tái định cư; Điều 24 về phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn chung chung đề nghị làm rõ; điểm e khoản 5 Điều 122 chưa có quy định cụ thể về việc nạo vét lòng hồ thủy điện, đề nghị bổ sung quy định này…
Kết luận hội nghị, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý thiết thực, sâu sát với 2 dự thảo luật này. Các ý kiến sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tổng hợp nghiên cứu và có ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.