Dự hội thảo có đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Về phía tỉnh Lào Cai, dự hội thảo có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; chủ tịch, phó chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố; cán bộ phong trào cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 1.485 chi hội với 1.475 chi hội trưởng phụ nữ; khuyết 10 chi hội trưởng. Trong đó, có 1.005/1.475 chi hội trưởng là người dân tộc thiểu số (chiếm 68,1%); 924/1.475 chi hội trưởng phụ nữ được bố trí, sắp xếp kiêm nhiệm các chức danh có phụ cấp từ ngân sách (chiếm 63%) .
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tích cực chủ động triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Trung ương có liên quan đến công tác hội và phong trào thi đua, công tác phát triển đảng giai đoạn 2020 - 2025 và các văn bản của Tỉnh ủy có liên quan đến công tác phát triển đảng viên.
Các cấp hội trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu hội viên phụ nữ ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp, tập trung vào nhóm đối tượng là chi hội trưởng, chi hội phó, hội viên phụ nữ tiêu biểu, tích cực tham gia hoạt động công tác hội và phong trào phụ nữ tại cơ sở.
Năm 2021, các cấp hội phụ nữ đã giới thiệu 901 cán bộ, hội viên; năm 2022 giới thiệu 1.006 cán bộ, hội viên phụ nữ ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp.
Về kết quả bồi dưỡng, giới thiệu phát triển đảng trong đội ngũ chi hội trưởng, tính đến hết tháng 6/2023, có 842/1.475 chi hội trưởng là đảng viên, chiếm 57,1%.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thẳng thắn đánh giá tỷ lệ kết nạp đảng viên là chi hội trưởng hiện có sự chênh lệch cao giữa vùng thấp và vùng cao, vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Khó khăn trong công tác phát triển đảng viên là chi hội trưởng phụ nữ đến từ thực trạng số lượng hội viên, chi hội trưởng là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần đa, trình độ nhận thức còn hạn chế; tình trạng phụ nữ đi làm ăn xa khá phổ biến, gây khó trong việc tạo nguồn phát triển đảng viên cũng như tạo nguồn phát triển đội ngũ chi hội trưởng kế cận; 551/1.475 chi hội trưởng không được hưởng phụ cấp từ ngân sách, điều này cũng ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ hội các cấp, tạo khó khăn cho việc theo dõi, bồi dưỡng kết nạp Đảng…
Các đại biểu đã tham luận về thực trạng, những khó khăn trong phát triển đảng viên là chi hội trưởng phụ nữ; đề xuất các giải pháp để nâng cao tỷ lệ đảng viên là chi hội trưởng phụ nữ trong thời gian tới.
Tại hội thảo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có thêm các chương trình, đề án bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ hội các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, chi hội, tổ hội.
Với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch để đảm bảo đội ngũ kế cận khi có sự thay đổi nhân sự cán bộ cấp cơ sở và cấp chi hội; chủ động bồi dưỡng, tạo nguồn nhân sự dự kiến chi hội trưởng, chi hội phó, tổ trưởng từ hội viên nòng cốt, tiêu biểu trong phong trào ở cơ sở. Tiếp tục quan tâm và có kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Quan tâm theo dõi và tạo điều kiện để quần chúng là chi hội trưởng được tham gia bồi dưỡng lớp nhận thức về Đảng, theo dõi giúp đỡ để phát triển đảng viên theo quy định…
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh đánh giá cao những kết quả tỉnh Lào Cai đạt được trong công tác phát triển đảng viên trong chi hội trưởng phụ nữ. Với 57,1% chi hội trưởng phụ nữ là đảng viên, Lào Cai là địa phương có số lượng chi hội trưởng phụ nữ là đảng viên ở mức cao trong cả nước.
Từ những số liệu và tham luận, trao đổi tại hội thảo, đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, Lào Cai có nhiều điều kiện để tiếp tục phát triển đảng viên trong hội viên phụ nữ, chi hội trưởng phụ nữ.
Trên cơ sở này, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị các cấp hội phụ nữ của tỉnh Lào Cai, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm xóa bỏ rào cản về định kiến giới, tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, quan tâm triển khai thực hiện các chương trình, đề án của Trung ương, trong đó có dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Làm tốt công tác truyền thông để tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn; tăng tỷ lệ đảng viên là hội viên phụ nữ, chi hội trưởng phụ nữ.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của Lào Cai, những nội dung thuộc thẩm quyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ có văn bản chỉ đạo. Đối với những nội dung vượt thẩm quyền, Đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất và kiến nghị Trung ương quan tâm, xem xét giải quyết.