Làng Nủ và Nậm Tông - những ngày đầu xây nơi ở mới

Đứng trên đồi sim, nơi xây dựng mới khu dân cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai), anh Sầm Văn Bóng phóng tầm mắt ra xa, hướng về nơi ở cũ...

Để góp phần hỗ trợ nhân dân sớm ổn định cuộc sống, trong hai ngày 21 và 22/9, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức khởi công xây dựng Khu tái thiết thôn Làng Nủ và Nậm Tông. Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng là đơn vị trực tiếp thi công. Tham dự lễ khởi công có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó tư lệnh Binh đoàn 12. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Lào Cai; bà con nhân dân thôn Làng Nủ và Nậm Tông.

Quyết tâm dựng lại những ngôi làng sau lũ

6.jpg
Lễ khởi công xây dựng tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai).

Từ thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên) vào thôn Làng Nủ chừng 20 km vẫn còn ngổn ngang bùn đất, nhiều điểm còn cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở cao. Khu tái thiết xây dựng thôn Làng Nủ mới nằm trên đồi sim, có tổng diện tích 18,5 ha, cách thôn cũ 2 km. Trước đó, đồng chí Trịnh Xuân Trường và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã trực tiếp khảo sát, lựa chọn địa điểm; bà con thôn Làng Nủ biểu quyết nhất trí 100% lựa chọn địa điểm xây dựng khu làng mới.

Mưa, lũ do hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nhiều địa phương phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Lào Cai. Mưa, lũ dù đã đi qua, cuộc sống cũng đang từng ngày trở lại với người dân các vùng bị bão, lũ nhưng phía trước vẫn còn muôn vàn khó khăn, muôn việc phải làm. Khi chúng tôi đến khu tái định cư mới của thôn Làng Nủ, Trưởng thôn Hoàng Văn Diệp đang phân công bà con cùng chung tay giúp sức với cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị thi công để công tác giải phóng mặt bằng sớm hoàn thành. Đồng chí Hoàng Văn Diệp cho biết: "Trong giai đoạn 1, thôn xây dựng trên diện tích 10 ha, có 40 hộ dân chuyển đến. Đây vừa là nơi định cư lâu dài của nhân dân trong thôn vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống hằng ngày, phù hợp với văn hóa, tập quán của bà con".

Đường đến với thôn Nậm Tông còn gian khổ hơn nhiều. Đêm 21/9 trời mưa khiến đường trơn trượt, vì thế, anh lái xe liên tục phải cài cầu mới có thể vượt qua được những đoạn đường đầy bùn đất nhão nhoét. Dọc đường còn hơn chục điểm sạt lở, đất đá có thể sạt lở xuống bất cứ lúc nào. Do chịu ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 7 đến 11/9, trên địa bàn huyện Bắc Hà có mưa to, nhiều nơi mưa rất to gây thiệt hại nặng về người, tài sản, hoa màu... của nhân dân. Đặc biệt, vụ sạt lở đất vùi lấp các hộ dân tại thôn Nậm Tông khiến 18 người chết và mất tích (hiện tại đã tìm được 14 người; còn 4 người mất tích) và 11 người bị thương. Đau thương trùm lên thôn Nậm Tông, nơi có 98% đồng bào Mông sinh sống.

Khu tái định cư thôn Nậm Tông được chính quyền tỉnh Lào Cai bố trí nằm trên khu đồi cao, rộng gần 4 ha, cách thôn cũ gần 2 km, có thể đáp ứng chỗ ở cho 70 hộ dân với diện tích tối thiểu mỗi hộ khoảng 300 m2. Khu đất này có mặt bằng rộng, không phải san gạt nhiều, gần nguồn nước, thuận lợi cho việc thi công hạ tầng kết nối. Là người chịu nhiều mất mát nhất sau trận lũ quét vừa xảy ra, cho đến bây giờ, anh Lý Seo Thở (người dân thôn Nậm Tông) vẫn chưa hết bàng hoàng, đau khổ. Mưa, lũ đã cuốn đi vợ và hai con của anh. Trong nỗi đau tột cùng, anh luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ của nhiều người. Anh mong khu ở mới của dân làng nhanh được hoàn thành để bà con đỡ khổ, sớm trở lại với cuộc sống bình thường, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.

Trước mất mát, đau thương của người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai do hoàn lưu bão số 3 gây ra, đặc biệt là hai thôn Làng Nủ và Nậm Tông, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, từng bước khôi phục lại cuộc sống của nhân dân. Chung tay cùng với bà con, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương và đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài luôn hướng về nhân dân vùng lũ các tỉnh phía Bắc nói chung, bà con thôn Làng Nủ và Nậm Tông nói riêng.

Đặc biệt trong đợt này, Quỹ Tấm lòng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam quyết định hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng 42 công trình ở thôn Làng Nủ (40 nhà ở, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và 1 điểm trường mầm non) và 17 công trình ở thôn Nậm Tông (15 nhà ở, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 điểm trường mầm non). Đồng chí Lê Ngọc Quang khẳng định: "Đây là việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực. Trong những ngày qua, Quỹ Tấm lòng Việt nhận được sự đóng góp, ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Quỹ không chỉ hỗ trợ bà con tái thiết hai khu dân cư mà sẽ tiếp tục đồng hành, giúp đỡ các gia đình, đặc biệt là các cháu học sinh trong những thời gian tiếp theo, với ước nguyện bà con sớm ổn định và có cuộc sống tốt đẹp hơn".

Sáng ngời thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Khi lũ dữ ập đến quét đi cả thôn Làng Nủ và nhiều hộ dân thôn Nậm Tông, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 đã băng qua những cung đường sạt lở để đến với người dân nhanh nhất; kịp thời hỗ trợ, ứng cứu nhân dân trong những thời khắc gian khó nhất. Hôm nay, vẫn là những người lính Cụ Hồ, cán bộ, nhân viên, người lao động Binh đoàn 12 lại tiếp tục hành trình, chung tay cùng các nhà hảo tâm, cấp ủy, chính quyền địa phương tái thiết thôn Làng Nủ và Nậm Tông.

Là đơn vị được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đồng hành, thi công dự án, những ngày qua, Binh đoàn 12 đã nhanh chóng đưa phương tiện, nhân lực vào triển khai thi công mặt bằng. Đại tá Nguyễn Thế Lực cho biết: "Phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn, nhận rõ trách nhiệm nghĩa tình mà thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao, đơn vị đã tập trung huy động đội ngũ cán bộ, kỹ sư có năng lực, kinh nghiệm và xe-máy, thiết bị triển khai thi công dự án bảo đảm chất lượng, đúng thiết kế; động viên cán bộ, nhân viên, người lao động vượt mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành khu tái định cư cho bà con thôn Làng Nủ và Nậm Tông trước ngày 31/12/2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong suốt chiều dài lịch sử 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đã chở che, đùm bọc, yêu thương, nuôi dưỡng bộ đội. Đó là ơn nghĩa mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 luôn ghi lòng tạc dạ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng khu ở mới cho người dân thôn Làng Nủ và Nậm Tông tốt nhất, nhanh nhất, phù hợp nhất".

Các đại biểu tham dự Lễ khởi công xây dựng tái thiết khu dân cư thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc (Bắc Hà, Lào Cai).
Các đại biểu tham dự Lễ khởi công xây dựng tái thiết khu dân cư thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc (Bắc Hà, Lào Cai).

Đánh giá Binh đoàn 12 là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong tái thiết các khu dân cư, điều đó được thể hiện rõ khi đơn vị triển khai nhanh chóng nhân lực, vật lực tái thiết khu tái định cư cho bà con thôn Làng Nủ và Nậm Tông, đồng chí Lê Ngọc Quang mong rằng cán bộ, nhân viên, người lao động Binh đoàn 12 sẽ quyết tâm rút ngắn hơn nữa thời gian thi công để bà con sớm ổn định cuộc sống.

Những khó khăn, mất mát rồi sẽ qua đi để dành cho bà con hai thôn một tương lai mới tốt đẹp hơn. Với những hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sẽ có nhiều gia đình không tìm lại được những gì mình có trong quá khứ nhưng với tình cảm, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của đồng bào nơi đây, cũng như nghĩa cử cao đẹp của đồng bào cả nước, chắc chắn bà con sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Rồi đây, hai khu đất mới ở thôn Làng Nủ và Nậm Tông sẽ có nhiều ngôi nhà mới được hình thành, những ngọn cỏ non cũng bắt đầu mọc lên. Trên các triền núi, những thân cây bị mưa lũ dập vùi bắt đầu xanh trở lại, một cuộc sống mới đang thực sự hồi sinh.

Dọc đường chúng tôi trở về Hà Nội, vẫn còn nhiều đoàn hỗ trợ đồng bào lũ lụt tiếp tục hướng về các tỉnh phía Bắc. Thôn Làng Nủ và Nậm Tông đang được tái thiết và vẫn còn đó nhiều khó khăn, thiếu thốn rất cần sự chung tay của đồng bào cả nước để bà con sớm ổn định cuộc sống, vươn lên xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp.

Theo qdnd.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Những cán bộ gác việc nhà lo việc dân

Trong trận lũ vừa qua, Bảo Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều cán bộ cơ sở mặc dù nhà ở bị ngập lụt, tài sản bị cuốn trôi nhưng vẫn ưu tiên lo cho dân. Họ tạm gác việc nhà, tập trung hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống. Chỉ khi mọi người được an toàn, họ mới trở về lo cho gia đình mình.

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu

Gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, những nhà giáo trên địa bàn tỉnh luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu học trò qua từng trang giáo án. “Người đưa đò” thầm lặng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, trở thành những “Chuyên gia giáo dục sáng tạo toàn cầu của Microsoft”, là tấm gương sáng cho học sinh về rèn đức, luyện tài.

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Nữ hiệu trưởng ưu tú

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, 13 năm làm công tác quản lý, trong đó 6 năm đảm nhiệm vai trò hiệu phó và 7 năm làm hiệu trưởng, dù ở cương vị nào, cô Phạm Thị Khánh Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai cũng nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Bằng sự nhạy bén và chuyên môn vững vàng, cô Hường đã xây dựng một tập thể đoàn kết, kiến tạo môi trường giáo dục và học tập hạnh phúc.

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Đổi mới vì học sinh thân yêu

Thời gian qua, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa nhà trường trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục thành phố Lào Cai.

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Thầy giáo trẻ “truyền lửa” đam mê

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 3, thầy giáo Lý Văn Hoàng (sinh năm 1996) công tác tại Trường THPT Chuyên Lào Cai, nhưng thầy và học trò đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao tại nhiều cuộc thi.

“Nả” Hương ở Lũng Pô

“Nả” Hương ở Lũng Pô

Sẩm tối, anh Lù Seo Súa mới chân thấp chân cao, tất tả ngược dốc đến điểm Trường Mầm non Lũng Pô đón con gái Lù Ánh Dương về nhà. Thấy bố, cô bé mừng reo hớn hở nhưng vẫn không quên khoanh tay lễ phép chào “nả” Hương, rồi mới ùa ra, gọn trong vòng tay của bố. Có lẽ, với cô giáo Hương, đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất khi gắn bó cả thanh xuân của mình ở vùng đất biên cương.

fbytzltw