Những năm gần đây, sau khi thông tin về các trường hợp thu quá mức quy định, thu nhiều khoản không được đồng thuận xuất hiện trên mạng xã hội đã được các cơ quan quản lý vào cuộc, xử lý. Điều này cho thấy phụ huynh đang dần mạnh dạn lên tiếng, không còn để lạm thu là cơn “sóng ngầm” như những năm trước đây.
Nhiều khoản đóng góp đều thu dưới danh nghĩa "tự nguyện", thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh. (Ảnh minh họa)
Năm học 2023 - 2024 vừa bắt đầu được gần 1 tháng, mạng xã hội đã xôn xao hình ảnh thống kê các khoản phụ huynh học sinh THPT Thanh Miện 3, tỉnh Hải Dương phải đóng đầu năm học lên tới 8,7 triệu đồng, trong đó có một số khoản “khó hiểu” như: vở ghi, ghế ngồi, thẻ học sinh, vệ sinh, khảo sát, kiểm tra chung, tivi, xã hội hóa, quỹ học bổng… Tiếp đó, hình ảnh bảng thống kê 16 khoản thu đầu năm học của trường THCS Nguyễn Trãi (tỉnh Hải Dương) cũng được đưa lên mạng xã hội, với nhiều khoản “lạ” như: ghế và cờ, kỹ năng sống, mua tivi, hỗ trợ đưa học sinh giỏi đi thi, mua loa đài, hỗ trợ cơ sở vật chất… Trong khi dư luận chưa hết bức xúc về các khoản thu đầu năm của một số trường thì hình ảnh danh sách các khoản dự chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường THCS Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) với hàng chục khoản thu "lạ" tiếp tục được lan truyền trên mạng xã hội như: tri ân giáo viên 20/11 (45 - 50 triệu đồng), đóng kinh phí cho học sinh học bồi dưỡng tại Chu Văn An (10 - 15 triệu đồng)…
Những khoản tưởng như hợp lý là đồng phục, hay những khoản thu “lạ” được dựa trên danh nghĩa “tự nguyện” được lặp lại mỗi đầu năm học khiến phụ huynh học sinh bức xúc: "Mấy năm nay trở đi là mỗi trường quy định ra nào là đồng phục tay cộc, đồng phục tay dài, đồng phục thể thao rồi áo khoác mùa đông, có thể từ 1-2 bộ. Ngoài ra còn có các khoản phí khác. Ví dụ như điều hòa, cơ sở vật chất ban đầu, tiền nước, tiền tự nguyện - chính ra nói tự nguyện nhưng tự nguyện đó lại làm phụ huynh khó nghĩ. Nếu mình lên tiếng thì lại sợ bị ảnh hưởng. Con mình học hành như thế thì các thầy cô, bạn bè sẽ nhìn vào như thế nào. Tôi thấy rất là khó"
Sau khi hình ảnh về các khoản thu đầu năm được đưa lên mạng xã hội, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, yêu cầu tạm dừng các khoản thu và đều khẳng định sẽ xử lý nghiêm các cá nhân làm sai. Thế nhưng những vụ lùm xùm liên quan đến thu chi bất thường tiếp diễn từ năm học này sang năm học khác đã tạo thành cơn sóng ngầm khiến cho phụ huynh ác cảm với việc thu các khoản phí đầu năm. Vì vậy, khi Trường Tiểu học Tự nhiên, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội có dự định thu phí lắp điều hòa thì lập tức vấp phải phản ứng dữ dội của phụ huynh học sinh và việc này phải dừng lại, chờ xin ý kiến cơ quan quản lý.
Bà Phạm Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường cũng yêu cầu các lớp là họp với phụ huynh học sinh, thỏa thuận thống nhất, sau khi mà lớp nào mà triển khai có kết quả 100% số phụ huynh nhất trí thì Hội cha mẹ học sinh có ý kiến đề xuất với nhà trường, sau đó nhà trường sẽ tổng hợp và xin ý kiến của lãnh đạo huyện cũng như Phòng Giáo dục".
Một trong những tín hiệu đáng mừng trong các vụ việc vừa nêu là phụ huynh đã lập tức lên tiếng, phản ứng bằng nhiều hình thức khi việc thu chi không phù hợp. Đây là điều cần thiết để những vụ việc có dấu hiệu lạm thu được giải quyết sớm, không gây áp lực, bức xúc đối với phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, sự lên tiếng của phụ huynh đôi khi đi kèm với những rủi ro. Đơn cử như vụ việc tại trường THPT Lạc Long Quân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội mới đây. Sự lên tiếng của phụ huynh trở thành cái cớ cho phân biệt đối xử, dùng “quyền lực ngầm” gây ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Những vụ việc như vậy đang làm méo mó môi trường giáo dục cần sự trong sạch chứ không phải quyền lực uy áp những đứa trẻ yếu thế hơn.
Thực tế cho thấy, khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, thì việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Trong điều kiện các nguồn lực hạn chế, nhiều nhà trường xem đóng góp của phụ huynh như một nguồn lực xã hội hóa. Nhưng rõ ràng xã hội hóa phải đảm bảo tính tự nguyện và đúng quy định. Phó Giáo sư Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: "Tất cả các khoản thu nếu chỉ tập trung vào trong những thời điểm đầu năm học có thể gây ra những khó khăn cho rất nhiều gia đình. Bên cạnh đó việc huy động các nguồn lực xã hội không tập trung vào những mục đích dành cho người học; việc thu chi đấy không minh bạch, không công bằng, tạo ra sự phân biệt, đối xử giữa những người học thì đây chính là những lùm xùm mà năm nào ngành giáo dục cũng phải nhắc. Có những văn bản nói rằng là những khoản nào là không được thu, nhưng mà chúng ta lại chưa có những văn bản hướng dẫn là làm thế nào để huy động những nguồn lực xã hội hóa theo một cách thức mà hợp chuẩn và không dẫn đến sự mất cân bằng hoặc một sự bất bình đằng đổi xử".
Theo nhiều chuyên gia, công khai, minh bạch là liều thuốc hiệu quả nhất cho vấn đề lạm thu hiện nay. Việc thu những khoản tự nguyện thì phải xét đến điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình học sinh, không nên cào bằng các khoản thu và hãy để phụ huynh đóng góp tự nguyện theo đúng bản chất, tránh tình trạng áp đặt, gây hiểu lầm và gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh.