Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, chỉ số giá tiêu dùng hàng năm tại Vương quốc Anh trong tháng 3/2023 là 10,1%. Tuy đã giảm 0,3% so với tháng 2/2023 nhưng con số này vẫn cao hơn dự báo trước đó của chính phủ Anh (9,8%), khiến tỷ lệ lạm phát tại Anh hiện vẫn ở mức cao nhất trong số các nước Tây Âu, xếp trên hai nước phía sau là Áo (9,2%) và Italy (8,2%). Đây cũng là tháng thứ 7 liên tiếp tỷ lệ lạm phát tại Anh vượt trên mức 10%.
Giá thực phẩm tại Anh liên tục tăng cao.
Đáng chú ý, tỷ lệ lạm phát đối với thực phẩm và đồ uống không có cồn tại Anh trong tháng 3/2023 lên tới 19,1%, cao nhất trong vòng 45 năm (từ tháng 8/1977). Điều này cho thấy áp lực đối với người tiêu dùng Anh vẫn chưa được giảm nhẹ, bất chấp các nỗ lực từ phía chính phủ.
Ngay sau khi các số liệu kinh tế mới được công bố, giới tài chính nhận định, gần như chắc chắn Ngân hàng Anh quốc sẽ nâng lãi suất lên 4,5% trong tháng 5/2023 để kiềm chế lạm phát. Đến mùa Thu năm nay, lãi suất thậm chí có thể lên tới 5%.
Tình trạng lạm phát giá thực phẩm đang đẩy hàng triệu hộ gia đình có thu nhập thấp tại Anh rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Đầu tuần này, các hiệp hội thiện nguyện tại Anh đã cùng gửi thư yêu cầu chính phủ Anh trợ cấp giá cho 90 mặt hàng thực phẩm tiêu dùng cơ bản.
Theo bà Kathy Schmuecker, tư vấn chính sách cho Quỹ Joseph Rowntree, một trong những quỹ thiện nguyện chống đói nghèo tại Anh, giá thực phẩm tăng cao đang đe dọa hàng triệu người dân Anh.
“Tất cả chúng ta đều biết thực phẩm là vấn đề sống còn trong cuộc sống, không thể bỏ qua, mà nếu như bắt buộc phải cắt bỏ thì sẽ có những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người dân. Do đó, tỷ lệ lạm phát hiện nay là tin tức khủng khiếp với hàng triệu hộ gia đình và chúng tôi đang gây sức ép để các chính đảng thống nhất rằng chính sách tín dụng phổ thông sẽ đủ để đảm bảo tất cả các nhu cầu thiết yếu này”, bà Schmuecker cho hay.