Đến thăm trang trại rộng hơn 10ha với bạt ngàn các loại cây trái (chanh, bưởi, hồng, nhãn, chè, thanh long…) và các loại gia cầm, thuỷ cầm của gia đình anh Phạm Thế Cầu, tận mắt chứng kiến cảnh vợ chồng anh cần cù, hăng say lao động, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào để có được thành quả như hôm nay, gia đình người “nông dân triệu phú” này đã phải đổ biết bao mồ hôi, công sức.
Anh Cầu chia sẻ: “Ngày mới lấy nhau, vợ chồng tôi rất nghèo. Được xã chia cho 0,3ha đất vườn tạp, bùn sình lầy, cả hai vợ chồng đã gia sức cải tạo, đào mương, xẻ rãnh, nắn suối chuyển dòng trong suốt nhiều tháng liền để có nước phục vụ sản xuất và tạo mặt bằng cho đất. Lúc đầu chủ yếu là trồng lúa, trồng sắn, trồng xoài, sau thất bại, không thấy hiệu quả đã phá bỏ hết các loại cây này và bắt đầu chuyển sang trồng cây chanh tứ thời”. Với gia đình anh Cầu, cây chanh tứ thời thực sự là loại cây giúp gia đình “phát lộc, phát tài”.
Anh vốn là người luôn có chí làm giàu, yêu lao động và chịu khó tìm tòi, học hỏi. Trong một chuyến đi thăm người thân ở Đà Lạt (Lâm Đồng), anh đã mang những cành chanh tứ thời đầu tiên về trồng. Trong thời gian trồng thử nghiệm, anh Cầu đã tự mày mò, học hỏi, tìm hiểu kiến thức khoa học - kỹ thuật trồng và chăm sóc loại cây này từ các trung tâm khuyến nông, Trại giống cây trong, ngoài tỉnh và qua báo, đài, ti vi.
Nhờ đó, vườn chanh của gia đình anh không chỉ xanh tốt mà còn cho ra quả to, mọng và rất sai. Hiện tại, khu vườn nhà anh Cầu đang có trên 1.000 gốc chanh (rộng gần 3ha) cho ra quả quanh năm. Với giá trung bình từ 15- 25 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình anh Cầu thu được từ 16 - 18 tấn chanh quả, cho thu về gần 400 triệu đồng,
Số tiền dành dụm được từ bán chanh, anh Cầu tiếp tục đầu tư vào phát triển chăn nuôi, mua đất mở rộng diện tích trồng chanh, trồng cây công- lâm nghiệp (keo Úc, trám) và trồng các loại cây ăn quả khác.
Anh Cầu cho biết thêm: “Riêng năm 2011 vừa qua, gia đình tôi đã xuất bán được gần 1.000 quả bưởi Đoan Hùng, 1,5 tấn nhãn Đại Thành, 8 tấn chè tươi, 0,5 tấn Thanh Long ruột đỏ, 0,6 tấn cá các loại, cộng thêm tiền bán chanh quả, cành chanh làm giống, chanh cảnh…Tổng thu nhập sau khi trừ chi phí trong 1 năm sản xuất, bình quân gia đình thu về khoảng 500 - 600 triệu đồng...”.
Kinh tế ngày càng khá giả, vợ chồng anh Cầu đã có điều kiện để chăm lo học hành cho con cái, xây dựng được nhà cửa khang trang và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động là con em hộ nghèo ở địa phương; giúp nhiều hộ dân trong xã và các địa phương về cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây (chanh tứ thời, thanh long ruột đỏ…).
Với những việc làm của mình, nhiều năm liền anh Cầu đã được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh cấp tỉnh và được tặng nhiều bằng khen của các cấp, ngành, địa phương.
Anh được Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2006 - 2011 và là một trong những nông dân tiêu biểu của tỉnh được đi dự Hội nghị Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV.
Hồng Oanh