HĐND tỉnh áp dụng điểm mới trong phiên chất vấn
Chủ trì kỳ họp đề nghị đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, thẳng vào vấn đề và người được chất vấn trả lời trực tiếp, đúng trọng tâm câu hỏi, trong đó thời lượng cho cả người hỏi và người trả lời được khống chế không quá 5 phút, với người đặt câu hỏi là không quá 1 phút.
Điểm mới còn là lãnh đạo các ngành được chất vấn trước khi nhận và trả lời câu hỏi có thời gian 5 phút để trình bày báo cáo của ngành liên quan đến nội dung chất vấn, tạo điều kiện cho việc hỏi và đáp sát với chủ đề.
Ngoài phần trả lời, giải đáp của lãnh đạo các ngành được chất vấn, kỳ họp còn phân công đại diện Thường trực UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực làm rõ hơn những nội dung, cử tri, đại biểu thắc mắc, đặt câu hỏi.
Người đứng đầu ngành giáo dục - đào tạo nhận số câu hỏi kỷ lục
Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo được cho là đã nhận số câu hỏi chất vấn nhiều kỷ lục với 5 đại biểu chất vấn bằng 11 câu hỏi.
Mở đầu phiên chất vấn tại Hội trường, đại biểu Bùi Văn Đức, Tổ đại biểu thành phố Lào Cai đặt câu hỏi về trách nhiệm của Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo đối với vấn đề dạy thêm, học thêm, ép học sinh học thêm tại thành phố Lào Cai.
Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Dương Bích Nguyệt thừa nhận còn tình trạng như đại biểu nêu và hướng khắc phục của ngành trong thời gian tới sẽ là tăng kỷ cương, kỷ luật, nêu cao đạo đức nhà giáo trong thực hiện nhiệm vụ; yêu cầu các trường công khai lịch, kế hoạch dạy thêm, học thêm, cam kết thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm. Ngoài ra còn quy rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục quản lý giáo viên và tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm.
Đại biểu Bùi Văn Đức còn đặt câu hỏi về giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trên nhằm đảm bảo chất lượng toàn diện, nhất là với yêu cầu đặt ra cần tới 90% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.
Trả lời cho câu hỏi này, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thông tin: Hiện ngành có 410 giáo viên Tin học, thiếu 78 người theo nhu cầu thực tế trong khi nguồn tuyển rất hạn chế, mỗi năm chỉ có từ 2 đến 7 hồ sơ dự tuyển. Về nâng cao chất lượng, hiện Sở Giáo dục - Đào tạo đang lấy kết quả ứng dụng công nghệ thông tin của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức.
Tiếp đó, đại biểu Phạm Ngân Hà, Tổ đại biểu thành phố Lào Cai đặt câu hỏi về thực trạng phát triển, công tác quản lý các cơ sở mầm non tư thục.
Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho rằng phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập có vai trò giảm áp lực cho các trường công lập, giảm chi ngân sách nhà nước cho giáo dục. Hiện toàn tỉnh có 14 trường mầm non tư thục, 84 cơ sở mầm non độc lập, 200 nhóm, lớp với 4.478 trẻ em (chiếm 7,8%) đang học trường tư thục, tập trung chủ yếu tại thành phố Lào Cai. Để nâng cao chất lượng, giải pháp là phân cấp về quản lý, chia sẻ chuyên môn giữa các trường, kết nối giữa trường học và nhà trường.
Về giải pháp khắc phục tình trạng quá tải trường, lớp tại thành phố Lào Cai như đại biểu Ngân Hà hỏi, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Dương Bích Nguyệt cho biết: Tình trạng này không chỉ thành phố Lào Cai mà còn ở nhiều thành phố khác của cả nước và việc khắc phục đang được các cấp, ngành xử lý từng bước.
Về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhất là về cơ sở vật chất, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho rằng còn những khó khăn nhất định khi đa số các trường, lớp học trên địa bàn đã cũ. Giải pháp là từng bước sửa chữa, xây mới, linh hoạt các hình thức dạy và học.
Thêm câu hỏi liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Hà Tất Định, Tổ đại biểu huyện Bắc Hà đặt câu hỏi về phân luồng, hướng nghiệp học sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng về phân luồng, năm học 2023 - 2024 có 65,6% học sinh THCS của tỉnh vào học THPT, 10% vào học giáo dục thường xuyên, số còn lại đi học nghề, riêng huyện Bắc Hà tỷ lệ này đạt 71%.
Đại biểu Thào Thị Lan, Tổ đại biểu huyện Mường Khương nêu con số thiếu giáo viên là 600 người, câu trả lời của giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là việc xác lập nhu cầu, kế hoạch tuyển dụng cũng rất sớm nhưng còn chờ thời điểm sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học mới có hồ sơ dự tuyển. Tháo gỡ cho những khó khăn này, ngành đã tham mưu cho tỉnh thay đổi cách tuyển dụng, từ thi tuyển sang xét tuyển và liên kết với các trường đại học, thu hút nhiều giáo viên từ các tỉnh lân cận tới công tác.
Về định hướng nghề nghiệp, ngành giáo dục của tỉnh đã phối hợp tốt với Trường Cao đẳng Lào Cai, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai, các trường chuyên nghiệp ngoài tỉnh tổ chức hoạt động tuyên truyền, định hướng cho học sinh trên địa bàn.
Đại biểu Trần Bích Sửu, Tổ đại biểu huyện Si Ma Cai đề nghị làm rõ thông tin chất lượng dạy tin học, ngoại ngữ lớp 1 đến lớp 3. Lãnh đạo ngành giáo dục - đào tạo cho rằng, do đặc thù của vùng cao với gần 70% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, việc học ngoại ngữ là ngôn ngữ thứ 3 của học sinh nên phần nào chất lượng còn hạn chế.
Về tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương như đại biểu nêu, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, hiện tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương của tỉnh Lào Cai đạt 68,5%, toàn quốc đạt 68,3%. Để mục tiêu đạt 80% trong thời gian tới thì giải pháp là tuyên truyền, định hướng, phân luồng, bổ sung nguồn lực cho giáo dục và đào tạo.
8 câu hỏi chất vấn lãnh đạo ngành văn hóa - thể thao
Đại biểu Hà Tất Định, Tổ đại biểu huyện Bắc Hà đặt câu hỏi về tính thực chất của danh hiệu các gia đình văn hóa, chất lượng thực hiện các hương ước, quy ước ở khu vực nông thôn, vùng cao. Trả lời nội dung này, đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đinh Minh Hà cho rằng vẫn có một số nơi vấn đề thực hiện hương ước, quy ước chưa tốt, nhất là nội dung môi trường, tảo hôn, sinh con thứ 3. Giải pháp là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng làm công tác văn hóa và cán bộ cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Về thực trạng công tác bảo tồn các làng nghề truyền thống như đại biểu Tất Định nêu, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho hay: Hiện toàn tỉnh có 7 nghề thủ công truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 4 di sản văn hoá phi vật thể liên quan đến nghề tạo ra y phục; có 4 mô hình câu lạc bộ bảo tồn trang phục, mẫu hoa văn, trang sức dân tộc Dao, Mông, Nùng… Ngành văn hóa sẽ phối hợp để làm tốt hơn việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống, trong đó cần các cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư.
Đại biểu Chu Gì Xú, Tổ đại biểu huyện Bát Xát nêu vấn đề chất lượng cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở và lãnh đạo ngành chuyên môn trả lời: Hiện tỉnh đang thiếu cán bộ được đào tạo chuyên sâu về những chuyên ngành văn hóa, thể thao và cán bộ cấp độ chuyên gia trong các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, âm nhạc, huấn luyện viên thể thao. Ngành đang tham mưu xây dựng 3 chính sách đặc thù trong lĩnh vực văn hóa góp phần giải quyết vấn đề trên.
Kết thúc phiên chất vấn, các đại biểu đã được nghe đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin thêm về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo và công tác văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.