Đứng từ lưng chừng núi phía tổ 3, phường Hàm Rồng, trước là thôn Suối Hồ, phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy dãy núi sừng sững, bao đời nay người dân nơi đây vẫn gọi là núi Hàm Rồng. Dãy núi mang dáng con rồng đá khổng lồ đang nằm, miệng rồng hướng lên trời, chân rồng là những đỉnh núi nhỏ nhô lên cao, đuôi rồng trải dài về phía xã Trung Chải.
Ngắm đỉnh Hàm Rồng giữa ngày nắng đẹp, tôi nhớ đồng bào Mông kể có truyền thuyết rằng, thuở hồng hoang, các vị thần tiên đi mở đất, đặt bước chân đầu tiên trên mảnh đất này. Thuở ấy, nơi đây cũng là nơi cư trú của loài rồng. Khi các vị thần khổng lồ đến làm vùng đất rung chuyển, một con rồng hốt hoảng vì nước rút đi, đất nhô lên, đã bỏ chạy, bị người khổng lồ ném đuổi. Con rồng hóa thành dải núi Hoàng Liên, chiếc sừng của nó chính là đỉnh Phan Si Păng. Con rồng nhỏ do ngủ dậy muộn, bị mắc cạn, hóa đá thành núi Hàm Rồng ngày nay…
Truyền thuyết là vậy, là câu chuyện được người xưa truyền lại lý giải cho những hiện tượng tự nhiên. Nhưng trong truyền thuyết ấy, cũng có câu chuyện của người Mông đầu tiên di cư đến vùng đất này khai hoang, mở đất trong cuộc thiên di vĩ đại.
Ngày nay, dưới chân núi Hàm Rồng là nơi cư trú của cộng đồng các dân tộc Mông, Dao và đồng bào người Kinh từ miền xuôi lên đây khai hoang, lập nghiệp. Đặc biệt, xã Sa Pả nằm ngay dưới đỉnh núi Hàm Rồng, từ đầu năm 2020 được chia tách thành phường Sa Pả và phường Hàm Rồng.
Riêng phường Hàm Rồng có 5 tổ dân phố, 915 hộ. Ngoài tổ 4, tổ 5 đa số là người Kinh từ miền xuôi lên phát triển kinh tế, thì các tổ 1, 2, 3 vẫn cơ bản là đồng bào Mông, Dao sinh sống, gắn với những thôn cũ của xã Sa Pả như Giàng Tra, Má Tra, Suối Hồ.
Đến vùng đất dưới chân núi Hàm Rồng hôm nay, ngoài nghe kể chuyện truyền thuyết xưa, chúng tôi còn được chứng kiến sự đổi thay rõ nét của vùng đất này. Điều đáng nói là từ vùng đất Sa Pả nghèo khó trước đây, phường Hàm Rồng hôm nay ngày càng có nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, biến khát vọng làm giàu trở thành hiện thực.
Những ngày đầu xuân, hoa đào bung nở rực rỡ, đi giữa vườn rau bắp cải, cải làn, atiso xanh mướt, anh Hạng A Vảng, tổ 1, phường Hàm Rồng không giấu nổi niềm vui vì một năm sản xuất được mùa. Anh Vảng chỉ những ruộng bậc thang rau xanh như tấm thảm, tươi cười: Năm nay thời tiết thuận lợi, gia đình tôi trồng hơn 3 ha rau các loại, thu hoạch tổng số 46 tấn bắp cải, 2 tấn cải làn, 1,5 tấn rau mầm đá, ngoài ra còn thu hoạch 35 tấn atiso. Trừ mọi chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 400 triệu đồng, gấp đôi so với năm trước.
Vốn là hộ nghèo, hơn 13 năm qua, anh Vảng mạnh dạn chuyển từ trồng lúa, ngô sang trồng rau trái vụ. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu trên 100 triệu đồng từ các loại rau. Đời sống dần khá giả, anh Vảng không những làm được nhà mới khang trang mà còn mua được ô tô bán tải gần 1 tỷ đồng phục vụ sản xuất. Từ tấm gương của anh, nhiều hộ người Mông khác dưới chân núi Hàm Rồng cũng làm theo, trở thành những hộ khá giả, như Má A Chu, Má A Kỷ, Thào A Từ, Má A Sình, Hạng A Chu…
Anh Má A Chu, Bí thư Chi bộ tổ 3 phường Hàm Rồng bảo: Tổ 3 có 176 hộ, hầu hết là đồng bào Mông, trước đây đa số là hộ nghèo. Năm 2023, tổ 3 có 17 hộ thoát nghèo nhờ chuyển đổi sang trồng rau và cây dược liệu. Hiện nay, tổ 3 có khoảng 30 hộ liên kết với Công ty Cổ phần Traphaco trồng atiso, có thu nhập ổn định. Tiêu biểu như các ông: Má A Thào, Má A Phổng, Má A Lồng, Thào A Giống, Thào A Thái…
Thăm các mô hình sản xuất trên địa bàn phường Hàm Rồng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi vùng đất này đã và đang thu hút một số doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nổi bật là sản xuất nấm hương xuất khẩu và trồng dâu tây phục vụ du khách.
Anh Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hà Lâm Phong cho hay: Năm 2023, công ty sản xuất được 180 tấn nấm hương, tăng 30 tấn so với năm trước, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, thu hơn 16 tỷ đồng. Hiện nay, công ty duy trì sản xuất nấm hương quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 20 - 25 lao động địa phương, với thu nhập từ 5 -10 triệu đồng/người/tháng.
Tách ra từ xã Sa Pả còn vô vàn khó khăn, đến nay phường Hàm Rồng trở thành vựa rau xanh lớn nhất thị xã Sa Pa. Năm 2023, bà con thu hoạch 1.670 tấn rau, hơn 100 tấn quả, gần 16.800 chậu hoa địa lan. Bà con còn trồng atiso, hoa ly, dâu tây, nấm hương… Tổng doanh thu từ sản xuất các loại rau, hoa, dược liệu đạt trên 50 tỷ đồng. Đối với một phường vùng cao có xuất phát điểm thấp, cơ bản thuần nông, với đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đó là nguồn thu không nhỏ.
Theo ông Giàng A Sàng, Bí thư Đảng ủy phường Hàm Rồng, sự đổi thay của vùng đất dưới chân núi Hàm Rồng không phải là chuyện một sớm, một chiều, mà đó là cả câu chuyện dài. Ông Sàng nhớ lại: Thời điểm năm 2000, xã Sa Pả thực hiện chủ trương vận động người dân chuyển từ cấy lúa địa phương năng suất thấp sang giống lúa lai cho năng suất cao nhưng phải 10 năm sau thì xã mới vận động được 100% hộ cấy lúa lai.
Đối với cây rau, cán bộ xã mất rất nhiều công sức tuyên truyền, đến năm 2011, một số hộ bắt đầu trồng rau trái vụ. Từ năm 2015 đến nay, nhận thấy lợi ích kinh tế của việc trồng rau trái vụ nên bà con thi đua sản xuất, xã không cần vận động nhiều nữa. Giờ đây, bà con còn tự học hỏi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đưa nhiều loại giống rau, hoa mới vào trồng để thu nhập cao hơn. Năm 2023, phường Hàm Rồng giảm được 54 hộ nghèo.
Trong câu chuyện với chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường Hàm Rồng phấn khởi trước diện mạo vùng đất này, nhưng vẫn còn không ít trăn trở. Hàm Rồng đang đổi thay mạnh mẽ, nhưng vẫn còn 165 hộ nghèo. Ngoài ra, tiến trình đô thị hóa diễn ra sôi động, cùng với mở ra cơ hội phát triển mới thì cũng đặt ra những khó khăn trong quản lý đất đai, xây dựng.
Phường Hàm Rồng hiện có 11 dự án quy hoạch. Chưa năm nào phường phải xử lý tới 34 vụ vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng; tháo dỡ nhiều công trình vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính trên 400 triệu đồng. Khó khăn là vậy, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Hàm Rồng đang chung tay đoàn kết, quyết tâm viết lên câu chuyện cổ tích mới trên vùng đất nhiều huyền thoại.
Trình bày: Hoàng Thu