Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
“Ì ạch” thi công Tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành - Ngòi Phát

“Ì ạch” thi công Tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành - Ngòi Phát

Sau hơn 1 năm triển khai, khối lượng thi công các gói thầu đạt thấp, thậm chí tiến độ được đánh giá là chậm bởi mặt bằng thi công “đụng đâu vướng đấy”. Tại một số gói thầu, thiết bị, máy móc thi công đã dừng hoạt động trong thời gian dài; một số nhà thầu phải đề nghị chủ đầu tư xem xét cho gia hạn tiến độ thi công. Đó là tình cảnh chung mà các nhà thầu thi công Dự án nâng cấp Tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành - Ngòi Phát đang gặp phải.

“Ì ạch” thi công

Khởi công tháng 3/2022, tính đến trung tuần tháng 7/2023, giá trị khối lượng thi công các gói thầu dự án thành phần 2: Nâng cấp Tỉnh lộ 156 (Kim Thành - Ngòi Phát) đoạn từ cầu Quang Kim đến nút giao với đường BV32 và BV28 và san gạt mặt bằng hai bên đường với chiều sâu 50 m thuộc Dự án cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối do Ban Quản lý Dự án ODA và Đầu tư xây dựng tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư mới đạt 120,18/406,3 tỷ đồng, đạt 29,6% tổng giá trị hợp đồng. Theo đánh giá của chủ đầu tư, tiến độ triển khai các gói thầu rất chậm do không có mặt bằng để thi công, trong đó gói thầu số 8 và gói thầu số 9 đã tạm dừng thi công.

Thực tế tại gói thầu số 8, không khó nhận thấy máy móc, thiết bị đã dừng thi công từ nhiều ngày. Ông Lê Duy Tùng, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi cho biết: Từ tháng 2/2022, công ty đã tập trung máy móc, thiết bị và nhân lực để tổ chức thi công gói thầu. Đến nay, giá trị khối lượng thi công gói thầu do công ty đảm nhận mới đạt 4,3/115 tỷ đồng, đạt 3,7% tổng giá trị hợp đồng. Điều đáng nói, giá trị khối lượng đào đắp chỉ đạt 700 triệu đồng, còn lại là đúc cấu kiện bê tông.

z4540333115167_c65c654425b0627c58af37146bc057b3.jpg
Máy móc "nằm chờ" do không có mặt bằng thi công.

Qua chia sẻ của ông Tùng, dù đã hơn 1 năm triển khai thi công nhưng thực tế, nhà thầu chỉ có 15 ngày đào đắp, với khối lượng 30.000 m3 đất, đá trên tổng số khối lượng đào đắp hơn 1 triệu m3. Nhà thầu có thể thi công phần đào đất, đá nhưng do mặt bằng vị trí đổ thải và vị trí đắp chưa có nên đào ra không biết đổ đi đâu. Thành ra, nhà thầu cứ phải “ăn chực nằm chờ” để đợi mặt bằng; 20 đầu máy móc, thiết bị thì có tới quá nửa phải dừng hoạt động, số còn lại chuyển đến công trình khác.

Đối với gói thầu số 09 (thi công xây dựng hạng mục cầu Bản Qua) do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Đông Hưng thực hiện đã hoàn thành cơ bản phần cầu (khối lượng hoàn thành đạt 91,6%), chỉ còn hạng mục đường đầu cầu và thảm bê tông mặt cầu. Tuy nhiên, do không có mặt bằng tại vị trí hai mố cầu, nhà thầu buộc tạm dừng thi công. Thậm chí, ngày 28/3/2023, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Đông Hưng đã phải làm văn bản số 204/KTKH-ĐH về việc đề nghị Ban Quản lý Dự án ODA và Đầu tư xây dựng tỉnh Lào Cai xem xét cho nhà thầu được gia hạn thời gian hoàn thành hợp đồng do hiện nay vẫn còn một số vị trí chưa được bàn giao mặt bằng để đơn vị triển khai thi công.

z4540333109927_32fafddf0549eab66ea300bff7c88f59.jpg
Tiến độ thi công "ì ạch" do vướng mặt bằng.

Được đánh giá là gói thầu có nhiều mặt bằng để thi công hơn cả, tuy nhiên giá trị khối lượng gói thầu số 6 (thi công xây dựng hạng mục tuyến đường đoạn từ Km0+00 đến Km2+00, điện chiếu sáng và di chuyển đường điện) thực hiện đạt khoảng 50,8/127,2 tỷ đồng (đạt 39,9%). Ông Trần Xuân Lập, cán bộ kỹ thuật Công ty Đầu tư xây dựng Đức Tuấn cho biết: Với hơn 1 năm thi công, giá trị khối lượng đạt được của dự án là quá thấp, chậm so với tiến độ đề ra. Nguyên nhân không phải do thời tiết bất thuận, năng lực nhà thầu mà do mặt bằng thi công quá vướng mắc. Nếu có mặt bằng “sạch” thì tới thời điểm này, nhà thầu có thể hoàn thành được 80% khối lượng thi công.

Những vướng mắc về mặt bằng đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các gói thầu, cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thậm chí còn làm tăng chi phí thi công của nhà thầu. Ông Lưu Thái Toàn, Trưởng Phòng Quản lý Dự án 1 (Ban Quản lý Dự án ODA và Đầu tư xây dựng tỉnh Lào Cai) cho biết: Đây là dự án trọng điểm, dù với sự tham gia thi công của các nhà thầu có năng lực, điều kiện thời tiết thuận lợi nhưng tiến độ và giá trị khối lượng hoàn thành không đạt yêu cầu đề ra, bởi mặt bằng thi công vướng mắc quá nhiều.

Chung “cảnh ngộ” với các gói thầu do Ban Quản lý Dự án ODA và Đầu tư xây dựng tỉnh Lào Cai, gói thầu số 10 (tuyến Tỉnh lộ 156 và đường BV21) do Sở Giao thông vận tải và Xây dựng làm chủ đầu tư, hiện nhà thầu đã tạm dừng thi công do không có mặt bằng. Ông Bùi Sỹ Trọng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức cho biết: Giá trị xây lắp của gói thầu đạt 18,2 tỷ đồng/87,7 tỷ đồng (21%), tuy nhiên chủ yếu là khối lượng thi công cấu kiện đúc sẵn, còn khối lượng đào đắp nền đường mới được 600/3.600 m. Dù mặt bằng giải phóng theo kiểu “xôi đỗ” nhưng có tới đâu, nhà thầu thi công tới đó. Đến thời điểm này, những vị trí có mặt bằng đều đã tổ chức thi công, hiện không còn mặt bằng để thi công tiếp nên nhà thầu phải tạm dừng.

Theo tổng hợp của đơn vị chức năng, Dự án thành phần 1: Xây dựng cầu biên giới qua sông Hồng; nâng cấp Tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành - Ngòi Phát đoạn từ nút giao đường BV32 và BV28 đến giao với đường BV19, hạng mục cải tạo, nâng cấp nút giao Bình Minh (IC18) thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối do Sở Giao thông vận tải và Xây dựng làm chủ đầu tư, giá trị khối lượng thực hiện đến nay khoảng 103 tỷ đồng/670 tỷ đồng (đạt 15,37%). Riêng hai gói thầu số 9 và số 10 (nâng cấp Tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành - Ngòi Phát đoạn từ nút giao với đường BV32 và BV28 đến giao với đường BV19), tổng giá trị thực hiện phần xây lắp khoảng 51,2 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị thực hiện gói thầu số 9 khoảng 32,5 tỷ đồng/113,19 tỷ đồng, đạt 28% tổng giá trị hợp đồng; gói thầu số 10 khoảng 18,2 tỷ đồng/87,763 tỷ đồng, đạt 21% giá trị hợp đồng.

z4540733410706_933065b56f5979bdc456f04eaf7f3057.jpg
Do không có mặt bằng để thi công đào đắp nên nhà thầu tập trung đúc cấu kiện.

Trong văn bản số 2108/SGTVTXD-KHTC ngày 23/6/2023 gửi UBND tỉnh, chủ đầu tư nêu rõ: Công trình đã chậm tiến độ so với với yêu cầu. Khối lượng công việc còn lại chưa thi công do vướng mặt bằng có tổng giá trị còn lại gói thầu số 9 là 79,69/113,19 tỷ đồng; gói thầu số 10 là 69,56/87,76 tỷ đồng. Nguyên nhân là do khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, công trình đi qua đất của nhiều doanh nghiệp, còn nhiều hộ dân chưa hợp tác do liên quan đến chế độ, chính sách và diện tích thu hồi giai đoạn trước nên mới chỉ bàn giao được một phần mặt bằng cho các nhà thầu triển khai thi công. Chính vì vậy, Sở Giao thông vận tải và Xây dựng đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép gia hạn thời gian thực hiện gói thầu số 9 và gói thầu số 10 của dự án thành phần 1: Xây dựng cầu biên giới qua sông Hồng; nâng cấp Tỉnh lộ 156 (Kim Thành - Ngòi Phát) đoạn từ nút giao với đường BV32 và BV28 đến giao với đường BV19 thuộc Dự án cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối (dự kiến hoàn thành ngày 17/06/2023) đến hết ngày 17/6/2024 để tạo điều kiện cho nhà thầu triển khai thi công các hạng mục còn lại của công trình.

Khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Như đã nói ở trên, tiến độ thi công các gói thầu bị chậm là do những khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng. Đối với dự án cho Ban Quản lý Dự án ODA và Đầu tư xây dựng tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư, tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng của công trình khoảng 110,8 ha; số hộ bồi thường khoảng 183 hộ gia đình và 6 tổ chức; tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 218 tỷ đồng. Hiện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được 82 hộ và 2 tổ chức (đạt 44,4%); tổng diện tích thu hồi là 21,59 ha, tổng số kinh phí 31 tỷ đồng (trong đó đã chi trả tiền 60 hộ, 2 tổ chức với diện tích 16,06 ha, số tiền đã nhận 19 tỷ đồng; số hộ chưa nhận tiền bồi thường là 22 hộ, diện tích 5,53 ha, số tiền 12 tỷ đồng).

Số hộ bố trí tái định cư là 71 hộ (33 hộ chính chủ; 23 hộ phát sinh và 15 hộ giao đất có thu tiền sử dụng đất). Đến nay đã thực hiện xét duyệt và tổ chức bốc thăm tái định cư được 38 hộ (chính chủ 18 hộ; phát sinh 15 hộ; giao đất có thu tiền 5 hộ). UBND huyện Bát Xát đã ban hành Quyết định phê duyệt tái định cư cho 8 hộ (chính chủ 5 hộ; phát sinh 2 hộ; giao đất có thu tiền 1 hộ).

z4540332818016_2060307631ba8c6a5b468bbc4ac8d8b8.jpg
Nhiều vị trí chưa thể giải phóng mặt bằng để thi công.

Đối với dự án do Sở Giao thông vận tải và Xây dựng làm chủ đầu tư, tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng của công trình 37,47 ha, số hộ bồi thường khoảng 144 hộ gia đình và 7 tổ chức; tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 22,9 tỷ đồng. Hiện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 60 hộ, tổng diện tích thu hồi 4,11 ha, với tổng kinh phí bồi thường 5,49 tỷ đồng (trong đó đã chi trả tiền 37 hộ, với diện tích 2,3 ha, số tiền đã nhận 3,342 tỷ đồng; số hộ chưa nhận 23 hộ, diện tích 1,81 ha, số tiền 2,147 tỷ đồng). Số hộ bố trí tái định cư là 8 hộ (đều là hộ chính chủ). Đến nay đã thực hiện xét duyệt tái định cư 4 hộ và tổ chức bốc thăm tái định cư được 3 hộ (đều là hộ chính chủ).

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do nhiều nguyên nhân. Đó là, công tác giải phóng mặt bằng Tỉnh lộ 156 giai đoạn trước thực hiện thủ công, không có tọa độ và trong quá trình sử dụng các hộ dân tái lấn chiếm làm mất đi ranh giới đã thu hồi. Chủ đầu tư đã phối hợp với các bên có liên quan tuyên truyền, vận động, tổ chức đối thoại với người dân nhưng chưa đạt kết quả, do chưa khai thác được toàn bộ hồ sơ pháp lý của các hộ dân bị thu hồi và việc dựng hình ngoài thực địa rất khó xác định ranh giới thửa đất đã thu hồi.

Liên quan đến quỹ đất 5% của UBND các xã đang quản lý, do hồ sơ lưu trữ về việc quản lý đất 5% không đầy đủ nên các hộ dân đang khai thác sử dụng trên diện tích đất này không đồng ý trả lại cho Nhà nước (theo quy định đất 5% không phải thu hồi và không được đền bù). Chủ đầu tư đã tích cực làm việc với UBND các xã để xác định lại đây là đất 5% hay đất của dân nhưng còn khó khăn do phải tập hợp các hồ sơ pháp lý.

Liên quan đến tái định cư, việc xác định đối tượng đủ điều kiện tái định cư (cả các hộ chính chủ và hộ phát sinh) rất khó vì liên quan đến nhiều yếu tố để xét và phải xác minh rất nhiều nội dung. Các hộ phát sinh (hộ giao đất có thu tiền) có ý kiến về giá đất tại khu tái định cư cao so với thu nhập của người dân nên nhiều hộ không có tiền nộp thuế để nhận đất.

Đối với các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm khác, đất trồng cây lâu năm… sang đất nuôi thủy sản (khối lượng đào ao trên đất không phù hợp với mục đích sử dụng đất) cần các cơ quan chuyên môn hướng dẫn để áp dụng chính sách hỗ trợ cho người dân.

Thời gian qua, chủ đầu tư cùng với nhà thầu thi công đã tích cực, chủ động phối hợp với UBND huyện Bát Xát cùng các đơn vị liên quan triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tuy nhiên có nhiều khó khăn, vướng mắc đang cần phải có những giải pháp căn cơ để tiến độ thi công dự án trọng điểm này sẽ không còn “ì ạch”.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Giá trị mới từ phụ phẩm lâm nghiệp

Giá trị mới từ phụ phẩm lâm nghiệp

Tại huyện Bảo Yên, những phụ phẩm lâm nghiệp như vỏ cây, cành, ngọn, mùn cưa, ván vụn… vốn bị xem là rác thải, nay đang được “hồi sinh” thành viên nén sinh học, một sản phẩm có giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xử lý chất thải trong ngành chế biến lâm sản mà còn tạo việc làm cho người dân địa phương.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Sau 10 năm vận hành vẫn thiếu đường gom dân sinh

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Sau 10 năm vận hành vẫn thiếu đường gom dân sinh

Sau hơn một thập niên đưa vào vận hành, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn còn những “khoảng trống” về hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường gom dân sinh. Vì thiếu đường gom dân sinh nên nhiều hộ dân sống ven tuyến đường đoạn qua tỉnh Lào Cai hằng ngày đang phải bất đắc dĩ vượt qua các lối mở tạm, đi chung với xe tải, xe container chạy tốc độ cao. Những kiến nghị kéo dài nhiều năm của người dân và chính quyền địa phương vẫn chưa nhận được hồi đáp thỏa đáng từ phía chủ đầu tư. 

Họp bàn Kế hoạch tổng thể tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 25

Họp bàn Kế hoạch tổng thể tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 25

Sáng 04/6, UBND tỉnh tổ chức họp bàn Kế hoạch tổng thể tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 25 năm 2025. Đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.

[Ảnh] Cuộc họp trong đêm và lời hứa giúp người dân có cuộc sống tốt hơn

[Ảnh] Cuộc họp trong đêm và lời hứa giúp người dân có cuộc sống tốt hơn

Mặc dù không nằm trên hướng tuyến dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua, huyện Bát Xát vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các khu tái định cư phục vụ cho việc di chuyển các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nằm trong hành lang tuyến dự án trọng điểm này. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo sự thành công của dự án, đồng thời ổn định đời sống cho người dân bị ảnh hưởng.

[Ảnh] Mỗi ngày - nghìn tấn phôi thép ra lò

[Ảnh] Mỗi ngày - nghìn tấn phôi thép ra lò

Sau thời gian dài dừng hoạt động, đến nay Nhà máy Gang thép Lào Cai đang vận hành ổn định, mỗi ngày cho ra lò khoảng 1.200 tấn phôi thép, đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 1.000 lao động.

Dưới đây là một số hình ảnh sản xuất tại Nhà máy Gang thép Lào Cai.

[Ảnh] Ngược dốc đếm cây giải phóng mặt bằng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

[Ảnh] Ngược dốc đếm cây giải phóng mặt bằng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Những ngày qua, xã Tân An (huyện Văn Bàn) đã huy động đội ngũ cán bộ, công chức xã phối hợp với các tổ giải phóng mặt bằng của huyện gấp rút thống kê, đo đếm đất đai, nhà cửa, tài sản của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

fb yt zl tw