“Hồi ức lính” - chiến tranh không phải trò đùa

LCĐT - Cuốn sách mới của Vũ Công Chiến mang đến cái nhìn chân thực về chiến trường khốc liệt, cũng là nén nhang tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

“Hồi ức lính” ra mắt đúng dịp 30/4 - kỷ niệm 41 năm thống nhất đất nước. “Hồi ức lính” dài hơn 700 trang, hoàn toàn viết bằng ký ức và trải nghiệm trong 6 năm ở chiến trường của tác giả Vũ Công Chiến. Tác giả nhập ngũ tháng 9/1971, là bộ đội Trường Sơn chiến đấu tại chiến trường Nam Lào và Mặt trận B3 Tây Nguyên, Đắk Lắk. Sách kể lại cuộc đời lính theo thời gian tuyến tính, từ khi quyết định rời nhà trường đến những ngày hành quân ở Trường Sơn, từ trận chiến đầu tiên ở chiến trường Nam Lào tới nhiều trận đánh ác liệt khác, những lần bổ sung quân, chuyển hậu cứ mới... Chiến trường không chỉ có cầm súng đánh nhau. Cuộc sống của họ dịch chuyển cùng những lần hành quân mới, những không gian mới, từ mùa mưa trên cao nguyên Bô-lô-ven tới Tết cuối cùng ở Nam Lào, tác chiến mùa mưa ở B3...

Tác giả Vũ Công Chiến kể lại cả những trò tinh quái của đám lính chiến, vụ đào ngũ tập thể ở đại đội... cả nỗi yếu đuối của đứa con ra đi mang theo lời mẹ dặn vì Tổ quốc, nhưng đừng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, mà hãy cố gắng sống trở về. Sách in bài thơ của Vũ Công Chiến viết cho mẹ từ chiến trường Nam Lào khói lửa, trong cuốn sổ ông cất ở đáy ba lô và gìn giữ trong suốt những chặng hành quân. Đó là ước mong giản dị:

“Đường chinh chiến con đi còn vô tận

Biết đến bao giờ gặp được mẹ, cha

Được sống yên vui ở chốn quê nhà

Một cuộc đời bình thường chân chính nhất

Ôi năm tháng vần xoay quanh Trái đất

Có thấu chăng khát vọng của lòng con

Muốn chắp cánh bay vượt khắp núi non

Về quỳ xuống chân mẹ hiền yêu dấu”

Là người lính can trường, nhưng Vũ Công Chiến cũng là một con người yêu văn thơ, nhạy cảm với cuộc sống. Tác giả viết với giọng văn chân thật, giản dị, nhưng đầy sống động. Qua đó, cuộc sống chiến trường, hình ảnh người lính hiện lên một cách chân thực, đời thường và con người nhất. Nhà văn Bảo Ninh chia sẻ trong một bài viết rằng, ai muốn viết sách, làm phim về chiến tranh thì phải đọc “Hồi ức lính”, để hiểu từ cách ăn, cách mặc, cách nói chuyện, cầm súng cho đến tinh thần của họ. Tác phẩm được đánh giá như kho tư liệu đầy giá trị cho lịch sử, văn học, điện ảnh... Ở đó, không có sự màu mè, ở đó đúng là cuộc sống người lính như vốn dĩ. Tác giả bảo, ông viết để nhiều người thấy rằng không phải cứ lính chiến trở về là “lính bàn giấy” mà họ đã sống thật, chiến đấu thật và để một phần tuổi trẻ có thật của họ lại chiến trường.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Khánh Thơ viết trong lời giới thiệu: “Và chiến tranh không phải trò đùa. Cuộc chiến thật sự bắt đầu. Đâu phải chỉ bom rơi đạn nổ. Rồi trận đánh đầu tiên, những hy sinh mất mát đầu tiên. Đói rét, bệnh tật. Sự thức tỉnh cay đắng khi nhận ra giới hạn trong bản thân mình và người chung quanh. Họ có thể là đồng đội, là cấp trên và có khi trong cả người lính ở chiến tuyến bên kia. Những hoang mang, thất vọng. Những âm mưu, toan tính”. Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ đánh giá tác phẩm tự nhiên như dòng ý thức, không có ngày tháng mà chỉ còn dòng chảy với những câu chuyện sống động, rất thực.

Nhà phê bình Ngô Thảo cho rằng, Vũ Công Chiến là “người hiện ra trong giấc mơ của lính”: Khi đất nước cần thì ra trận, khi trở về sống cuộc sống hạnh phúc và kể lại câu chuyện đời mình…

Sách bao gồm phần vĩ thanh sau chiến tranh là câu chuyện của tác giả khi trở lại thời bình. Ông tiếp tục theo học Đại học Bách khoa, ngành Điện tử, sau đó về công tác tại Viện Khoa học Việt Nam. Vũ Công Chiến gặp người phụ nữ ông yêu thương và có cuộc sống hạnh phúc cho tới hiện tại.

“Nếu như thời gian có quay ngược trở lại, tôi vẫn xin được khoác áo lính, cầm súng vượt Trường Sơn đi đánh giặc. Để rồi, cuối cùng nếu còn sống trở về, được lấy lại người vợ của mình bây giờ làm vợ”, Vũ Công Chiến viết.

fb yt zl tw