Chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh; Sở Tư pháp và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; Cục Thi hành án dân sự tỉnh; lãnh đạo Phòng Tư pháp một số địa phương.
Năm 2024, Bộ, ngành tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bám sát mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của từng địa phương. Việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra; công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục có nhiều đổi mới, hiệu quả cao hơn.
Từ số liệu thống kê cho thấy kết quả công tác năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực và từng bước có nhiều đổi mới. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện kịp thời, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả.
Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ và 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và thông qua 28 luật tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XV.
Các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 832 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương đã ban hành 4.832 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, 2.144 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện và 2.629 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã.
Năm 2024, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 6.099 văn bản quy phạm pháp luật. Riêng tại Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.040 văn bản. Các địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 5.195 văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp đạt nhiều kết quả ấn tượng. Công tác xây dựng ngành, kiện toàn tổ chức, bộ máy được triển khai quyết liệt; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp được quan tâm, chú trọng… Những kết quả nêu trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Tiếp đó, hội nghị nghe đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp quán triệt Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp.
Hội nghị dành thời gian để các đại biểu tham luận, phát biểu ý kiến, làm rõ hơn những kết quả đạt được và nêu đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, làm tốt hơn nữa công tác tư pháp trong thời gian tới.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh: Bộ Tư pháp cần kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành tư pháp, đặc biệt là công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp.
Cùng với đó, tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ, ngành tư pháp bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với quy định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật gắn với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội, Chính phủ giao. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực của ngành theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra.
Đối với tỉnh Lào Cai, năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh. Cơ quan tư pháp đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp; tổ chức thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực công tác tư pháp.
Năm 2024, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai ban hành 19 nghị quyết, 42 quyết định. Các văn bản đều thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị định hướng dẫn. Tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện tham gia ý kiến đối với 147/159 dự thảo văn bản do các cơ quan ở Trung ương và địa phương chủ trì soạn thảo; thẩm định 5 đề nghị xây dựng nghị quyết, 92 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Công tác tham gia ý kiến, thẩm định đảm bảo thời gian, trình tự, bám sát các quy định của pháp luật.
Công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật luôn được chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ theo quy định. Công tác quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã thực hiện tốt, giải quyết nhiều vụ việc khó, phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp tiếp tục được tăng cường, kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đã tổ chức các hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng. Công tác trợ giúp pháp lý đạt kết quả tốt.