Hơn 90 quốc gia, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, đã gửi đại diện cấp cao tới hội nghị kéo dài hai ngày tại Seoul. Đây mới là lần thứ hai sự kiện này được tổ chức.
Tại hội nghị đầu tiên được tổ chức ở Amsterdam năm ngoái, Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác đã ủng hộ một "lời kêu gọi hành động", nhưng không có cam kết pháp lý.
“Mục tiêu của hội nghị lần này là tạo ra một kế hoạch hành động, thiết lập một mức độ tối thiểu về các rào cản đối với việc sử dụng AI trong quân sự và đề xuất các nguyên tắc sử dụng AI một cách có trách nhiệm trong lĩnh vực này”, một quan chức Hàn Quốc cho biết.
“Đã có các nguyên tắc do NATO, Mỹ hay nhiều quốc gia khác đặt ra, vì vậy chúng tôi cố gắng tìm ra các điểm chung và phản ánh điều đó trong tài liệu này”, quan chức này nói thêm.
Chưa rõ có bao nhiêu quốc gia tham dự hội nghị sẽ ủng hộ tài liệu này vào thứ Ba, nhưng đây là một nỗ lực chi tiết hơn để đặt ra các giới hạn cho việc sử dụng AI trong quân sự, mặc dù vẫn có thể thiếu các cam kết pháp lý.
Hội nghị này không phải là cuộc thảo luận quốc tế duy nhất về việc sử dụng AI trong quân sự.
Các quốc gia thành viên Công ước Vũ khí Thông thường của Liên hợp quốc (CCW) năm 1983 đang thảo luận về sự cần thiết của việc có các hạn chế tiềm năng đối với các hệ thống vũ khí tự động sát thương, với mục tiêu tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
Chính phủ Mỹ cũng đã đưa ra một tuyên bố về việc sử dụng AI có trách nhiệm trong quân sự vào năm ngoái, bao trùm các ứng dụng quân sự rộng hơn của AI, vượt ra ngoài phạm vi vũ khí. Tính đến tháng 8, đã có 55 quốc gia ủng hộ tuyên bố này.
Hội nghị tại Seoul, được đồng tổ chức bởi Hà Lan, Singapore, Kenya và Vương quốc Anh, đang thúc đẩy đảm bảo tiếp tục có các cuộc thảo luận đa phương trong một lĩnh vực đang phát triển quá nóng và có thể vượt ra ngoài tầm kiểm này.
Khoảng 2.000 người đã đăng ký tham gia hội nghị, bao gồm đại diện từ các tổ chức quốc tế, giới học thuật và khu vực tư nhân, để cùng thảo luận về các chủ đề như bảo vệ dân thường và sử dụng AI trong kiểm soát vũ khí hạt nhân.