Để triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Tỉnh đã rà soát, xây dựng, ban hành các kế hoạch thực hiện từng chương trình cho cả giai đoạn và năm 2023; rà soát các quy định, hướng dẫn của Trung ương để ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách ở địa phương, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại cơ sở. Vì vậy, Lào Cai luôn được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về việc chủ động triển khai, sớm ban hành điều chỉnh các cơ chế, chính sách, văn bản quy định quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nổi bật là tỉnh đã chỉ đạo rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, ban quản lý xã, ban phát triển thôn; sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp, quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp huyện, xã; điều chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án thuộc chương trình nhằm giảm áp lực cho người dân trong tham gia đóng góp thực hiện chương trình; rà soát, lập điều chỉnh kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; quy định một số nội dung về cơ chế thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, triển khai kịp thời Nghị định 38 ngày 24/6/2023 và Nghị định 27 ngày 19/4/2022 của Chính phủ...
Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh và có nhiều đổi mới, sáng tạo; phong trào thi đua thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 tiếp tục được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể triển khai hiệu quả và thu hút người dân tích cực hưởng ứng.
Mặc dù là năm thứ 2 chính thức được giao vốn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong điều kiện các quy định pháp lý, văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa đầy đủ, tình hình phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn nhưng hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch giao.
Tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt 4,43%, bằng 110,75% kế hoạch giao, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 7,7%, bằng 128% kế hoạch tỉnh và Trung ương giao (Bắc Hà giảm 9,17%; Si Ma Cai giảm 7,35%; Mường Khương giảm 6,56%; Bát Xát giảm 6,82%); tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 7,67%, đạt 116,21% so với mục tiêu tỉnh giao và 127,76% so với mục tiêu Trung ương giao.
Toàn tỉnh có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới; công nhận thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng), lũy kế toàn tỉnh có 5 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; bình quân đạt 12,02 tiêu chí/xã (năm 2022 là 10,48 tiêu chí/xã).
Trong năm 2023, các huyện, thị xã, thành phố công nhận thêm 35 thôn nông thôn mới và 27 thôn kiểu mẫu, lũy kế toàn tỉnh có 252 thôn được công nhận “Thôn nông thôn mới” và 204 thôn được công nhận “Thôn kiểu mẫu”; thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2023 đạt 39,82 triệu đồng/người, tăng 6,38 triệu đồng/người so với năm 2022.
Trong năm đã đầu tư 645 công trình thiết yếu cấp xã, trong đó khởi công mới 111 công trình; hoàn thành đưa vào sử dụng 161 công trình; toàn tỉnh đã làm được 1.113 km đường giao thông nông thôn. Hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.421 nhà ở (trong đó xây mới 858 nhà, sửa chữa 553 nhà); hoàn thành đầu tư 112 phòng học, 64 phòng bộ môn, 21 phòng công vụ giáo viên...; công tác duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn đảm bảo yêu cầu, trong đó ngân sách tỉnh đối ứng bố trí 554 tỷ đồng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023. Công tác giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương được đẩy mạnh, đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được gần 1.200 tỷ đồng, bằng 60,26% kế hoạch Trung ương giao, trong đó vốn đầu tư giải ngân gần 90% theo kế hoạch vốn Trung ương giao (xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố), ước thực hiện đến hết ngày 31/1/2024 đạt 95,8% kế hoạch, đạt chỉ tiêu Trung ương giao (95%).
Nói về hiệu quả thực hiện 3 chương trình MTQG, ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho rằng, các chương trình, chính sách hỗ trợ triển khai đồng bộ, đáp ứng được về cơ sở vật chất, đời sống dân sinh, tạo điều kiện để Nhân dân các xã vùng sâu, vùng cao vươn lên. Nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, cũng như cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế và đời sống tinh thần; “kéo gần” khoảng cách phát triển đối với các địa phương vùng thấp.
Tại Bắc Hà, địa phương đạt kết quả cao trong công tác giảm nghèo năm 2023 (tỷ lệ giảm nghèo đạt 9,17%), ông Lê Văn Khiêm, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho rằng, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản; góp phần xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động gắn với nhu cầu thị trường, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện; giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Để triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024, Lào Cai xác định tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp chủ yếu. Đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động theo hướng đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, đi vào chiều sâu. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm.
Nghiên cứu triển khai cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025 theo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Quốc hội đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh. Tiếp tục rà soát, đánh giá những khó khăn trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề xuất các các giải pháp tháo gỡ.
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024. Triển khai hiệu quả các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần của từng chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng ưu tiên các nguồn lực cho các xã, thôn phấn đấu thoát diện đặc biệt khó khăn. Tổ chức phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của người dân, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
Khơi dậy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực thúc đẩy cán bộ, đảng viên, Nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội chung sức, đồng lòng thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với mỗi cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc, nhằm khích lệ, tạo sức lan tỏa trong xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo động lực thúc đẩy thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng.