Khu vực giáp ranh giữa tỉnh Lào Cai với các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang gồm 16 huyện, 81 xã với tổng diện tích rừng tự nhiên hơn 535.912 ha, diện tích đất có rừng hơn 340.918 ha, độ che phủ trên 63,61%.
Tổng diện tích vùng giáp ranh của tỉnh Lào Cai với các tỉnh là hơn 209.480 ha; diện tích đất có rừng khu vực giáp ranh là 143.126 ha, thuộc địa bàn 6 huyện, thị xã (Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa); phần lớn diện tích là rừng giàu, có nhiều loài cây gỗ quý như pơ mu, dổi, sến, táu mật…
Không những thế, đây đều là những khu rừng có tính đa dạng sinh học cao, lưu trữ nhiều nguồn gen quý, hiếm cần đặc biệt quan tâm bảo vệ, như vân sam Phan Si Păng, thiết sam, pơ mu, thích tím, vượn đen tuyền, cầy vằn bắc, gà lôi tía, gà lôi trắng, chim trèo cây lưng đen, cá cóc Tam Đảo, cóc răng, cóc mày… Đặc biệt, trong khu vực có loài cây bách tán Đài Loan được ghi nhận có phân bố duy nhất tại huyện Văn Bàn.
Huyện Văn Bàn có 7 xã giáp ranh với các huyện: Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu) và Văn Yên, Mù Cang Chải (Yên Bái), tổng chiều dài khoảng 115 km. Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực giáp ranh, hằng năm, các huyện ký kết và thực hiện quy chế phối hợp tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm quy định về bảo vệ rừng.
Ông Lự Văn Viết, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: Hằng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai các hoạt động phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền lưu động để người dân hiểu và có ý thức bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong năm 2023, các xã giáp ranh đã thực hiện 105 buổi tuyên truyền với 3.110 lượt người tham gia; tổ chức cho 10 thôn, bản với 518 hộ ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Trên thực tế, việc bảo vệ rừng khu vực giáp ranh gặp nhiều khó khăn do địa hình chia cắt phức tạp, giao thông không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao; đây là nơi tập trung sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và phụ thuộc vào rừng; các hoạt động xâm canh, trồng thảo quả dưới tán rừng luôn là nguy cơ tiềm ẩn gây cháy rừng, phá rừng và tổn thất đa dạng sinh học...
Để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, bảo vệ tốt diện tích rừng giáp ranh, hằng năm,Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai đã phối hợp với đơn vị đồng cấp của 3 tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế ký kết; xây dựng kế hoạch phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh. Các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh thường xuyên tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo triển khai tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Vận động người dân ký cam kết bảo vệ rừng; không xâm canh, xâm cư trái phép; không khai thác, chặt phá rừng; không săn bắt, bẫy bắt động vật rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; không mở rộng diện tích trồng cây thảo quả trong khu rừng đặc dụng.
Trong năm 2023, tại địa bàn khu vực giáp ranh, tỉnh Lào Cai đã tổ chức 396 buổi tuyên truyền tại thôn, bản với hơn 21 nghìn lượt người tham gia; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại 113 thôn, bản với 1.783 hộ tham gia; in ấn, cấp phát hơn 2,5 nghìn tờ rơi, áp phích tuyên truyền đến các thôn, bản vùng giáp ranh.
Công tác phối hợp quản lý, tuần tra, kiểm tra, trao đổi thông tin và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng được duy trì thường xuyên, đặc biệt là tại khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Lực lượng kiểm lâm các địa phương giáp ranh đã phát hiện và tham mưu xử lý 9 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 12 vụ so với 2022.