Cùng cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Thắng đến gia đình anh Đặng Thành Công (thôn Cốc Né, thị trấn Nông trường Phong Hải), chúng tôi ấn tượng bởi hiệu quả từ nguồn vốn vay. Năm 2022, gia đình anh Công vay 100 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo để đầu tư phát triển sản xuất. Được sự tư vấn từ chính quyền và cán bộ tín dụng, gia đình anh dùng một phần vốn đầu tư chuồng trại kiên cố để nuôi lợn, xây hầm biogas, số còn lại mua cá giống về thả và cây giống trồng rừng, tạo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) khép kín. Từ 20 con lợn thịt ban đầu, giờ đây trang trại của gia đình anh đã nâng quy mô lên 120 con lợn thịt mỗi năm và xuất bán trung bình 4 tấn cá thương phẩm, lợi nhuận đạt khoảng 35 - 40 triệu đồng.
Tương tự gia đình anh Công là gia đình anh Nguyễn Văn Quân, trước đây là hộ nghèo của thôn Phú Hợp 2, xã Phú Nhuận. Được cán bộ tư vấn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, anh đã vay 50 triệu đồng mở rộng diện tích rừng quế của gia đình. Sau 3 năm, cây quế đã phủ xanh toàn bộ 4 ha đất đồi rừng của gia đình, trong đó có 2 ha trồng mới. Chỉ tính nguồn thu từ tỉa cành, lá để bán đã mang về hơn 50 triệu đồng/năm.
Xã Phú Nhuận có tổng dư nợ các chương trình tín dụng lớn nhất huyện Bảo Thắng (hơn 58,9 tỷ đồng). Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho hơn 1.000 hộ của xã. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giai đoạn 2021 - 2023 giảm từ 17,51% xuống còn 8,58%; hộ cận nghèo từ 12,21% xuống còn 8,86%.
Hiện Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Thắng thực hiện cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách, tổng doanh số hơn 79.855 tỷ đồng với hơn 10.000 lượt khách hàng vay vốn. Riêng năm 2023, tổng dư nợ đạt hơn 614,2 tỷ đồng, tăng 3,829 tỷ đồng so với năm 2022, trong đó dư nợ tập trung vào các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm...
Các chương trình tín dụng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Thắng thực hiện thông qua hợp đồng ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội. Các cấp hội nhận ủy thác đã thực hiện tốt các nội dung trong hợp đồng ủy thác đã ký, như tuyên truyền, bình xét cho vay, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi gốc và lãi đến hạn... Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay bảo đảm đúng quy định, hiệu quả. Nguồn vốn vay được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng theo dự án phê duyệt. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách đạt 99,41/100 điểm; tỷ lệ thu nợ gốc đạt 99,6%; tỷ lệ thu lãi đạt 100%; chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 97,1%; tỷ lệ nợ quá hạn là 0,03%. Các hộ khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, đời sống không ngừng nâng cao.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Thắng cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, ngoài việc tư vấn, cung cấp thông tin cần thiết cho các hộ vay vốn tại điểm giao dịch, đơn vị còn phân công cán bộ tín dụng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác trực tiếp kiểm tra việc sử dụng vốn vay, phương thức đầu tư sản xuất, kinh doanh của hộ vay vốn; hướng dẫn, hỗ trợ các hộ tiếp cận các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Theo đánh giá của huyện Bảo Thắng, các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp người dân thay đổi nhận thức, giúp hộ nghèo tự tin lựa chọn mô hình phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn ưu đãi, người dân đã sử dụng hiệu quả, đầu tư đúng hướng vào chăn nuôi, trồng trọt, nuôi thủy sản, phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ…
Việc triển khai chương trình chính sách tín dụng trên địa bàn đã giúp nhiều hộ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.