Chỉ sau vài ngày nhiều người không còn nhận ra chị L. Người mẹ này đã suy sụp hẳn bởi đứa con trai duy nhất đã mất trong một TNGT. Việc thằng T, con chị L tai nạn tử vong làm nhiều người trong xóm thương xót, nhưng cũng có người chép miệng: “Rượu, bia như thằng đó không tai nạn mới là chuyện lạ!”.
Tần tảo “một nắng hai sương” nuôi con từ nhỏ, người chồng đã bỏ mẹ con chị để đến với người đàn bà khác. Không nhận được sự giáo dục của cha nên ngay còn nhỏ T đã là đứa trẻ nghịch ngợm, đam mê chơi bời bỏ học giữa chừng. Lớn lên một chút, biết lao động kiếm sống là tập tành uống rượu, bia. Mỗi khi có chút men trong người, mượn được xe máy của họ hàng, bạn bè, mọi người đều thấy T trong tình trạng “hết ga”. Trước cảnh đó, nhiều người ngán ngẩm cảnh báo: “Đi đứng như thằng này có ngày...!”
Sau một vụ tai nạn chết người, gẫy hết chân tay, tưởng T đã rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc đời. Nó đi lại nhẹ nhàng, cẩn thận hơn. Nhưng, những cảnh báo đã thành hiện thực, sau một cuộc vui cùng bạn bè, nửa đêm, đường rộng, vắng mà xe máy của T đã đâm vào một xe máy đi ngược chiều. Tai nạn đã làm cả ba người đi trên hai xe máy đều tử vong. Vụ tai nạn đã để lại nỗi đau mất mát khôn nguôi, bởi những người ra đi đều là những đứa con trai độc nhất, đang tuổi sung sức, là niềm hy vọng của gia đình.
Về tình hình TNGT có nguyên nhân là rượu, bia, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông thành phố Yên Bái Trần Văn Tuấn cho biết: Trong 7 tháng đầu năm, thành phố đã xảy ra 8 vụ TNGT làm chết 10 người, bị thương 3 người làm hư hỏng 3 ô tô, 8 mô tô và 1 xe đạp. Cùng tai nạn, địa bàn còn xảy ra hàng trăm vụ va chạm giao thông và hầu hết các vụ nguyên nhân đều là khách quan thuộc về các chủ phương tiện, trong đó có nguyên nhân chính do chủ phương tiện đã uống rượu, bia.
Rượu, bia là những ẩn họa khôn lường, bởi, theo kết quả nghiên cứu, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 – 30%. Ngoài ra, rượu, bia còn làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực. Từ ảnh hưởng của rượu, bia, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dễ bốc đồng chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích, sau đó gây ức chế não bộ làm người lái xe ngủ gật trong khi điều khiển xe. Bên cạnh đó, rượu, bia ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh tới não gây ước tính sai về khoảng cách... dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro.
Hạn chế TNGT do bia, rượu, Luật Giao thông đường bộ 2008 được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/7/2009 đã quy định nồng độ cồn là 50 mg/100 ml hoặc 0,25mg/l khí thở đối với người điều khiển mô tô xe máy và bằng 0 đối với người điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng. Tuy nhiên, do rượu, bia đã là thói quen sinh hoạt của nhiều người, cùng với việc xử lý lỗi vi phạm này chưa triệt để nên tình trạng tham gia giao thông sau khi sử dụng bia, rượu vẫn diễn ra phổ biến. Bởi vậy, bên cạnh việc tuyên truyền tác hại của bia, rượu khi tham gia giao thông; đẩy mạnh việc xử lý đối với chủ phương tiện vi phạm, hơn hết, mỗi người hãy tự ý thức chấp hành giao thông, hạn chế bia, rượu khi đã ngồi lên xe, vì TNGT có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
P.V