Công việc này được Hội Phụ nữ huyện triển khai bằng nhiều hình thức, như tổ chức ngày hội phụ nữ khởi nghiệp, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nữ, hỗ trợ vốn vay nhằm tiếp sức mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện...
Nhìn đồi cây hồng giòn xanh tốt, quả sai trĩu cành hứa hẹn vụ trái ngọt, bà Sùng Thị Phừ, thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu hồi tưởng lại mấy năm trước, nơi đây là đồi cỏ tranh, cây bụi cằn cỗi. Trong khi đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế thì bà được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện tham quan một số mô hình phát triển kinh tế của hội viên trong và ngoài huyện. Mỗi chuyến đi, được gặp gỡ, trò chuyện và tận mắt chứng kiến nghị lực vượt khó, vươn lên của các chị em, bà đã tìm được hướng đi cho gia đình. Bà bàn với chồng vay vốn ngân hàng để trồng cây ăn quả, đào cảnh trên diện tích đồi sẵn có của gia đình. Sau nhiều năm chăm chỉ lao động, khu đồi rộng gần 2 ha đất khô cằn năm xưa nay đã phủ xanh bởi cây hồng giòn, đào cảnh, trừ chi phí cho thu nhập trên 120 triệu đồng/năm.
Gắn bó với nghề dệt thổ cẩm từ lâu, bà Vàng Thị Dua, thôn Hòa Bình, xã Sán Chải chuyên thêu và may váy, áo truyền thống của dân tộc Mông phục vụ bà con trong và ngoài xã. Tuy nhiên trước đây bà chỉ làm thủ công, nhỏ lẻ, manh mún. Mấy năm gần đây, nhận thấy nhu cầu về thêu hoa văn trên các tấm khăn, chăn, đệm và địu trẻ em ngày càng cao, bà đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH huyện qua ủy thác của Hội Phụ nữ xã để mua máy thêu công nghiệp, thuê thêm người làm, mở rộng quy mô sản xuất.
Với chiếc máy thêu công nghiệp hoạt động liên tục, những sản phẩm thêu với kỹ thuật tiên tiến, hoa văn bắt mắt, theo mẫu được làm ra với số lượng lớn. Bà đã liên hệ với một số địa phương trong và ngoài huyện để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ du khách, nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện trung bình mỗi tháng gia đình sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 300 chiếc địu, 100 bộ quần áo, khăn thêu, cho doanh thu hơn 200 triệu đồng. Sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường nội huyện mà còn được khách hàng một số tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La ưa chuộng, đặt hàng.
Từ tấm gương của bà Phừ, bà Dua và sự hỗ trợ của hội phụ nữ trong việc hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi… nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Si Ma Cai đã vươn lên, đưa cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; phát triển nghề truyền thống cho thu nhập ổn định.
Hội Phụ nữ huyện Si Ma Cai có 62 chi hội cơ sở hội với hơn 6.200 hội viên. Xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, giúp nâng cao năng lực làm chủ kinh tế cho phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Hội Phụ nữ huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, dạy nghề, truyền thông cho hội viên, giúp họ tiếp cận các chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển sản xuất.
Bà Dương Thị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: Ý tưởng khởi nghiệp dù lớn hay nhỏ đều đáng quý và trân trọng, cho thấy khát vọng vươn lên của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao. Các cấp hội phụ nữ huyện đã nỗ lực tuyên truyền, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tiếp sức cho nhiều mô hình phát triển kinh tế của hội viên. Các cấp hội đã phát huy hiệu quả hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội. Toàn huyện hiện có 37 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội do hội phụ nữ quản lý, giúp hơn 1.500 hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 105 tỷ đồng, tăng gần 3 tỷ đồng so với năm 2023.
Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ huyện giúp hội viên phụ nữ trang bị kiến thức khoa học - kỹ thuật, phương pháp sản xuất, kinh doanh; tư vấn lựa chọn cây trồng, vật nuôi, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để phát triển mô hình đạt hiệu quả.
Với nhiều giải pháp hỗ trợ từ các cấp hội, vai trò, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế ngày càng được khẳng định, góp phần nâng cao quyền năng, xóa bỏ định kiến giới và nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ ở huyện vùng cao Si Ma Cai.