Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây ra những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh. Bệnh có các dạng, như đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2, đái tháo đường thai kỳ và thể bệnh chuyên biệt của đái tháo đường do các nguyên nhân khác.
Quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, trong đó có đái tháo đường là một trong những hoạt động được ngành y tế quan tâm. Trên địa bàn tỉnh, mỗi năm, các đơn vị y tế tổ chức khám sàng lọc cho gần 20 nghìn người có nguy cơ và phát hiện gần 700 người mắc đái tháo đường. Dự án phòng, chống bệnh đái tháo đường được ngành y tế tỉnh triển khai từ năm 2010 tại 9/102 xã, phường, thị trấn, với hơn 500 người mắc bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 136/152 trạm y tế quản lý bệnh đái tháo đường và tổ chức quản lý, điều trị cho 12.412 người mắc bệnh, giúp người bệnh tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay từ tuyến y tế cơ sở.
Hiện 90% người dân trong tỉnh đã có hồ sơ sức khỏe điện tử, tạo thuận lợi cho các trạm y tế rà soát, quản lý bệnh nhân đái tháo đường. Tăng huyết áp và đái tháo đường đều là những căn bệnh mạn tính nên không thể chữa khỏi hoàn toàn. Khi mắc 1 trong 2 bệnh thì người bệnh có xu hướng mắc bệnh còn lại rất cao. Hiện nay, có hơn 10.000 bệnh nhân tăng huyết áp đang được điều trị đúng phác đồ.
Bệnh viện Nội tiết tỉnh là bệnh viện chuyên khoa hạng II tuyến tỉnh quản lý và điều trị hàng nghìn trường hợp mắc bệnh đái tháo đường mỗi năm. Bác sỹ Nguyễn Quân Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết tỉnh cho biết: Chúng tôi luôn chú trọng đánh giá tổng thể tình trạng sức khỏe chung, bệnh lý đi kèm, thói quen sinh hoạt, điều kiện kinh tế, xã hội, yếu tố tâm lý… để tư vấn, giúp người bệnh điều trị hiệu quả.
Bệnh viện Nội tiết tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các buổi khám sức khỏe miễn phí cho người dân. Vừa qua, bệnh viện đã phối hợp với UBND phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) khám sức khỏe cho người dân. Theo đó, gần 200 người cao tuổi đã được khám sàng lọc đái tháo đường, tư vấn chế độ ăn uống, tập luyện và chăm sóc sức khỏe để phòng bệnh và tư vấn giảm thiểu biến chứng đái tháo đường đối với những trường hợp phát hiện bệnh.
Theo bác sỹ Nguyễn Quân Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết tỉnh, người dân cần làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường ở người lớn dù không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng. Bên cạnh đó, những đối tượng cần lưu ý tầm soát, kiểm tra sức khỏe là người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào bị thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong các yếu tố nguy cơ, như có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị đái tháo đường; người có tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang cũng cần làm các xét nghiệm tầm soát. Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất 3 năm 1 lần. Các biến chứng của đái tháo đường có thể dẫn đến bệnh thận, bệnh võng mạc, bệnh thần kinh. Người bệnh cần khám bàn chân ít nhất mỗi năm 1 lần để xác định các yếu tố nguy cơ loét, cắt cụt chi và nên tiêm vắc-xin phòng cúm, phế cầu trùng hằng năm.
Ngành y tế luôn nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và hoạt động dự phòng, giúp người dân ngày càng thuận lợi tiếp cận các dịch vụ y tế, để người bệnh nói chung, người mắc bệnh tiểu đường nói riêng được chăm sóc sức khỏe từ ban đầu đến điều trị chuyên khoa.