LCĐT - Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu nhân rộng những mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
>>> Bài 1: Chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường
Ông Ly Seo Dín, Chủ tịch UBND xã Dìn Chin (Mường Khương) chia sẻ: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, những năm qua, xã Dìn Chin đã tuyên truyền người dân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xử lý chất thải chăn nuôi, di dời chuồng trại chăn nuôi xa nơi ở. Đến nay, hầu hết người dân đã nhận thức được việc nuôi nhốt gia súc gần nhà sẽ gây ô nhiễm môi trường, sinh ra nhiều loại bệnh. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để tìm ra những giải pháp phù hợp, những biện pháp hỗ trợ nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân.
![]() |
Hợp tác xã Chăn nuôi Quý Hiền (Bảo Thắng) duy trì chăn nuôi hiệu quả. |
Những năm gần đây, xã Cán Cấu (Si Ma Cai) đã rà soát các hộ chăn nuôi chưa xây dựng chuồng trại hợp lý, tuyên truyền, vận động người dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực nhà ở, xem đây là một trong những tiêu chí bình xét danh hiệu gia đình văn hóa trong năm. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ xã đến các thôn gương mẫu làm trước.
Để đổi mới tư duy trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với một số đơn vị triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp cho người dân, xây dựng công trình bể khí sinh học, tổ chức các lớp hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi và phế phụ phẩm trồng trọt, học viên được học lý thuyết, xem phim hướng dẫn và thực hành tại chỗ.
Từ năm 2014 đến nay, ngành nông nghiệp triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp, hỗ trợ các hộ chăn nuôi làm hầm biogas. Toàn tỉnh hiện có hơn 7.000 hộ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bể biogas, còn lại đa số xử lý chất thải chăn nuôi bằng biện pháp sử dụng hố ủ phân, hố chứa phân hoặc mô hình ủ phân bằng chế phẩm sinh học... Có 343 trang trại áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bể biogas, đệm lót sinh học và sử dụng các chế phẩm sinh học.
Tiêu biểu là mô hình xử lý chất thải chăn nuôi của Hợp tác xã Chăn nuôi Quý Hiền, xã Sơn Hải (Bảo Thắng). Đây là một trong những trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường tốt nhất tỉnh. Hợp tác xã hiện có 6 trang trại nuôi lợn, quy mô 700 con lợn nái và hơn 8.000 lợn thịt, sản phẩm chăn nuôi xuất bán cho các nhà hàng, khách sạn và bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Hợp tác xã đang áp dụng công nghệ ép tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi lợn. Hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc, các chất rắn được giữ lại ép khô, nước theo đường riêng chảy vào bể biogas xử lý tiếp. Phân khô được sử dụng bón cho cây trồng và khí từ bể biogas có thể sử dụng đun nấu, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường.
Do chăn nuôi quy mô lớn nên việc đảm bảo vệ sinh môi trường được hợp tác xã quan tâm. Vị trí trang trại xa khu dân cư, hoàn toàn khép kín và vấn đề xử lý chất thải được chú trọng bởi môi trường đảm bảo sẽ hạn chế các nguồn dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả. Quá trình xử lý chất thải bằng công nghệ ép tách phân tuy đầu tư ban đầu tốn kém nhưng hiện đại, nhanh, gọn, ít tốn diện tích và đang là một trong những biện pháp hiệu quả nhất đối với các trang trại chăn nuôi lợn, trâu, bò theo hướng công nghiệp.
Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Tiến, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) có 15 thành viên, quy mô 160 nghìn con gà thương phẩm mỗi năm. Phương pháp xử lý chất thải mà hợp tác xã đang áp dụng là sử dụng đệm lót sinh học. Ông Phan Nhật Quang, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là hình thức nuôi nhốt gia súc, gia cầm trên một nền đệm lót được làm bằng nguyên liệu trấu, mùn cưa, rơm, rạ... trộn với men vi sinh để phân hủy chất thải, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường sạch.
Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi có thể chia thành 2 nhóm: Nhóm chăn nuôi trang trại và nhóm chăn nuôi hộ gia đình. Ðối với nhóm chăn nuôi trang trại, các chủ trang trại đã chú trọng đầu tư khá toàn diện, đặc biệt là đã áp dụng những công nghệ tiên tiến ép tách phân, sử dụng bể chứa biogas, đệm lót sinh học... Qua đánh giá của ngành chuyên môn, tác động môi trường tại các trang trại này đều cho kết quả tốt. Ðối với chăn nuôi hộ gia đình, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đầu tư xây dựng chuồng trại xa khu dân cư; hướng dẫn xử lý chất thải đúng cách và tận dụng chất thải làm phân bón cho cây trồng nên tình trạng ô nhiễm môi trường đang từng bước được hạn chế. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm những cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi dần được nâng cao.
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cần phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, hàng hóa; khuyến khích chăn nuôi trang trại, chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng cơ sở giết mổ, gia súc, gia cầm tập trung. Tăng cường các chế tài xử lý, đủ sức răn đe đối với các cơ sở không thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường và xử lý chất thải trong chăn nuôi.