Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Giải “bài toán” thiếu giáo viên

Giải “bài toán” thiếu giáo viên

Năm học 2024 - 2025 đã bắt đầu, ngoài việc chuẩn bị trang - thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đang triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực năm học mới.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 1.484 cán bộ quản lý, 13.666 giáo viên, 1.585 nhân viên, thiếu 627 biên chế giáo viên so với biên chế được giao (mầm non 95 biên chế, tiểu học 208 biên chế, THCS 209 biên chế, THPT 115 biên chế), chủ yếu là giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Tin học (390 giáo viên Tiếng Anh; 80 giáo viên Tin học). Ngoài ra, hiện chưa có giáo viên được đào tạo chính quy đối với những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm Tin học và Công nghệ cấp tiểu học; Lịch sử, Địa lý, Khoa học tự nhiên cấp THCS; Giáo dục Kinh tế và Pháp luật cấp THPT.

552C14DC-060A-4CFF-B57C-7AA83B31A83A.jpeg

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên cục bộ là quy mô trường, lớp, học sinh ngày càng tăng. Cùng với đó, sinh viên sư phạm ra trường có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp dẫn đến thiếu nguồn tuyển dụng. Mặt khác, đội ngũ giáo viên luôn biến động giảm trong năm do giáo viên xin nghỉ việc, luân chuyển từ vùng khó khăn tới vùng thuận lợi, tinh giản biên chế…

Dự kiến năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 586 trường, 8.447 lớp với 239.165 học sinh (giảm 12 trường, tăng 93 lớp, tăng 3.370 học sinh so với năm học 2023 - 2024).

Từ năm học 2021 - 2022 tới nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện 4 kỳ tuyển dụng để có giáo viên đứng lớp ngay từ đầu năm học mới. Tuy nhiên, trung bình mỗi kỳ tuyển dụng chỉ được 40% so với chỉ tiêu, đặc biệt môn Tiếng Anh, Tin học không tuyển dụng được. Việc thiếu giáo viên khiến các cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi phân công chuyên môn, bố trí thời khóa biểu. Một số giáo viên phải giảng dạy vượt quá số tiết theo quy định, không còn thời gian đầu tư sâu cho việc soạn bài, đổi mới phương pháp giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn.

5218887F-17C9-4A8F-8AA6-ABC0F6F30BA2.jpeg

Năm học 2024 - 2025, thực hiện Thông tư số 19 và Thông tư số 20 ngày 30/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11 ngày 14/6/2024 quy định định mức số lượng học sinh/lớp trong một số trường hợp đặc biệt tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trên cơ sở đó, UBND tỉnh quyết định giao chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục.

“Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại đội ngũ, số lượng người làm việc được giao, số lượng người làm việc chưa sử dụng, bố trí biên chế tuyển dụng giáo viên đủ theo cơ cấu từng môn học, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn thiếu, môn học mới. Ngành giáo dục đã tham mưu cho UBND tỉnh thay đổi hình thức tuyển dụng từ thi tuyển sang xét tuyển, nhằm giảm áp lực trong tuyển dụng và thu hút nguồn nhân lực. Ngành giáo dục cũng đặc biệt chú trọng truyền thông, chủ động phối hợp với các trường đại học sư phạm tuyên truyền về việc tuyển dụng, các chế độ, chính sách thu hút, hỗ trợ của tỉnh Lào Cai đối với nhân lực ngành giáo dục” - đồng chí Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết.

A0D54199-90BE-47BC-81C7-85FA77255C85.jpeg

Để khắc phục khó khăn do thiếu giáo viên, phòng giáo dục và đào các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các trường rà soát quy mô trường, lớp, hạn chế nhận học sinh ngoại tuyến ở các trường đang thiếu giáo viên, thiếu phòng học và sĩ số học sinh/lớp đã đảm bảo theo quy định. Đồng thời, tiếp tục thực hiện biệt phái giáo viên ở những trường còn dư một số tiết sang các trường còn thiếu số tiết ở môn đó so với định mức theo quy định tại Nghị định số 85 của Chính phủ; biệt phái giáo viên dạy liên cấp tiểu học - THCS đối với các môn chuyên biệt như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tin học và thực hiện phong trào “Trường giúp trường”, “Phòng giúp phòng”, “Giáo viên giúp đỡ giáo viên”; kịp thời tiếp nhận giáo viên ở nơi khác về ngay khi có giáo viên nghỉ hưu hoặc xin nghỉ việc. Cùng với đó, tăng cường hợp đồng giáo viên đối với những vị trí chưa tuyển dụng được viên chức và có tính đến việc hợp đồng thỉnh giảng với người có trình độ chuyên môn phù hợp với môn giảng dạy, kể cả giáo viên đã nghỉ hưu, giáo viên đang công tác ở các đơn vị khác muốn làm thêm. Các trường cân đối phân công giáo viên dạy tăng giờ; điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với tình hình đội ngũ hiện có.

0E84ACAB-C484-4DB3-8D5D-E324A6CFCE47.jpeg

Trên cơ sở Quyết định số 1836 ngày 22/7/2024 của UBND tỉnh về việc giao, điều chỉnh số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ thực trạng và nhu cầu sử dụng đội ngũ giáo viên theo quy mô trường, lớp học, thực hiện hợp đồng giáo viên để bổ sung nhân lực còn thiếu nhằm khắc phục việc thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở một số trường...

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 mới đây, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục làm tốt công tác dự báo quy mô phát triển trường, lớp và bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành giáo dục và đào tạo cho giai đoạn tiếp theo; bố trí sử dụng hiệu quả đội ngũ hiện có, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho nhà giáo, đảm bảo tất cả cơ sở giáo dục có đủ giáo viên bộ môn đứng lớp; thực hiện tuyển dụng, hợp đồng đội ngũ theo đúng vị trí việc làm mà UBND tỉnh phê duyệt.


E6B0C28B-522D-4B45-8674-0860DBA320F3.jpeg

Tổng số biên chế được giao năm học 2024 - 2025 của huyện Mường Khương là 1.358, trong đó số giáo viên hiện có là 1.303 giáo viên, thiếu 55 giáo viên (28 giáo viên tiểu học, 27 giáo viên THCS). Thiếu giáo viên chủ yếu thuộc các môn, nhóm môn: Toán - Vật lý, Ngữ văn - Lịch sử, Địa lý, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên Tiếng Anh (nhu cầu tối thiểu 15 giáo viên).

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương đã rà soát, tham mưu cho UBND huyện phương án sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, đảm bảo cân đối về số lượng và cơ cấu bộ môn giữa các trường trong huyện; tham mưu cho huyện thực hiện hợp đồng lao động đối với số giáo viên.

Căn cứ vào tình hình thừa, thiếu ở từng nhóm môn, Phòng Giáo dục và Đào tạo báo cáo UBND huyện tiếp tục thực hiện chủ trương “Trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên”, phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “cộng đồng trách nhiệm”. Đối với môn Tiếng Anh, trong trường hợp nguồn hợp đồng chưa đáp ứng được yêu cầu, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện việc “thông phòng” để dạy học như đã được vận dụng hiệu quả trong năm học 2023 - 2024.


9476F231-A1C4-4FC6-B093-1DD8572B124A.jpeg

Tổng số biên chế được giao năm học 2024 - 2025 của huyện Văn Bàn là 1.896; số biên chế thực tế sử dụng là 1.832; số biên chế còn thiếu là 38, đều là giáo viên THCS. Các môn học thiếu giáo viên trong năm học 2024 - 2025 gồm Tiếng Anh, Tin học, Toán, Âm nhạc...

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND huyện ban hành thông báo về việc hợp đồng giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông năm học 2024 - 2025 (tổng số 38 chỉ tiêu hợp đồng). Cùng với đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tăng cường giáo viên giảng dạy giữa các trường để đảm bảo đủ định mức số tiết theo quy định; chỉ đạo các trường đủ điều kiện tổ chức các lớp học trực tuyến; hướng dẫn các trường thực hiện hợp đồng dạy thỉnh giảng theo quy định hiện hành.


22C4A12B-18CC-4F51-B33C-0AD8A64F045C.jpeg

Thị xã Sa Pa có 58 trường trực thuộc, gồm 21 trường mầm non, 17 trường tiểu học (trong đó có 11 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học), 21 trường THCS và liên cấp (trong đó 8 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS, 4 trường liên cấp tiểu học và THCS, 3 trường liên cấp phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS).

Năm học 2024 - 2025, thị xã có 798 lớp với 22.263 học sinh. Về tình hình đội ngũ, tổng số có 1.510 người (125 cán bộ quản lý, 1.268 giáo viên, 117 nhân viên). So với biên chế tỉnh giao, các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thị xã Sa Pa thiếu 151 biên chế giáo viên (42 biên chế mầm non, 57 biên chế tiểu học, 52 biên chế THCS), đặc biệt thiếu các môn Tiếng Anh, Tin học, Toán, Mỹ thuật, Âm nhạc… do thiếu nguồn tuyển, giáo viên chuyển vùng khỏi địa bàn.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND thị xã tổ chức hợp đồng giáo viên các cấp, các môn ngay từ tháng 8; phân công đội ngũ giữa các trường, biệt phái, giao kiêm nhiệm 1 giáo viên giảng dạy 2 trường để học sinh được học đủ chương trình. Đối với những môn học thiếu nhiều giáo viên (Tin học, Tiếng Anh), Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã chỉ đạo các trường tổ chức dạy học trực tuyến trong cùng khối lớp, bố trí giáo viên khác quản lý, giúp đỡ học sinh khi học trực tuyến.


40C6EFF0-8C64-44A8-90C3-DD0E4567FB3F.jpeg

Năm học 2024 - 2025, tổng biên chế của ngành giáo dục và đào tạo huyện Bắc Hà được giao là 1.681, số biên chế thực tế đang sử dụng là 1.644, thiếu 37 biên chế (trong đó mầm non thiếu 10 biên chế, THCS thiếu 27 biên chế). Điều đáng nói, không chỉ thiếu giáo viên các môn chuyên biệt (Tiếng Anh, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất) mà còn thiếu các môn chính như Toán, Vật lý, Ngữ văn, Địa lý, Hóa học. Nguyên nhân là do giáo viên nghỉ chế độ, chuyển công tác và số lượng học sinh đông.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND huyện cho phép thực hiện hợp đồng lao động đối với giáo viên các môn, đồng thời tăng cường 1 giáo viên dạy 2 trường. Đối với một số trường (cấp tiểu học) sẽ lựa chọn một số giáo viên dạy môn chính nhưng có năng khiếu thể thao sẽ đảm nhận thêm môn Giáo dục thể chất. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện dạy học trực tuyến, dạy học kết nối giữa các lớp, các trường.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

18 đại biểu trẻ Việt Nam tham dự Diễn đàn Thanh niên Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024

18 đại biểu trẻ Việt Nam tham dự Diễn đàn Thanh niên Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024

Tham dự Diễn đàn Thanh niên Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024, đoàn Việt Nam có 18 đại biểu thanh niên. Đây là những bạn trẻ sử dụng thành thạo tiếng Pháp, có kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến các chủ đề được thảo luận trong diễn đàn; có ý tưởng đề án dự án về lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, nghệ thuật hoặc kinh tế.

Trường học thành “mái ấm” trong cơn bão

Trường học thành “mái ấm” trong cơn bão

Giữa mưa lũ khắc nghiệt, tình người ấm áp ở vùng cao biên giới Lào Cai vẫn được duy trì mạnh mẽ. Tiếp lửa cho tinh thần đó, những "người lái đò" cũng đang chung tay cùng với các lực lượng khác hỗ trợ người dân chống chọi với mưa lũ. Nhiều trường học trên địa bàn thành phố bỗng chốc trở thành bãi đỗ xe miễn phí, nhà ở cộng đồng hay bếp ăn tập thể…

fbytzltw