EU coi nông nghiệp là ngành chiến lược - Tầm nhìn cho tương lai bền vững

Với việc coi nông nghiệp là ngành chiến lược, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra tầm nhìn mới về lĩnh vực kinh tế này.

Một người nông dân vận hành máy nông nghiệp trên cánh đồng ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 23/4/2024.
Một người nông dân vận hành máy nông nghiệp trên cánh đồng ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 23/4/2024.

Trong khuôn khổ cuộc họp Hội đồng Nông nghiệp và Nghề cá của EU diễn ra ở Brussels (Bỉ) vừa qua, các bộ trưởng đã thảo luận về tầm nhìn mới cho ngành nông nghiệp và thực phẩm vốn được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi tháng 2 vừa qua.

Tầm nhìn mới đầy tham vọng cho ngành nông nghiệp của EU tập trung vào 4 lĩnh vực then chốt, hướng đến việc làm cho nghề nông trở nên hấp dẫn hơn đối với thế hệ trẻ, những người sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tương lai của ngành.

Tầm nhìn đặt mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh và khả năng thích ứng của ngành nông sản, giúp các doanh nghiệp châu Âu đứng vững trước những biến động của thị trường toàn cầu và bảo đảm rằng ngành nông nghiệp châu Âu sẽ phù hợp với các xu hướng phát triển trong tương lai; đồng thời, đề cao việc cải thiện điều kiện sống và làm việc ở khu vực nông thôn, nơi mà nhiều cộng đồng phụ thuộc vào nông nghiệp.

Đáng chú ý, tầm nhìn của EU đã nêu bật nhu cầu hành động vì khí hậu trong nông nghiệp và kêu gọi điều chỉnh các khoản thanh toán trực tiếp theo Chính sách Nông nghiệp chung (CAP) để hỗ trợ thu nhập công bằng hơn và khen thưởng những người nông dân làm việc với thiên nhiên.

Các quốc gia thành viên EU đều bày tỏ sự ủng hộ đối với tầm nhìn mới, trong đó coi nông nghiệp là ngành chiến lược và khuyến khích giới trẻ lựa chọn nghề nông.

Hội đồng Nông nghiệp và Nghề cá của EU cũng đánh giá cao sự tập trung bảo đảm thu nhập xứng đáng cho nông dân và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông sản.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Czesław Siekierski, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU cho biết, Ba Lan hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu mà EC đã đề ra trong tầm nhìn phát triển nông nghiệp và thực phẩm. Tuy nhiên, EU cần chuẩn bị một nguồn ngân sách phù hợp và riêng biệt cho CAP và có sự tham gia tích cực của chính những người nông dân vào quá trình hoạch định và thực hiện chính sách. Mọi quyết định liên quan phải được đưa ra với sự tham vấn và đóng góp của những người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các bộ trưởng EU cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết duy trì ngân sách ổn định cho CAP, tiếp tục hỗ trợ khu vực nông thôn và chống lại cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế. CAP cần bảo đảm thu nhập cơ bản cho nông dân, bên cạnh việc tìm kiếm các nguồn thu nhập mới từ kinh tế sinh học. Các ưu tiên khác bao gồm cắt giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy đổi mới công nghệ và bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo các chuyên gia, tầm nhìn trên đang thực hiện những bước đi rất thận trọng hướng tới việc tạo ra chuỗi cung ứng thực phẩm EU công bằng và bền vững hơn. Tầm nhìn bao gồm một số yếu tố tích cực như cam kết thực thi mạnh mẽ hơn luật xanh và các ưu đãi tài chính cho người nông dân, tuy nhiên, cần đưa ra định hướng rõ ràng cho quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm của EU.

Đáng chú ý, tầm nhìn nhấn mạnh vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng phục hồi của ngành chăn nuôi, công bố việc phát triển một chiến lược dài hạn để tạo ra một chuỗi sản xuất chăn nuôi xuất sắc. Trong việc định hình các lộ trình chính sách cho ngành này, Ủy ban châu Âu sẽ xem xét “dấu chân sinh thái” (tác động của hoạt động sản xuất đối với môi trường) và cải thiện quản lý chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn cần đưa ra một kế hoạch cắt giảm phân bón tổng hợp cần thiết và các chính sách hỗ trợ tiếp cận thực phẩm bền vững và lành mạnh hơn.

Ngành nông nghiệp chiếm 11% tổng lượng khí thải nhà kính của EU và được đánh giá có thể đóng góp vào việc hoàn thành mục tiêu khí hậu của khối. Bởi thế, tầm nhìn của EU được kỳ vọng sẽ định hình một tương lai bền vững và công bằng cho ngành nông nghiệp châu Âu.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Tổ chức tư vấn Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (BPC) của Mỹ ngày 24/3 cảnh báo chính phủ nước này sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ đối với một phần trong khoản nợ 36.600 tỷ USD vào giai đoạn từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10/2025 nếu Quốc hội không hành động để nâng trần vay nợ của Washington.

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Đối mặt với tăng trưởng yếu và áp lực địa chính trị, kinh tế châu Âu đang ở thời điểm quyết định. Giải pháp tăng cường cạnh tranh có thể giúp khu vực vượt qua khủng hoảng hay không?

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Cùng nhau thu hẹp khoảng cách cảnh báo sớm

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Cùng nhau thu hẹp khoảng cách cảnh báo sớm

Thế giới có thể thu hẹp khoảng cách tài chính cho hệ thống cảnh báo sớm và bảo đảm rằng mọi quốc gia đều có đủ nguồn lực cần thiết để tăng cường khả năng chống chịu, đồng thời bảo vệ cộng đồng trước những tác động ngày càng mạnh mẽ của thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu.

Nữ Tổng thống Namibia đầu tiên tuyên thệ nhậm chức

Nữ Tổng thống Namibia đầu tiên tuyên thệ nhậm chức

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Phi, trong một sự kiện lịch sử trùng với kỷ niệm 35 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Namibia (21/3/1990 - 21/3/2025), bà Netumbo Nandi-Ndaitwah đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của quốc gia khu vực Nam Phi này.

fb yt zl tw