ECB dự kiến giữ nguyên lãi suất lần đầu tiên sau gần một năm

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất lần đầu tiên trong gần một năm khi các nhà hoạch định chính sách nhóm họp trong tuần này, bất chấp những lo ngại về tác động tiềm tàng từ việc Mỹ tăng thuế quan đối với Khu vực đồng euro (Eurozone).

ecb.jpg
Biểu tượng đồng Euro tại Frankfurt, Đức.

Cuộc họp của 26 thành viên Hội đồng Thống đốc ECB sẽ diễn ra chỉ hơn một tuần trước hạn chót ngày 1/8 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra cho việc áp đặt các mức thuế trừng phạt.

Ông Trump đã đe dọa sẽ tăng gấp ba lần mức thuế cơ bản đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU lên 30% nếu EU không đạt được thỏa thuận vào cuối tháng này, làm tăng sự bất ổn lên tương lai thương mại xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, thị trường dự báo ECB sẽ giữ vững lập trường về lãi suất thay vì hành động trước khi có kết quả đàm phán, qua đó tạm dừng chuỗi cắt giảm lãi suất đã kéo dài từ tháng 9/2024.

Kể từ tháng 6/2024, ECB đã giảm lãi suất cơ bản tổng cộng 8 lần và trong cả 7 cuộc họp gần nhất, đưa lãi suất xuống mức 2%.

Việc cắt giảm lãi suất nhanh chóng diễn ra trong bối cảnh lạm phát khu vực Eurozone đã giảm từ mức cao hai con số được ghi nhận vào năm 2022, trở lại gần mục tiêu 2% của ECB. Trong tháng 6/2025, lạm phát Eurozone đạt đúng mục tiêu 2% và được các quan chức ngân hàng trung ương dự báo sẽ ổn định ở mức này cho cả năm.

Các nhà phân tích từ ngân hàng UniCredit (Italy) nhận định ECB gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 24/7 tới.

Thành viên ban điều hành ECB, bà Isabel Schnabel cho hay kinh tế khu vực Eurozone đang có một số dấu hiệu khởi sắc bất chấp các mối đe dọa thuế quan từ ông Trump. Hoạt động sản xuất tại Eurozone đã tăng 4 tháng liên tiếp và chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 6/2025 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.

Tuy nhiên, triển vọng tích cực này có thể bị phá vỡ nếu ông Trump thực hiện đe dọa áp thêm thuế quan, bên cạnh các mức thuế hiện hữu vốn đã cao đối với các nhà sản xuất ô tô, thép và nhôm.

Kế hoạch áp thuế và các động thái tác động đến sự độc lập của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã khiến đồng USD giảm giá so với đồng euro.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg TV, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos trong tháng này nói rằng nếu đồng euro tăng giá mạnh hơn nữa, điều đó sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Đồng tiền chung mạnh lên mang theo rủi ro khiến lạm phát không đạt được mục tiêu của ECB do hàng nhập khẩu rẻ hơn và làm hạ nhiệt nền kinh tế, đồng thời khiến hàng xuất khẩu của châu Âu trở nên đắt đỏ hơn.

Các dự báo do ECB công bố hồi tháng trước dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống 1,6% trong năm 2026, trước khi phục hồi về mức 2% vào năm 2027. Nhà phân tích Carsten Brzeski của ngân hàng ING cho rằng một đồng euro mạnh đồng nghĩa với việc các đợt cắt giảm lãi suất vào cuối năm chỉ là vấn đề khi nào và cắt giảm bao nhiêu, chứ không phải là có cắt giảm hay không.

baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

fb yt zl tw