Dựng đời mới trên Kho Vàng

Ở thời khắc sinh tử, nếu chàng trai người Mông đó có suy nghĩ theo thói thường của nhiều cán bộ thời nay, vì không liên lạc được xin ý kiến cấp trên nên phải chờ có chỉ đạo cho “đúng quy trình”, thì hẳn 115 người dân ấy đã đặt cược tính mạng vào thảm họa.

Tôi không dám nhận mình là anh hùng. Chẳng qua nhiều người yêu quý và gọi như thế cho dễ nghe dễ hiểu, nhưng tôi tự biết mình không phải kiểu người thanh niên chiến đấu hay lập công trạng gì ghê gớm. Tôi chỉ làm tròn trách nhiệm của mình. Tôi không nghĩ việc mình làm để lấy thành tích. Thấy nguy hiểm thì báo cho bà con thôi”, Ma Seo Chứ - người trưởng thôn trẻ tuổi từng có quyết định táo bạo khi di tản 115 người dân tại thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) lên núi lánh nạn an toàn trong trận bão kinh hoàng Yagi hồi tháng 9.2024, đã thiệt thà như vậy khi nói về hành động của mình.

Tết đến sớm trên thôn Kho Vàng

Ngày cuối năm trở lại một trong những nơi từng xảy ra thảm kịch lũ quét của Lào Cai, nỗi buồn vẫn còn vương vất trên những triền núi cây chưa xanh lại, những vạt đồi sạt lở như vết thương chưa kín miệng, nhưng sự hồi sinh thì đã hiển hiện. Ngày 22.12.2024 khu tái thiết thôn Kho Vàng đáp ứng chỗ ở lâu dài cho 35 hộ gia đình với 180 nhân khẩu đã khánh thành.

“Nơi ở mới rất tốt với gia đình tôi và người dân thôn Kho Vàng. Hồi ở nơi cũ trường học rất xa nên không thuận tiện cho trẻ em, giờ khu ở mới này có điểm trường được xây dựng ngay sát gần nhà dân nên các cháu chỉ mất vài phút là đến lớp. Diện tích sử dụng mỗi căn nhà mới khoảng 60m2, tiện nghi hơn rất nhiều so với nơi ở cũ. Vì vậy đây chính là yếu tố quan trọng nhất để bà con ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất sau này”, Chứ phấn khởi.

Khu tái thiết thôn Kho Vàng đáp ứng chỗ ở lâu dài cho 35 hộ gia đình với 180 nhân khẩu đã khánh thành ngày 22.12.2024.
Khu tái thiết thôn Kho Vàng đáp ứng chỗ ở lâu dài cho 35 hộ gia đình với 180 nhân khẩu đã khánh thành ngày 22.12.2024.

Khu tái thiết thôn Kho Vàng do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tài trợ với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Sau hơn 3 tháng tránh trú trong các căn lều tạm xung quanh UBND xã Cốc Lầu, người dân thôn Kho Vàng đã vui mừng khi dọn về ở trong những căn nhà vững chãi thấp tầng trên triền đồi thoai thoải, phù hợp tập quán sinh sống của đồng bào Mông, Dao cùng đủ đầy tiện nghi điện lưới, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh khép kín... Khu ở mới nằm trên một đồi trồng quế, cách nơi ở cũ của người dân khoảng 5 km.

Để có được mặt bằng xây dựng rộng hơn 2,5 ha, các đơn vị thi công phải san lấp 3 quả đồi rất phức tạp trong thời gian ngắn. Cùng với trao tặng nhà mới, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam còn tặng người dân các trang thiết bị sinh hoạt cơ bản như giường, tủ, bàn ghế, tivi, lắp mạng internet... Đồng thời hỗ trợ sửa một điểm trường và một nhà văn hóa thôn Kho Vàng. Hệ thống đường bê tông mới cũng đã giúp người dân kết nối dễ dàng hơn với các vùng lân cận.

Quyết đoán kịp thời cứu nguy 115 người dân

Thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà) và thôn Kho Vàng là những vùng đất tươi đẹp của Lào Cai. Nơi đây đồng bào các dân tộc Tày, Mông, Dao sống hòa quyện với thiên nhiên cho đến khi cơn bão Yagi đổ bộ đến. Thảm họa lũ quét, sạt lở đất xảy ra hồi tháng 9.2024 đã làm hàng chục người dân nơi đây thiệt mạng và mất tích, hàng chục ngôi nhà vùi lấp, cuốn trôi cùng nhiều tài sản khác. Trong tai ương đó, niềm hy vọng đã được thắp lên khi kỳ tích về 17 hộ gia đình với 115 nhân khẩu ở thôn Kho Vàng may mắn thoát khỏi nguy cơ bị vùi lấp từ một quả đồi sạt lở, nhờ sự quyết đoán kịp thời của trưởng thôn Ma Seo Chứ.

Chứ nhớ lại, ngay đối diện khu vực của 17 hộ dân đang sinh sống những ngày đó đồi núi, đường sá, sông suối sạt lở rất nhiều. Mưa càng lúc càng to suốt mấy ngày liền. Cảm giác sợ trôi mất nhà, mất bản liên tục xuất hiện trong đầu Chứ. Sáng sớm ngày 9.9 anh cùng vài thanh niên trong thôn nhìn thấy tòa nhà điều hành của nhà máy thủy điện Đông Nam Á ngay đối diện bên kia sông bị đồi núi sạt lở, vùi lấp. Lúc này Chứ bảo mọi người chia ra, đi kiểm tra toàn bộ khu vực thôn xem có nguy cơ sạt lở không. Nhóm của Chứ khoảng 6, 7 người vừa lên phía trên đồi đã phát hiện ngay vết nứt rộng chừng 20cm, dài 30m, cách thôn khoảng 100m.

Kinh nghiệm của những người con núi rừng cho nhóm của Chứ biết có dấu hiệu quả đồi sắp đổ sập xuống. Cả nhóm không ai đi về nhà nữa mà vội vàng chia nhau ra đi tìm bằng được chỗ có mặt bằng an toàn để trú ẩn. Chứ cùng với vài thanh niên chạy vội về thôn thông báo cho bà con biết tình hình nguy hiểm.

Vết nứt to và dài trên quả đồi gần nơi sinh sống cũ của 17 hộ dân Kho Vàng đến nay vẫn còn là khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Vết nứt to và dài trên quả đồi gần nơi sinh sống cũ của 17 hộ dân Kho Vàng đến nay vẫn còn là khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

“Gần như ngay lúc đấy cả thôn chung một nỗi sợ. Tôi cũng không phải tuyên truyền nhiều mà rất nhanh, các nhà tự bảo người nhà lên chỗ đồi mới làm lán cho nhà mình. Tầm trưa cùng ngày nhiều anh em trong thôn lên đấy chặt tre dựng lán. Tới khoảng 4 giờ chiều đã làm xong 17 cái lán và di dời toàn bộ 115 người lên trú ẩn. Suốt thời gian đấy tôi không dám ngủ. Lần đầu tiên trong đời tôi biết sợ…”, Chứ kể.

Từ lúc phát hiện quả đồi có nguy cơ sạt lở đến khi mọi người an toàn trong lán trại trú ẩn chỉ khoảng 8 tiếng đồng hồ. Do mưa lũ nhiều ngày gây ảnh hưởng hạ tầng, thôn Kho Vàng không có điện, không có sóng điện thoại, các hộ dân bị cô lập, mất liên lạc với bên ngoài. Vậy nên khi nghe tin đồi, núi ở thôn Kho Vàng sạt lở, vùi lấp nhiều nơi, nhiều người đã nghĩ đến tình huống xấu nhất của cả thôn. Ngay sau sạt lở và lũ quét tạm yên, lực lượng cứu nạn cứu hộ của xã Cốc Lầu đã tức tốc tìm kiếm tung tích người dân, và bất ngờ khi thấy 115 người dân thôn Kho Vàng đang lánh nạn an toàn trên núi. Lực lượng cứu nạn cứu hộ đã cứu trợ kịp thời và đến chiều tối ngày 16.9 mở đường đưa tất cả người dân xuống núi, bố trí chỗ ở tạm an toàn.

Chứ kể, cách chỗ anh sống khoảng 4km còn có một khu dân cư khác. Trước đây hai khu dân cư thuộc hai thôn khác nhau - Kho Lạc và Bản Vàng, từ năm 2019 đã sáp nhập thành thôn Kho Vàng. Vì đường đi sạt lở nghiêm trọng, điện thoại không liên lạc được nên anh không thể báo cho bà con ở khu đó về việc phải sớm di tản. Không ngờ sạt lở, lũ quét dữ dội đã xảy ra ở nơi đó. “Khu vực sinh sống ban đầu của 17 hộ dân cho đến thời điểm này vẫn chỉ là khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Và vì có nguy cơ sạt lở cao, có vết nứt to và dài nên thôn huy động bà con di dời lên đồi, làm lán tạm để tránh nguy cơ sạt lở. Khu vực đấy đến nay chưa sạt lở. Riêng nhóm người Dao trong thôn Kho Vàng ở khu vực khác do không thể di dời kịp lúc nên đã bị nước lũ cuốn trôi 12 ngôi nhà, 3 người chết, thiệt hại rất đau thương…”, Chứ run giọng nhắc lại.

“Cố gắng làm tốt nhất mọi trách nhiệm đã nhận”

Ma Seo Chứ sinh năm 1991, là người dân tộc Mông, lớn lên ở thôn Kho Vàng, đã có vợ con. Như một tín hiệu tốt lành, đứa con thứ ba của vợ chồng Chứ đã được sinh ra trong thời gian gia đình anh ở khu lán tạm chờ nhận nhà tái định cư Kho Vàng. Cách đây 5 năm, Chứ được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Kho Vàng, khi thực hiện sáp nhập hai thôn Kho Lạc và Bản Vàng. “Bà con tín nhiệm bầu thì tôi làm thôi. Đến nhiệm kỳ sau bà con không bầu nữa thì thôi”, Chứ tỉnh bơ nói.

Hành động đưa người dân lên núi lánh nạn cũng là quyết định táo bạo lần đầu tiên Chứ thực hiện. Thôn Kho Vàng có khoảng 85 hộ dân với đặc điểm đất đai rộng, địa hình bị chia cắt bởi núi đá, các nhóm người Dao và người Mông lại sống thưa thớt, không tập trung, nên từ khi được giao quyền quản lý thôn, Chứ đã nghĩ đến việc tạo nhóm zalo cho thôn. Từ đó, có thông báo, công văn, thủ tục gì cần chia sẻ, cập nhật… anh nhắn tin lên zalo là người dân đều nhận được.

Trưởng thôn Ma Seo Chứ tại khu tái thiết mới thôn Kho Vàng.
Trưởng thôn Ma Seo Chứ tại khu tái thiết mới thôn Kho Vàng.

Quá trình làm trưởng thôn cũng giúp Chứ nghiệm ra và hành xử theo suy nghĩ mộc mạc: khi người dân tìm đến mình thì có nghĩa họ cần sự giúp đỡ. Những lúc đó, bắt buộc mình phải có mặt lắng nghe bà con. Ngoài ra, phải luôn ghi nhớ để đề xuất không sót ý kiến nào của bà con lên lãnh đạo địa phương. Sau khi đề xuất rồi, còn phải rất kiên trì đi hỏi UBND xã để mang câu trả lời, phương án giải quyết về với bà con trong thôn… “Nói chung không có bí quyết gì cao siêu, tôi cảm thấy chỉ cần cố gắng làm tốt nhất mọi trách nhiệm đã nhận thì dù có là trưởng thôn hay bất kỳ vị trí nào mình cũng đều có thể tự hào”, Chứ nói chắc giọng.

Kho Vàng nổi tiếng với nghề trồng quế, sắn. Nơi đây tuy nhiều đèo dốc, ít mặt bằng nhất xã Cốc Lều nhưng phong cảnh thiên nhiên, núi rừng, đồi suối rất đẹp. Từ hồi nhỏ, Chứ đã được mẹ địu lên rẫy, ngồi chơi bình yên dưới những gốc cây to. Thảm họa thiên tai Yagi đã cuốn trôi nhiều cổ thụ, làm tan hoang những vạt rừng quế, nương sắn… “Nếu không có thiên tai, bà con Kho Vàng không khổ như thế này. Bão lũ về đã cuốn mất mấy cái nhà xây to ơi là to của nhiều gia đình trong thôn xuống sông...”, Chứ kể.

Như nhiều người con của núi rừng khác, Chứ không có điều kiện để học cao. Anh chỉ mới học hết lớp 9 và bây giờ hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn nên ý định đi học nghề điện hoặc xây dựng của anh cũng chưa thể thực hiện. Ba người con còn quá nhỏ; nương sắn, rừng quế đều bị trôi hết. Có những lúc con ốm, trong nhà hết sạch tiền, vợ chồng Chứ phải đi vay mượn. “Làm trưởng thôn không dễ đâu. Có bất kỳ việc gì người dân cũng gọi mình. Kể cả nửa đêm, vợ chồng mâu thuẫn hay hàng xóm láng giềng xảy ra xích mích. Tất cả họ đều gọi trưởng thôn. Hay như sau cơn bão, dù nhà tôi cũng không còn nhà để về nhưng lúc đó có rất nhiều đoàn, nhiều tổ chức liên hệ để tìm hiểu tình hình của thôn, để lên kế hoạch hỏi thăm, từ thiện… Thế là có những tuần, ngày nào tôi cũng phải trèo qua các con đường vừa bị sạt lở đến từng hộ dân bị thiệt hại, làm việc với các nhà hảo tâm để họ biết chính xác về hoàn cảnh của bà con trong thôn. Tối muộn khi về đến chỗ cái lán nhà mình đang ở tạm thì mới biết nhà mình hết tiền, con đang đói và cũng chưa có quà. Nói chung làm trưởng thôn rất là đau cái đầu, đau luôn cả cái chân, cái tay, cái bụng...”, Chứ thiệt thà.

Trang đời mới của thôn Kho Vàng đã được dựng lên, dù còn nhiều khốn khó thì cũng đầy hy vọng. Ký ức tang thương về bão Yagi rồi đây cũng sẽ nguôi ngoai, mờ nhòa. Nhưng câu chuyện về người trưởng thôn Ma Seo Chứ sẽ còn được kể lại, được nhắc hoài như một lớp phù sa tinh thần bồi đắp cho niềm tin về bốn chữ “CÔNG BỘC CỦA DÂN”.

Trưởng thôn Ma Seo Chứ vừa được tuyên dương trong 125 học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu năm 2024, do Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28.12 tại Hà Nội.

Trước đó, Chứ đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” vì đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác phòng, chống và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả bão lũ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

nguoidothi.net.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Luật mới, thêm quyền lợi cho người tham gia BHXH

Luật mới, thêm quyền lợi cho người tham gia BHXH

Luật BHXH năm 2024 kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động.

Giữ truyền thống chúc tết đầu năm

Giữ truyền thống chúc tết đầu năm

Phong tục chúc tết được bảo tồn và giữ gìn qua bao thế hệ, thể hiện lòng hiếu thảo, sự tri ân của con cháu với ông bà cha mẹ, hai bên nội - ngoại và tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Dù trong cuộc sống hiện đại nhưng các gia đình Lào Cai luôn chú ý gìn giữ nét đẹp văn hóa này, đồng thời giáo dục thế hệ kế cận phát huy truyền thống tốt đẹp ấy.

Ngày tết, cẩn trọng với thực phẩm có đường

Ngày tết, cẩn trọng với thực phẩm có đường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh Dưỡng-Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, việc mọi người ăn nhiều thực phẩm có đường dịp Tết sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe. 

Thời tiết ngày 30/1: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm

Thời tiết ngày 30/1: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 30/1, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù, trưa chiều trời nắng. Trời rét đậm; vùng núi Bắc Bộ rét hại, vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối, nhiệt độ thấp nhất 6-11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Bình yên Làng Nủ

Bình yên Làng Nủ

Trong thời khắc cả đất trời chuyển mình đón xuân mới, Làng Nủ - mảnh đất từng chịu bao đau thương và mất mát, đang dần trở lại với dáng vẻ của một vùng quê thanh bình trước đây. Trên con đường làng, những cánh đồng từng bị vùi lấp nay đã bắt đầu khoác lên màu xanh của sự sống, những mầm non mạnh mẽ vươn mình như biểu tượng của niềm tin và hy vọng.

Đầu Xuân Ất Tỵ tản mạn chuyện con rắn

Đầu Xuân Ất Tỵ tản mạn chuyện con rắn

Vậy là năm con rồng đã qua đi để bước vào năm con rắn, một trong những loài vật linh thiêng trong 12 con giáp. Năm mới Ất Tỵ, giữa ngày xuân thênh thang, cùng nhau ngồi nhâm nhi chén trà, ngắm hoa đào, hoa mai nở, tản mạn chuyện con rắn cũng có nhiều điều thú vị.

Rực rỡ màn pháo hoa chào đón năm Ất Tỵ 2025

Rực rỡ màn pháo hoa chào đón năm Ất Tỵ 2025

Đúng 0 giờ ngày 29/1/2025, tức ngày 1/1 năm Ất Tỵ, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, màn trình diễn pháo hoa bắn từ tầm cao tháp The Manor Tower thuộc dự án khu nhà ở thương mại tiểu khu đô thị số 2, Đại lộ Trần Hưng Đạo, phường Bắc Cường giúp bầu trời thành phố Lào Cai thêm rực rỡ. Chiêm ngưỡng màn pháo hoa lung linh sắc màu, người dân thành phố cùng ước mong những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Để thành phố thêm sắc xuân

Để thành phố thêm sắc xuân

Chiều 29 tháng Chạp, khi nhà nhà sum vầy bên mâm cỗ tất niên, vui mừng chờ đón năm mới thì trên từng con đường, ngõ phố, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn tất bật với công việc thu gom rác, dọn dẹp, vệ sinh để mang lại diện mạo sạch đẹp cho phố phường.

[Ảnh] Cùng trâu di cư đón Tết

[Ảnh] Cùng trâu di cư đón Tết

Năm năm nào cũng vậy, cứ khoảng cuối tháng 12 dương lịch, người Mông ở các xã Tả Phìn, Trung Chải, phường Hàm Rồng của thị xã Sa Pa lại lùa đàn trâu đi tránh rét. Ngay cả những ngày này, khi người dân cả nước đang chuẩn bị đón tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 thì các gia đình chủ trâu vẫn phải cùng "đầu cơ nghiệp" tránh rét xa nhà.

fb yt zl tw