Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã đổi mới bài thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ thành những bài dân vũ sôi động giúp học sinh có tinh thần vui vẻ, giảm căng thẳng, tạo phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi trong các nhà trường.
Dân vũ là những điệu múa truyền thống của các dân tộc trên thế giới, có âm nhạc sôi động, động tác đơn giản nên dễ tập, dễ nhớ. Chính vì vậy, đây là hình thức giáo dục sinh động, hấp dẫn, đơn giản và dễ thực hiện, giúp học sinh vừa được rèn luyện thể lực, trí lực vừa được giáo dục tinh thần tập thể, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
Là trường ở huyện vùng cao nhưng đã 5 năm nay, Trường THCS Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương) đã đưa dân vũ vào hoạt động giữa giờ, tổ chức thi giữa các lớp. Vào các giờ ra chơi, trên sân trường, toàn bộ học sinh mặc trang phục dân tộc Mông, nam cầm khèn, nữ cầm ô, gậy sênh tiền tham gia biểu diễn các điệu múa của đồng bào dân tộc Mông khiến cả trường như một sân khấu lớn.
Những bài dân vũ với điệu nhạc sôi động, khỏe khoắn mang đến cho chúng em sự hứng khởi. Khi nhảy, chúng em được “phiêu” theo nhạc, cảm giác tràn đầy năng lượng, tinh thần sảng khoái để học tập tốt hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Tả Ngài Chồ cho biết: Nhà trường còn mời các nghệ nhân về dạy múa khèn, múa gậy sênh tiền cho học sinh vào mỗi buổi chiều. Từ những điệu múa đó, chúng tôi biến tấu thành các bài dân vũ trên nền nhạc dân tộc để học sinh đồng diễn vào giờ ra chơi, các tiết thể dục hoặc dịp sinh hoạt tập thể. Thực tế cho thấy những bài dân vũ đã thu hút và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh toàn trường. Qua các buổi nhảy dân vũ, học sinh nâng cao sự đoàn kết, tạo không khí vui vẻ, thắt chặt tình bạn bè…
Từ năm học 2020 - 2021, cứ vào giờ ra chơi thứ 3 và thứ 4 hằng tuần, học sinh Trường Tiểu học Mường Vi (huyện Bát Xát) lại ùa ra sân trường, xếp thành các vòng tròn. Khi giai điệu của bài hát “Về Mường Vi” vang lên, các em hòa mình vào điệu múa quạt vui tươi, mềm mại của dân tộc Giáy.
Cô giáo Vùi Thị Hiên, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Mường Vi cho biết: Trường có hơn 70% học sinh là dân tộc Giáy. Thay vì nhạc hiện đại, nhà trường quyết định lựa chọn bài hát quen thuộc của địa phương để các em biểu diễn dân vũ. Nhiều em lúc đầu còn vụng về, nhút nhát nhưng khi thấy các bạn múa đẹp cũng thích thú, hưởng ứng theo dù các động tác chưa được thuần thục.
Nhảy dân vũ là hình thức luyện tập lành mạnh, bổ ích cho các em đang độ tuổi hiếu động, thích ca hát, nhảy múa. Các điệu múa còn giúp các em biểu lộ tâm tư, tình cảm qua ngôn ngữ của cơ thể và trở nên tự tin hơn…
Đến nay, hầu hết trường học trên địa bàn tỉnh đã đưa dân vũ trở thành hoạt động tập thể không thể thiếu trong các sự kiện, giờ sinh hoạt tập thể. Mỗi trường có những điệu nhảy, múa mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương. Không chỉ các điệu nhảy, múa văn hóa truyền thống, xen kẽ các ngày trong tuần, nhiều trường còn tổ chức cho các em nhảy hiện đại như chachacha, flashmob tập thể các bài hát lan tỏa tình yêu đất nước như Việt Nam ơi, Những trái tim Việt Nam, Tôi yêu Việt Nam... Đây là cơ sở để các trường duy trì phong trào văn hóa, văn nghệ, xây dựng những hình thức sinh hoạt tập thể lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh, giúp các em cảm nhận “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.