Bà Giàng Thị Dín ở thôn Chồ Chải cho biết: Dúa chỏ được chế biến rất đơn giản. Gạo nếp nương đem ngâm 3 ngày, sau đó xay thành bột mịn, trộn với đường, thêm nước rồi nặn thành bánh, gói lại bằng lá chuối tươi. Bánh được xếp vào chiếc nồi gang lớn rồi đặt lên bếp hấp đến khi chín mềm.
Dúa chỏ có mùi thơm của gạo nếp, vị ngọt thanh của đường và dẻo quánh đặc biệt. Từ xa xưa, dúa chỏ là món ăn vặt ưa thích của người Mông ở Hoàng Thu Phố.
Người dân thường làm bánh vào những ngày mưa hoặc ngày nông nhàn. Họ thường quây quần trong căn bếp nhỏ cùng nặn bánh, trao đổi những câu chuyện về gia đình, con cái hoặc thông tin họ vừa cập nhật được.
Dúa chỏ như sợi dây kết nối tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm và thể hiện tấm thịnh tình, lòng hiếu khách của người dân vùng cao.
Hầu như phụ nữ Hoàng Thu Phố nào cũng biết làm dúa chỏ, bởi từ nhỏ họ đã quẩn quanh bên căn bếp cùng bà, cùng mẹ và nhìn thấy từng công đoạn làm bánh, đến khi lớn lên lại được mẹ hướng dẫn tỉ mỉ trước khi về nhà chồng.
Không có nhiều món quà vặt như ở thành phố, trẻ em vùng cao Hoàng Thu Phố rất háo hức mỗi khi bà, mẹ làm dúa chỏ. Chúng chờ đợi mẻ bánh nóng hổi hoàn thành với niềm hân hoan, hạnh phúc.
Cùng với những món đặc sản nổi tiếng khác, dúa chỏ góp phần làm phong phú văn hóa ẩm thực của vùng cao Bắc Hà.