Ðồng hồ lá chuối

LCĐT - Cơn bão đêm, những roi mưa quất ràn rạt xuống mái ngói bờ-rô-xi-măng. Bố mẹ lời qua tiếng lại, rồi mẹ sắp xếp quần áo vào chiếc làn mây bỏ đi. Chị kể, lúc ấy, tôi vẫn say tròn trong giấc ngủ, còn chị giật mình tỉnh dậy bởi tiếng loảng xoảng của khay cốc chén bị bố ném vào góc tường trong cơn tức giận.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chị sợ, ngồi bó gối nép vào góc tường, những ngón tay bấu chặt xuống chiếu mà vẫn run cầm cập, chị chưa bao giờ thấy bố mẹ cãi nhau dữ dội đến vậy. Trước khi đi, mẹ đến bên giường, hôn lên đôi má phính phính của tôi và ôm chị vào lòng dặn: “Con chăm sóc em nhé! Mẹ phải đi đây!”. Chị quỳ thụp xuống đất, níu lấy chân mẹ. Mẹ cúi xuống gỡ tay chị rồi vội vã bước không dám ngoảnh lại. Cứ mỗi lần nghe bố lè nhè trong cơn say: “Mẹ mày bỏ nhà theo thằng buôn muối bên Thái Bình rồi!” là tôi lại giãy đành đạch, khóc thét lên. Khi ấy, chị ôm tôi vào lòng dỗ dành rồi cũng nước mắt lưng tròng.

Từ ngày mẹ đi, chị là người chăm từng miếng ăn, giấc ngủ cho tôi. Cứ mỗi lần tôi khóc đòi mẹ, chị lại cõng tôi ra đầu ngõ - chỗ có mấy tàu lá chuối từ nhà bà Mỵ sà sang, qua bức tường lưng lửng tróc vữa loang lổ, rêu mốc xanh. “Chị làm đồng hồ đeo tay cho em nhé!” – chị bảo. Tôi mếu máo gật gật đầu. Chị đưa móng tay tách nhẹ dọc theo cuống một vuông lá chuối xanh mướt rồi xé nhỏ làm ba thanh rộng độ một đốt tay rưỡi. Một nan lá theo tay chị cuộn lại thành khối vuông hình sắc cạnh làm mặt đồng hồ. Chị gài một nan lá khác vào khe giữa các nếp gấp của mặt đồng hồ, gấp nan này đè lên nếp gấp của mặt đồng hồ rồi luồn đầu nan còn lại qua khe khác ở phía trên khe vừa cài. Thế là rõ hình thù cái đồng hồ. Nhìn tôi huơ huơ cổ tay lên ngắm nghía chiếc đồng hồ lá chuối xanh mướt mát rồi cười khanh khách, chị cũng cười như nụ cười hiền của mẹ.

Một chiều, bố đi làm ở lò vôi mãi tận chân đê. Ở nhà, chị đọc truyện cổ tích cho tôi nghe, dạy tôi vẽ bức tranh gia đình có mẹ, có bố, có chị, có tôi rồi nhặt sỏi, hái hoa cải chơi đồ hàng. Chán, hai chị em rủ nhau chơi trốn tìm. Chị lấy hai tay che mắt và đếm: “Một, năm, mười, mười năm, hai mươi, hai nhăm, ba mươi…” còn tôi thì cuống quýt chạy đi tìm chỗ trốn. Tôi chui tọt vào giậu râm bụt và yên tâm là chị sẽ chẳng tìm thấy. Tôi ngồi im không dám động đậy, nhưng đợi, đợi mãi, cái hí hửng tìm được chỗ trốn kín đáo nguội dần và thay vào đó là sự bứt rứt. Mấy con kiến lửa đốt chân tôi ngứa ran. Sốt ruột, tôi lồm ngồm chui ra, chạy đi tìm chị. “Chị ơi, không chơi nữa đâu, chán lắm! Chị ơi, chị đang ở đâu?”.

 Tôi về nhà, thấy nhà vắng ngắt, ra ngõ ngóng trước, ngóng sau cũng chẳng thấy bóng dáng chị. Lo sợ ập đến, tôi òa khóc, cuống quýt chạy tuốt ra đường cái, vừa chạy, vừa gào đến khản tiếng: “Chị ơi, chị đâu rồi, sao chị không tìm em? Không chơi trốn tìm nữa đâu! Chị ra đi! Chị ơi!”. Thấy vậy, mấy cô, mấy bác đi làm đồng về xúm lại hỏi han, tôi khóc nấc lên: “Chị cháu…Cháu đi tìm chị cháu!”. Một cô buộc khăn mùi xoa trên đầu nói: “À, cô vừa thấy mẹ cháu về đưa con bé đi rồi!”. Một người khác cũng tán thành: “Đúng rồi đấy, bác cũng thấy mẹ cháu ngồi sau xe máy của ông nào lạ mặt lắm!”. Tôi lắc đầu nguầy nguậy không tin, con đường hun hút lạ lẫm chạy thẳng vào đôi mắt ngơ ngác của đứa bé lên năm, lên sáu. Đúng lúc ấy, bà nội đi chợ chiều về, nghe mọi người kể, bà ôm tôi vào lòng rồi bảo: “Đi về nhà với bà! Bà bảo bố đi tìm chị cho cháu nhé!”.

Bà nội nhờ người đánh tiếng cho bố. Bố bỏ việc cuống cuồng đi tìm chị. Đến tận nửa đêm, bố về nhà nồng nặc mùi rượu. Tôi ngồi dựa vào chiếc cột bê tông ở bậc thềm, tay khư khư giữ chiếc đồng hồ lá chuối chị làm cho tôi. Sao chị lại bỏ em đi, chị cũng giống mẹ, không còn thương em nữa sao? Chị còn hứa dạy cho em làm đồng hồ lá chuối nữa mà, chị ơi! Tôi cứ lẩm nhẩm như thế trong cơn khóc tức tưởi.

Một mình bố “gà trống” nuôi tôi khôn lớn. Mẹ mang theo chị và điều tiếng bỏ chồng con đi biệt tăm, biệt tích. Chiếc đồng hồ lá chuối chị làm cho tôi đã héo úa trong chiếc hộp gỗ có móc khóa sắt han gỉ…

fb yt zl tw