Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Đồng bào Mông Si Ma Cai xây dựng các sản phẩm du lịch chào đón du khách dịp lễ

Đồng bào Mông Si Ma Cai xây dựng các sản phẩm du lịch chào đón du khách dịp lễ

Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, đồng bào Mông ở huyện Si Ma Cai xây dựng một số sản phẩm du lịch trải nghiệm chào đón khách du lịch tới tham quan.

Nhận thấy xu hướng trồng hoa làm du lịch ngày càng thu hút du khách, anh Giàng Si Đon ở thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu đã mạnh dạn trồng 1,5 ha tại khu vực gần hồ cạn Cán Cấu, trên mảnh đất trồng ngô của gia đình.

Si 1.jpg
Vườn hoa của gia đình anh Giàng Si Đon.

Từ tháng 2/2024, gia đình anh gieo hạt, trồng giống hoa cúc bất tử và hoa cánh bướm. Anh còn dựng nhà chòi, lắp đặt những khung hình con thoi, trái tim, xích đu... để du khách có điểm chụp ảnh, check-in.

si 0.jpg
Hoa cúc bất tử lần đầu tiên được trồng ở Si Ma Cai.

Thời gian qua, anh Đon tích cực quảng bá vườn hoa lên các mạng xã hội. Điểm ngắm hoa chỉ cách Quốc lộ 4D chừng 3 km và gần ngay khu chợ Cán Cấu. Xe máy, ô tô có thể vào tận nơi nên đã thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm.

si 2.jpg
Chị Vũ Thị Hạnh (áo trắng) lưu lại khoảnh khắc đẹp bên vườn hoa.

Đi một quãng đường dài gần 300 km với hơn 4 tiếng đồng hồ di chuyển, chị Vũ Thị Hạnh, du khách đến từ tỉnh Vĩnh Phúc không phải thất vọng khi tham quan đồi hoa tuyệt đẹp, tô điểm xung quanh là cảnh quan núi non hùng vĩ, ngoạn mục. Chị Hạnh chia sẻ: “Cảnh sắc thiên nhiên rất hoang sơ, không có nhà xây, đâu đâu cũng chỉ có cây và hoa nên rất đẹp. Tôi khá hài lòng với chuyến đi trải nghiệm này”.

Học tập kinh nghiệm từ các chủ vườn hoa khác, gia đình anh Đon mua thêm các bộ trang phục dân tộc Mông cho khách thuê mặc. Ngoài ra, anh Đon cũng bán hoa để du khách mua về cắm trang trí. Trung bình mỗi ngày, vườn hoa đã giúp gia đình anh Đon có nguồn thu từ 600.000 đồng - 1.000.000 đồng. Anh Đon rất vui khi có thu nhập tốt hơn, bởi diện tích trồng hoa trước đây là trồng ngô, không mang đến nhiều lợi ích kinh tế như vậy. Anh Đon chia sẻ: “Năm đầu tiên trồng hoa còn nhiều bỡ ngỡ, chưa "căn" đúng thời vụ trồng nên cận dịp nghỉ lễ hoa đã tàn nhiều. Vụ hoa sắp tới, gia đình tôi sẽ trồng thêm nhiều loại, rút kinh nghiệm từ vụ hoa này để vườn hoa đẹp hơn, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị hơn”.

si 4.jpg
si 6.jpg
Hoa tam giác mạch nở rộ trên núi Tình.

Nhắc đến Si Ma Cai, những năm gần đây, địa danh núi Tình ở thị trấn Si Ma Cai đã không còn xa lạ với nhiều người. Người "thổi hồn" để ngọn núi trở nên đẹp thơ mộng với triền hoa tam giác mạch khoe sắc không ai khác đó chính là anh Cư Seo Chô, sinh năm 1991, chủ nhân vườn hoa trên núi Tình. Anh Chô bật mí: “Để chiêm ngưỡng được vẻ đẹp huyền bí của Si Ma Cai trên núi Tình, thời điểm thích hợp nhất để trải nghiệm đó là buổi sáng, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mây trắng bồng bềnh vờn trên núi. Ánh nắng ban mai sẽ tạo cho cảnh sắc trở nên tươi đẹp, giúp du khách có những trải nghiệm đáng nhớ”.

z4662432410629_40efb8c85929c7ce011face41fffc7e3.jpg
Anh Cư Seo Chô, chủ nhân vườn hoa tam giác mạch núi Tình.

Từ trung tâm thị trấn Si Ma Cai vào núi Tình chỉ mất chừng 5 km, đường quanh co theo thế ngọn núi, nhưng đã được đổ bê tông tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch di chuyển. Tại núi Tình có góc nhìn bao quát toàn cảnh huyện Si Ma Cai.

Núi Tình thời điểm này đang nở rộ hoa tam giác mạch với nhiều điểm chụp ảnh đẹp, hấp dẫn du khách. Có kinh nghiệm 3 năm trồng hoa, năm nay, anh Chô chú trọng việc gieo hạt, "căn" thời gian để hoa tam giác mạch nở bung sắc thắm đúng dịp nghỉ lễ. Anh Chô còn trồng xen kẽ thêm hoa cánh bướm, cải vàng để vườn hoa đa sắc màu hơn.

Si 3.jpg

Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm ngoái, vườn hoa thu hút hơn 1.000 lượt du khách. Kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 kéo dài thời gian hơn, anh Chô kỳ vọng sẽ có trên 3.000 lượt khách đến tham quan.

Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai đã tận dụng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của địa phương để phát triển các điểm du lịch trải nghiệm, đặc biệt trồng hoa kết hợp với khám phá văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài vườn hoa ở Cán Cấu, thị trấn Si Ma Cai còn có vườn hoa của người dân ở Thào Chư Phìn, Bản Mế cũng thu hút du khách. Bên cạnh đó, trên địa huyện bước đầu đã hình thành điểm du lịch trải nghiệm trên sông Chảy, đoạn qua xã Nàn Sín - Bản Mế và khu vực thôn Lù Dì Sán, xã Sán Chải.

si 5.jpg
Người dân thôn Mào Sao Phìn cải tạo nhà ở làm dịch vụ lưu trú homestay.

Thời gian qua, huyện Si Ma Cai cũng đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch bản làng, hình thành một số làng du lịch cộng đồng ở thôn Cán Chư Sử (xã Cán Cấu); thôn Mào Sao Phìn (xã Sín Chéng); thôn Sín Chải (xã Bản Mế).

Tại thôn Mào Sao Phìn, người dân tích cực vệ sinh đường làng, ngõ xóm, làm vườn hoa, trồng cây cảnh, xây dựng các điểm check-in để đón du khách trong kỳ nghỉ lễ. Đồng chí Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Sín Chéng cho biết: Điểm đặc biệt ở Mào Sao Phìn là có những căn nhà tường trình cổ dân tộc Mông có tuổi đời hàng trăm năm. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Mông nơi đây giữ trọn vẹn được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nên thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm, khám phá. Đặc biệt, tại thôn Mào Sao Phìn còn có căn nhà có lối kiến trúc giống như dinh thự Hoàng A Tưởng ở Bắc Hà, thu hút nhiều du khách, các kiến trúc sư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu.

Vừa qua, 3 hộ dân ở Mào Sao Phìn đã mạnh dạn cải tạo căn nhà của mình để làm dịch vụ homestay. Huyện Si Ma Cai trước đây chưa có cơ sở lưu trú nào ở cộng đồng dân cư. Những homestay ở Mào Sao Phìn đã đặt nền móng, gợi mở cho địa phương trong việc phát triển cơ sở lưu trú cộng đồng, để giữ chân khách ở lại làng lâu hơn.

Không chỉ mong muốn có thêm nhiều du khách đến Si Ma Cai trong kỳ nghỉ lễ này, đồng bào Mông nơi đây còn kỳ vọng sự cố gắng, sự thay đổi nhận thức trong cách làm du lịch sẽ được đón thêm nhiều du khách đến với mảnh đất biên cương nhuốm màu cổ tích ngựa thần, để trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống dân tộc đặc sắc thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang

Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang

Sáng 16/11, tại xã Y Tý, huyện Bát Xát đã diễn ra Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai; sản phẩm "Kết nối con đường di sản" từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie - Bát Xát - Bắc Hà (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang) và “Nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe gắn với cây thảo dược và nông nghiệp" tại xã Y Tý.

[Ảnh] Khu rừng cổ tích trên cung đường đá cổ Pavie

[Ảnh] Khu rừng cổ tích trên cung đường đá cổ Pavie

Ngày 15/11, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu; UBND các huyện: Phong Thổ (Lai Châu), Bát Xát, Bắc Hà (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang); Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lai Châu và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức khảo sát đường đá cổ Pavie xuất phát từ Sin Suối Hồ (Phong Thổ - Lai Châu) sang xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát - Lào Cai).

Sa Pa - Xứ sương mù tỉnh giấc

Sa Pa - Xứ sương mù tỉnh giấc

Khi những dấu chân khai mở của Sun Group tìm đến thị trấn trong sương, đỉnh Fansipan đã trở thành “điểm đến đời người”, Sa Pa lặng lẽ ngày nào giờ như sống lại một thời từng là thị trấn nghỉ dưỡng của người Pháp.

Lào Cai giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc – Điện Biên năm 2024

Lào Cai giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc – Điện Biên năm 2024

Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên năm 2024 với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” được tổ chức từ ngày 14 - 17/11, tại Quảng trường 7/5 thành phố Điện Biên Phủ. Gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh Lào Cai đã thu hút người dân và du khách.

[Infographic] Có gì tại Festival mùa đông Bắc Hà năm 2024?

[Infographic] Có gì tại Festival mùa đông Bắc Hà năm 2024?

Nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc sắc, đồng thời bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc tại Bắc Hà nói riêng và trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, từ ngày 15/11 - 7/12, huyện Bắc Hà tổ chức Festival mùa đông năm 2024 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn.

fbytzltw