Gia đình anh Goàng Ngấn Phìn đang khẩn trương hoàn thiện căn nhà xây để kịp vào ở trước thềm năm mới. Anh Phìn cho biết, tiền làm nhà do hai vợ chồng dành dụm từ bán trâu, lợn mấy năm vừa qua.
Trưởng thôn Lao Tô Chải - Giàng Sín Sáng cho biết: Trước đây, nhiều người dân ở thôn Lao Tô Chải vượt biên sang bên kia biên giới làm thuê, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hai bên kiểm soát chặt đường biên giới, nên số người đi xa nhà làm thuê giảm dần. "Đi làm thuê bên kia biên giới nếu thuận lợi cũng có chút tiền gửi về nhưng nhìn chung có nhiều rủi ro, chẳng may xảy ra chuyện gì thì chẳng biết kêu ai" - Trưởng thôn Sáng chia sẻ.
Cũng từ suy nghĩ ấy, thời gian qua, nhiều hộ dân ở Lao Tô Chải đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp.
Điển hình như gia đình anh Giàng Xử Xèng, hộ nghèo của thôn. Sau khi được hỗ trợ mua một con bò sinh sản, anh chịu khó tìm hiểu kỹ thuật nuôi, phòng bệnh, nhờ đó bò khỏe mạnh và đã đẻ được 3 lứa Cùng với đó, anh cũng chuyển đổi giống ngô địa phương sang trồng ngô lai để vừa có thức ăn phục vụ chăn nuôi vừa bán cho thương lái. Anh Xèng cho biết: Giống ngô lai cho năng suất cao lại thích hợp với khí hậu khắc nghiệt ở Tả Gia Khâu, mỗi năm gia đình thu khoảng 10 tấn.
Thôn Lao Tô Chải có 48 hộ, hầu hết là đồng bào dân tộc Phù Lá, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn với hơn một nửa số hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, dẫu vậy so với cách đây 5 - 7 năm về trước đã là cả một bước tiến dài.
Thiếu tá Hà Quang Trung, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu cho biết: So với trước đây, cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây đã có nhiều đổi thay. Các chương trình, dự án của Nhà nước về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, các chính sách an sinh xã hội… đã phát huy hiệu quả giúp đồng bào từng bước cải thiện điều kiện sống, yên tâm giữ đất, bám bản, góp phần bảo vệ đường biên mốc giới.
Các thành viên trong tổ tự quản bảo vệ đường biên và Nhân dân trên địa bàn thường xuyên nắm tình hình an ninh, trật tự, kịp thời báo cáo với lực lượng chức năng khi phát hiện vụ việc, những bất thường xảy ra trên biên giới. Trưởng thôn Lao Tô Chải - Giàng Sín Sáng nói: Trước đây, ông bà, bố mẹ mình còn khó khăn hơn nhiều nhưng vẫn kiên cường bám trụ trên mảnh đất này thì không có cớ gì mình lại không tiếp tục gắn bó.
Trên đường trở về Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, Thiếu tá Hà Quang Trung đưa chúng tôi vào thăm điểm trường Lao Tô Chải. Đời sống được nâng lên, người dân vùng cao, biên giới nơi đây đã dành sự quan tâm nhiều hơn cho sự học của con em mình vì ai cũng nhận ra đây là cách tốt nhất để con em họ có tương lai tươi sáng. Trong phòng học nhỏ của lớp ghép 1 + 2, cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Yến tỉ mỉ uốn nắn từng nét chữ cho học sinh lớp 1, rồi lại tranh thủ chạy sang chữa bài toán cho học sinh lớp 2.
Cô giáo Hoàng Yến công tác ở vùng cao biên giới Mường Khương đến nay đã 25 năm. Học sinh của cô trải khắp từ Thanh Bình, Lùng Khấu Nhin, Tung Chung Phố đến Cao Sơn, Tả Thàng, Tả Gia Khâu, mỗi nơi đều đọng lại trong cô những kỷ niệm thân thương. Cô Yến bảo dù mới nhận công tác ở Lao Tô Chải, nhưng sự ham học và thông minh của học sinh còn nhiều khó khăn nơi đây đã giúp cô có thêm động lực để gắn bó với sự nghiệp dạy học ở vùng cao này.
Trên sân trường đầy nắng, lá cờ đỏ bay phấp phới trên mảnh đất biên cương Tổ quốc mang đến cho chúng tôi những cảm xúc khó tả. Trong bài học hôm nay, cô Hoàng Yến còn kể cho các em nghe nhiều về sự hy sinh của bộ đội biên phòng, về sự kiên cường của những người con ưu tú dân tộc Phù Lá đã bám bản, giữ đất biên cương để chúng thêm hiểu và tự hào về mảnh đất mình được sinh ra.