Trong làn sóng công nghệ, sách là giải pháp hiệu quả giúp người cao tuổi tiếp cận tri thức mà không cần phải đọc từng dòng chữ trên trang giấy. Không còn bị giới hạn bởi yếu tố thị lực, nhiều người cao tuổi đã sử dụng sách nói, vừa tiện lợi, vừa gần gũi, giúp họ duy trì thói quen đọc theo cách riêng của mình.
Bà Nguyễn Thị Tiễn, 69 tuổi, trú tại phường Lào Cai là một người trong số đó. Vốn yêu thích đọc sách từ lâu, nhưng khi tuổi cao, mắt mờ dần, việc lật giở từng trang giấy trở nên khó khăn. Thay vì từ bỏ thói quen đọc, bà đã tìm ra giải pháp nghe sách nói qua ứng dụng điện thoại.

“Tôi dùng sách nói thường xuyên, ngày nào cũng nghe. Lúc chuẩn bị đi ngủ, khi đang làm việc nhà hay cả lúc đi bộ, tôi vẫn có thể nghe sách, vẫn tiếp thu được kiến thức. Nhờ đó, tôi không phải từ bỏ niềm đam mê đọc sách của mình”, bà Tiễn chia sẻ.
Nếu như trước đây, việc tìm kiếm một đầu sách chuyên ngành hay tài liệu nghiên cứu đòi hỏi người đọc phải đến thư viện, lật giở từng kệ sách, thì nay, chỉ cần thực hiện vài thao tác chạm trên điện thoại thông minh, kho tàng thư viện đã có ngay trước mắt. Sự chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi số tại Thư viện tỉnh Lào Cai đang tạo nên bước tiến lớn, đưa tri thức đến gần hơn với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Em Lê Hoàng Mai, học sinh Trường THPT Cam Đường chia sẻ trải nghiệm của mình: “Việc đọc sách qua nền tảng thư viện số giúp em tiếp cận kho tài liệu khổng lồ. Em có thể tra cứu các đầu sách, tài liệu tham khảo ngay trên điện thoại để phục vụ việc học, rất tiện lợi và hiệu quả”.

Đằng sau sự thuận tiện ấy là nỗ lực bền bỉ của đội ngũ cán bộ thư viện trong việc hiện đại hóa thư viện truyền thống.
Anh Lìn Thanh Tuân, cán bộ Thư viện tỉnh Lào Cai cho biết: “Những năm qua, chúng tôi đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu thư viện số, với hơn 35.000 trang tài liệu được số hóa mỗi năm. Việc này không chỉ phục vụ công tác tra cứu trực tuyến mà còn là cách lưu giữ và bảo tồn những tư liệu quý của địa phương”.
Sự đổi mới này tạo nên bước tiến mới trong cách thức tiếp nhận tri thức của người dân Lào Cai, đồng thời góp phần phát triển văn hóa đọc vốn là một trong những nền tảng quan trọng của xã hội học tập hiện đại.
Thực tế cho thấy, dù phương thức tiếp cận có thay đổi, nhưng tinh thần và giá trị của việc đọc vẫn không hề thay đổi. Dù sách giấy hay sách số vẫn là chiếc chìa khóa vạn năng mở ra thế giới tri thức, giúp con người làm giàu tư duy, mở rộng tầm nhìn và nuôi dưỡng đời sống tinh thần phong phú.

Việc đọc trong thời đại 4.0 không chỉ là hoạt động cá nhân mà còn là biểu hiện của sự thích ứng linh hoạt với công nghệ. Vì vậy, đòi hỏi mỗi người cần biết chọn lọc, quản lý thông tin và hình thành thói quen đọc có chọn lọc giữa biển thông tin đa chiều.
Trong nhịp sống hiện đại, việc duy trì thói quen đọc dù dưới bất kỳ hình thức nào, chính là cách giữ lại cho bản thân một khoảng lặng, một không gian riêng để suy ngẫm và phát triển. Điều quan trọng là mỗi người tìm được cách đọc phù hợp với điều kiện và sở thích của mình, từ đó, văn hóa đọc không chỉ được bảo tồn mà còn tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng.