Người dân háo hức sử dụng lá cây để mua sắm.
Diễn ra mỗi năm một lần vào dịp Rằm tháng Giêng, phiên chợ thu hút hàng nghìn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm.
Phiên chợ lá tại tỉnh Tây Ninh hoạt động tương tự như các phiên chợ truyền thống, các quầy hàng được xếp san sát nhau, bày bán nhiều món đặc sản dân dã địa phương. Các mặt hàng không được định giá, người tham gia buôn bán tại quan niệm lấy lá cây để được lộc đầu năm thay cho tiền, do đó người đi chợ sử dụng lá cây để mua sắm các mặt hàng thức ăn, nước uống.
Lợi nhuận sau khi tham gia phiên chợ của các tiểu thương đến từ TP Hồ Chí Minh là những chiếc lá, nhưng ai cũng cảm thấy hân hoan và vui vẻ.
Tham gia bán hàng tại phiên chợ, chị Nguyễn Thị Mộng Tiên (47 tuổi, thành phố Tây Ninh) cho biết, đây là phiên chợ do bác sĩ Bùi Quốc Thái khởi xướng, ông là thầy thuốc chuyên làm thiện nguyện cứu người ở thị xã Hòa Thành.
Ý tưởng ban đầu là tổ chức một phiên chợ mang tính chất nội bộ để những người thân quen của ông mua bán đồ ăn, thức uống; gặp gỡ bạn bè sau một năm làm việc vất vả. Vì là phiên chợ thân mật nên không dùng tiền để thanh toán, mà thay vào đó, ai có gì góp đó để tạo nên những sạp hàng đa dạng, dùng lá để mua bán, tạo không khí nhộn nhịp. Sau một vài lần tổ chức, phiên chợ đã thu hút nhiều người dân địa phương tham gia. Đến nay, chợ lá Tây Ninh đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của địa phương, thu hút hàng nghìn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Lần đầu tiên tham gia phiên chợ, em Huỳnh An (18 tuổi, ngụ thị xã Hòa Thành) cho biết, người đi chợ chỉ cần chuẩn bị một vài chiếc lá để mua sắm, mỗi chiếc lá tương đương với một món hàng, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, độc đáo. Em mong muốn phiên chợ sẽ được tổ chức nhiều hơn, mở rộng hơn để giúp đỡ cho nhiều người có hoàn khó khăn.
Gian hàng bánh mì tại phiên chợ lá thu hút thực khách.
Tham gia phiên chợ lá, nhóm của chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh (56 tuổi), Lưu Thị Hương (61 tuổi) đến từ huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị hơn 400 phần gồm các món chè, xôi. Nhóm mong muốn chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn và truyền đi thông điệp khuyến khích mọi người luôn biết yêu thương, san sẻ với nhau, không bị lệ thuộc vào vật chất. Theo chị Lưu Thị Hương, việc cho đi vốn không phải là điều khó, chỉ cần một chút tâm thiện, chuẩn bị những món ăn đơn giản là đã có thể lan tỏa niềm vui, san sẻ khó khăn cho rất nhiều người. Do đó, phiên chợ lá được tổ chức hàng năm để khuyến khích mọi người sẵn sàng cho đi và lan tỏa sự thiện lương để làm đẹp thêm cho cuộc sống.
Quang cảnh phiên chợ lá tại tỉnh Tây Ninh.
Tham gia phiên chợ, người bán lẫn người mua đều vui vẻ, cùng cầu mong sức khỏe, bình an và cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong năm mới. Chợ lá tại tỉnh Tây Ninh không có điểm tổ chức cố định mà thay đổi vị trí theo từng năm. Thông thường, chợ lá sẽ diễn ra trong khu dân cư hoặc khu vực gần đền chùa và các khu chợ truyền thống.