Nhằm từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hàng năm Công đoàn ngành phát động nhiều phong trào thi đua sâu rộng tới tất cả các đoàn viên công đoàn. Các phong trào thi đua đều bám sát vào nhiệm vụ chính trị của ngành và là động lực thúc đẩy sản xuất. Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với ngành chuyên môn triển khai sâu rộng các phong trào như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo với năng suất, chất lượng, hiệu quả”; “Học tập nâng cao trình độ về mọi mặt đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn”; “Phong trào xanh - sạch - đẹp”; “Thi đua liên kết phục vụ nông nghiệp và PTNT”…
Cán bộ công chức, viên chức trong các đơn vị quản lý nhà nước tích cực cải cách hành chính, nghiên cứu, tham mưu đề xuất các văn bản, cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch chỉ đạo sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đoàn viên công đoàn đơn vị sự nghiệp KH-KT tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất bình quân mỗi năm mở 500 lớp tập huấn kỹ thuật cho trên 5 ngàn lượt hộ nông dân, đồng thời cấp phát tờ rơi, xây dựng hàng trăm điểm mô hình trình diễn.
Đoàn viên công đoàn Trung tâm Giống cây trồng không ngừng nghiên cứu, lai tạo thành công nhiều giống lúa lai, lúa thuần, giống cây lâm nghiệp tiến bộ, chất lượng cao vào sản xuất. Mỗi năm sản xuất, cung ứng 1,5 triệu giống cây lâm nghiệp, trên 500 tấn giống lúa các loại. Các đơn vị xây lắp đã có nhiều sáng kiến, khắc phục khó khăn xây dựng hạ tầng nông thôn đáp ứng được yêu cầu phát triển…
Với sự nỗ lực cao, đoàn viên công đoàn ngành Nông nghiệp đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp lên một bước phát triển mới. Từ một tỉnh hàng năm thiếu hàng ngàn tấn lương thực, thì nay Yên Bái đã cơ bản đảm bảo an ninh lương thực ở vùng cao. Đối với vùng thấp đã sản xuất lúa, gạo, ngô, đậu tương với khối lượng đạt hàng ngàn tấn mỗi vụ. Năm 2008, mặc dù ảnh hưởng lớn do bão lũ song sản lượng lương thực vẫn đạt 218 ngàn tấn, quan trọng hơn là bà con đã chủ động được mùa vụ và sản xuất.
Sản xuất kinh doanh chè có nhiều tiến bộ, từ sản xuất nông nghiệp đến chế biến, sản lượng chè búp tươi đạt trên 75 ngàn tấn, năng suất bình quân 65-70 tạ/ha. Nhiều diện tích chè già cỗi, năng suất thấp được trồng cải tạo, thay thế bằng giống chè lai, chè nhập nội… tạo vùng chuyên canh rộng lớn.
Những năm trước đây cả tỉnh không có một vùng cây ăn quả có khối lượng hàng hoá đáng kể nào, thì nay đã có vùng cam, quýt (Văn Chấn, Lục Yên), bưởi (Yên Bình), nhãn (Văn Yên, Văn Chấn), đưa diện tích cây ăn quả lên trên 11 ngàn ha, sản lượng đạt gần 55 ngàn tấn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm không ngừng phát triển, chăn nuôi đã và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn ở nhiều địa phương, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 4-4,5%/năm.
Trong công tác trồng và phát triển vốn rừng cũng được chú trọng, bình quân mỗi năm trồng mới từ 12-15 ngàn ha rừng, đưa diện tích rừng toàn tỉnh lên 375 ngàn ha, tỷ lệ che phủ đạt 54%. Kinh tế đồi rừng đã phát huy thế mạnh trên các miền quê, trồng rừng trở thành một nghề không thể thiếu với phần lớn các hộ dân nông thôn. Bên cạnh việc trồng rừng, đã hình thành nhiều cơ sở chế biến nông-lâm sản hàng hóa xuất khẩu góp xoá đói giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nông nghiệp, nông thôn có nhiều khởi sắc, song nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn hiện nay là rất nặng nề, đòi hỏi mỗi đoàn viên công đoàn trong ngành phải có nhiều nỗ lực, tâm huyết với ngành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đưa sản xuất nông-lâm nghiệp lên một bước phát triển mới.
P.V